| Hotline: 0983.970.780

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và bến duyên lành

Thứ Bảy 21/09/2019 , 13:15 (GMT+7)

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930-2009) đã đi xa 10 năm. Thế nhưng, các ca khúc của ông vẫn tiếp tục xao xuyến nhiều thế hệ.

05-38-28_nhc_si_phm_the_my
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Trong phán đoán thường tình phía công chúng, thì một nhân vật tài hoa như ông chắc chắn phải rất lãng mạn với chuyện yêu đương. Vậy mà, ngược lại, cả cuộc đời ông chỉ tôn thờ một bóng hồng duy nhất là người vợ - ca sĩ Diệu Lý.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có gia tài hơn 100 ca khúc, mà nhiều bài mỗi ngày vẫn xuất hiện trên các sân khấu lớn nhỏ như “Thương quá Việt Nam”, “Thuyền hoa”, “Tóc mây”, “Hoa vẫn nở trên đường quê hương”, “Chuyến tàu về quê ngoại”, “Đường về hai thôn”…

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sử dụng rất nhuần nhuyễn chất liệu dân ca Nam bộ trong các sáng tác của mình, nên nhiều người vẫn đinh ninh ông là đứa con của sông nước Cửu Long. Thực tế, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là con út trong một gia đình nghèo có đến 13 người con ở An Nhơn - Bình Định. Khác với hai người anh ruột chọn lựa đi theo nghiệp cầm bút là nhà thơ Phạm Hổ và nhà văn Phạm Văn Ký, từ nhỏ Phạm Thế Mỹ đã say mê âm nhạc. Cậu bé Phạm Thế Mỹ thổi sáo trúc nổi tiếng khắp vùng.

Người cha sợ món nhạc cụ ấy sẽ khiến con mình bị ho lao, nên dành dụm mua cho Phạm Thế Mỹ một cây đàn ghita. Đúng là cá gặp nước, Phạm Thế Mỹ không chỉ đánh ghita điệu nghệ mà còn tập tành sáng tác. Năm 15 tuổi, ca khúc đầu tay “Nắng lên xóm nghèo” viết về chính mảnh đất mình đang gieo neo cùng người thân, đã lập tức giúp Phạm Thế Mỹ nổi tiếng.

Đến hôm nay, ca khúc “Nắng lên xóm nghèo” vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật: “Đây bóng dừa, xanh xanh tôi mến thương. Chim trắng về, đem vui reo ngàn hướng. Kìa cổng làng hàng cau nghiêng nắng xuống. Đàn em bé đùa hát ca quên sầu thương…”.

Năm 20 tuổi, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tham gia cách mạng, và làm công tác tuyên huấn ở quân khu 5. Sau Hiệp định Geneve 1954, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ được tổ chức phân công ở lại miền Nam hoạt động. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tốt nghiệp Trường Âm nhạc Sài Gòn và đi dạy học ở Đà Nẵng. Năm 1965, vì tham gia phong trào đấu tranh Phật giáo, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt giam. Trong tù, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vẫn ung dung sáng tác những ca khúc “Hỡi hồn mẹ Việt Nam”, “Mặt trời vừa thức dậy”, “Hòa bình ơi, hãy đến”…

Đặc biệt, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã mượn ý thiền sư Thích Nhất Hạnh để viết ca khúc bất hủ “Bông hồng cài áo” đánh thức lòng hiếu thảo của người Việt Nam. Sau khi thoát khỏi ngục, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vào Sài Gòn và phụ trách văn nghệ ở Viện Đại học Vạn Hạnh. Giai đoạn này, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ không chỉ có một loạt ca khúc cổ vũ thanh niên xuống đường tranh đấu như “Rạng đông trên quê hương Việt Nam”, “Dựng lại quê hương”, “Cho cây rừng còn xanh lá”… còn ông còn gặp được lương duyên.

Trong đội nữ sinh của Viện Đại học Vạn Hạnh có ca sĩ Diệu Lý quê quán Qui Nhơn - Bình Định hát rất hay ca khúc “Bông hồng cài áo”. Biểu diễn rất nhiều lần “môt bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ để lòng vui sướng thêm”, ca sĩ Diệu Lý mới biết tác giả là người thầy giáo vẫn ăn mặc giản dị mà cô thường gặp mỗi ngày. Sự hâm mộ cộng với tình đồng hương, ca sĩ Diệu Lý đã nảy nở tình cảm với vị nhạc sĩ lớn hơn mình đến 20 tuổi.

05-38-28_c_si_dieu_ly
Ca sĩ Diệu Lý.

Những ngày hẹn hò của họ, không phải quán xá hay đường phố, mà là… căn phòng làm việc mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ thường ngồi trong khuôn viên Viện Đại học Vạn Hạnh. Chàng viết được câu nào thì đưa cho nàng hát. Cuộc hạnh ngộ của họ dạo ấy đã làm nên trường ca “Những trang sử Việt Nam” mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ công bố được sự đón nhận nồng nhiệt ngay những ngày đất nước vừa thống nhất!

Năm 1975, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và ca sĩ Diệu Lý tổ chức một đám cưới đơn sơ và ấm áp. Hạnh phúc ấy, chính là chất xúc tác để nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết ca khúc “Bến duyên lành” thổn thức: “Về nơi đây xem bóng cò bay, xem nắng lên vàng cây, xem lúa xanh mùa cấy. Yêu thương nhau tay giữ lấy bàn tay, dù mai sau mưa nắng có phai màu. Này trăng ơi, vui mái chèo đôi, trăng thắm duyên tình tôi, trăng ấm êm cuộc đời”.

Lần lượt hai đứa con ra đời, vợ chồng nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và ca sĩ Diệu Lý đối diện không ít khó khăn. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ làm việc ở Phòng văn hóa thông tin Quận 4, còn ca sĩ Diệu Lý dạy học ở Trường tiểu học Tân Thuận thuộc huyện Nhà Bè. Thời bao cấp, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cư ngụ trong một căn phòng tại khu tập thể công chức quận 4, còn ca sĩ Diệu Lý được cấp một căn nhà nhỏ ở Nhà Bè. Rất tự trọng, họ bàn với nhau trả lại bớt căn nhà nhỏ ở Nhà Bè vì “nhiều người cũng chật vật như mình, nhường suất ấy lại để cấp cho người khác”.

Theo nguyện vọng, ca sĩ Diệu Lý được chuyển về dạy học ở Trường tiểu học Nguyễn Huệ - quận 4 cho gần gũi chồng con. Và họ được chính quyền cấp cho một căn hộ chung cư. Tạm có chốn nương thân, nhưng cơm áo vẫn là vấn đề nan giải. Thấu hiểu người chồng không đua chen viết ca khúc đặt hàng nhằm mưu sinh, nên dù từng 3 lần đoạt Huy chương Vàng đơn ca toàn quốc vào các năm 1981-1983-1985 thì mỗi tối ca sĩ Diệu Lý phải đạp xe đi hát phòng trà để kiếm thêm chút tiền sách vở nuôi con. Giới sành nhạc vẫn không quên ấn tượng ca sĩ Diệu Lý tự ôm đàn ghita và hát những ca khúc đồng quê của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, nhưng không thể hình dung phía sau lời ca tiếng đàn có không ít niềm riêng cơ cực!

Ca sĩ Diệu Lý không chỉ yêu chồng vì tài năng, mà còn nể chồng vì nhân cách. Về kể câu chuyện ứng xử của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ: Có một nhà kinh doanh băng đĩa đến tìm nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ để xin phép dùng mấy ca khúc của ông trong một đĩa nhạc. Ngồi trong căn hộ tương đối khiêm tốn ở một chung cư bình dân, vị khách bày tỏ nhạc nhiên “không ngờ nhạc sĩ lừng lẫy như ông lại sống trong hoàn cảnh thế này”. Lập tức, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vặn lại: “Thế này là thế nào? Với tôi, như vậy là ổn. Nhạc của tôi hay dở mới có ý nghĩa với công chúng, còn nhà của tôi to nhỏ thì đâu có ích gì cho mọi người!”.

05-38-28_phmthemy_luc_o_vien_di_hoc_vn_hnh
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ khi ở Viện Đại học Vạn Hạnh.

Bắt đầu nghỉ hưu đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sức khỏe của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ rất yếu. Tuy nhiên, ông vẫn dồn sức để viết hai trường ca mà ông tâm đắc “Con đường thế kỷ” và “Gió Củ Chi”. Có hôm ca sĩ Diệu Lý đi dạy học trở về, thì phát hiện nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ nằm bất động trên sàn nhà. Cũng may, cấp cứu kịp thời, nên ông qua khỏi. Tuy nhiên, sau đó ông tiếp tục bị đột quỵ, phải nằm một chỗ. Ca sĩ Diệu Lý chạy ngược chạy xuôi, vừa lo công việc giáo viên vừa lo chăm sóc cho chồng.

Ca sĩ Diệu Lý nhớ lại: “Những năm cuối đời, chồng tôi cử động rất khó khăn, nhưng ông vẫn gắng gượng sáng tác. Tôi và con trai phải hỗ trợ ông việc ký âm ca khúc. Rồi tôi ôm đàn hát lại cho chồng tôi nghe để ông chỉnh sửa đúng ý mình. Mãi đến khi không sáng tác được nữa, ông vẫn muốn tôi hát lại cho ông nghe những ca khúc mà ông từng viết. Lần nào cũng vậy, tôi hát xong thì thấy nước mắt rơi dài trên khuôn mặt ông. Đối với chồng tôi, âm nhạc không phải danh lợi mà là chính sinh mạng ông!”.

Ngày 6-1-2009, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ qua đời ở tuổi 79. Di sản âm nhạc Phạm Thế Mỹ chắc chắn còn chinh phục nhiều thế hệ sau. Và khán giả luôn phải tri ân người có ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp Phạm Thế Mỹ, chính là “bến duyên lành” của ông - ca sĩ Diệu Lý.

(Kiến thức gia đình số 38)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm