Nhạc sĩ Phạm Duy sinh ngày 5/10/2021 tại phố Hàng Cót - Hà Nội. Nhạc sĩ Phạm Duy có tên thật Phạm Duy Cẩn, là một trong năm người con của nhà văn Phạm Duy Tốn (1883-1924).
Nhạc sĩ Phạm Duy khởi nghiệp với vai trò ca sĩ của ban nhạc Đức Huy. Từ ca khúc đầu tay “Cô hái mơ” viết năm 1942 đến khi qua đời tại TP.HCM ngày 27/1/2013, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết hơn 1000 ca khúc. Gia tài sáng tạo đồ sộ của nhạc sĩ Phạm Duy chia làm nhiều thể loại như rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, hương ca, tục ca…
Cuốn sách “Nhạc sĩ Phạm Duy biết ái tình ở dòng sông Hương” do nhà văn Nguyễn Đắc Xuân biên soạn, được Nhà xuất bản Thuận Hóa phối hợp Hội nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế ấn hành nhân kỷ niệm 100 năm nhạc sĩ Phạm Duy chào đời. Trong bài “Tình ca” nổi tiếng, nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ thổn thức “tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời” mà còn đắm đuối bày tỏ: “Tôi yêu những sông trường, biết ái tình ở dòng sông Hương, sống no đầy là nhờ Cửu Long, máu sông Hồng đỏ vì chờ mong”.
Sau 30 năm lưu lạc ở Mỹ, nhạc sĩ Phạm Duy quyết định trở về Việt Nam từ năm 2005. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy đã ký kết chuyển nhượng toàn bộ bản quyền cho Công ty văn hóa Phương Nam, đồng thời đề nghị đạo diễn Đặng Nhật Minh làm bộ phim tư liệu về cuộc đời mình. Đáng tiếc, bộ phim ấy chưa kịp bấm máy thì nhạc sĩ đã qua đời ở tuổi 92.
Trong cuốn sách “Nhạc sĩ Phạm Duy biết ái tình ở dòng sông Hương”, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã chia sẻ về câu chuyện nhạc sĩ Phạm Duy cùng con trai Duy Cường biểu diễn tác phẩm “Kiều ca” ở Pháp: “Phần giới thiệu âm nhạc xong, cha con ông thu xếp máy móc, đồ nghề như một gánh hát rong hoàn thành xong phần trình diễn. Rồi rất tự nhiên ông yêu cầu mọi người mua giúp vài đĩa CD “Kiều ca” mà ông vừa giới thiệu. Ông bày luôn chồng đĩa trên mặt bàn, rồi ngả chiếc mũ phớt ra để bên cạnh. Hầu nhu tất cả cử tọa hôm ấy ai cũng đều hưởng ứng. Cái mũ phớt của ông đầy ắp tiền. Tôi thấy ông hào hứng ra mặt như một đứa trẻ nhận tiền lì xì ngày Tết. Tôi biết những năm tháng ly hương nơi đất khách quê người đời sống của ông không dễ dàng gì, hơn nữa lại một nách gà sống nuôi con (mà ông có đến 8 người con). Nhưng ở đâu và lúc nào ông cũng rất ga lăng, ăn mặc đúng mốt parisien như những nghệ sỹ sành điệu nhất ở khu Montmartre.
Cái hồn nhiên ở con người ông làm tôi lại thấy gần ông hơn bởi tôi hiểu ra rằng : ông cũng là người trần mắt thịt như ai. Ông chỉ khác mọi người ở chỗ ông là người có tài, có quá nhiều tài. Hay nói cách khác: ông là người tài sống giữa đời thường với những tính cách của con người bình thường như chúng ta. Do đó âm nhạc của ông cao sang nhưng không xa lạ, nó bình dị như hơi thở, như cơm ăn nước uống hàng ngày”.
Nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ đạt được nhiều thành tựu khi vận dụng âm nhạc truyền thống dân tộc để đưa vào ca khúc, mà ông còn có biệt tài phổ thơ. Nhiều bài thơ đã nhờ âm nhạc Phạm Duy chắp cánh mà bay bổng trong tâm trí công chúng lâu bền như “Thuyền viễn xứ”, “Thà như hạt mưa”, “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Kiếp nào có yêu nhau”…
Ngoài bài “Tình ca”, nhạc sĩ Phạm Duy còn có ca khúc “Việt Nam! Việt Nam!” chất chứa rung cảm người Việt Nam yêu thương giống nòi: “Việt Nam! Việt Nam! Nghe từ vào đời. Việt Nam hai câu nói trên vành môi. Việt Nam nước tôi. Việt Nam! Việt Nam tên gọi là người. Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời”.
Nhạc sĩ Phạm Duy kết hôn với ca sĩ Thái Hằng vào năm 1949 và có 8 người con Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Duy Đức, Thái Thảo, Thái Hiền, Thái Hạnh. Sau khi nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, ông đã được an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương, trong phần khu mộ chung với người vợ Thái Hằng và con trai cả Duy Quang.
Kỷ niệm 100 năm sinh nhật của nhạc sĩ Phạm Duy, người hâm mộ càng thấy rõ hơn tầm vóc mà nhân vật âm nhạc lừng danh này trong đời sống tinh thần của người Việt Nam hôm nay và mai sau: “Việt Nam đây miền xanh tươi. Việt Nam đem vào sông núi. Tự do công bình bác ái muôn đời. Việt Nam không đòi xương máu. Việt Nam kêu gọi thương nhau. Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu…”.