Từ trái qua phải: Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, nhạc sỹ Phạm Duy, GS.TS Trần Văn Khê. Ảnh tư liệu. |
Ngoài Dư âm, ông còn là tác giả của nhiều ca khúc đi vào lòng người như: Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Mẹ yêu con.... Ông không chỉ là một nhạc sỹ mà còn là một nhà thơ theo đúng nghĩa, được thể hiện qua các ca khúc đầy chất thơ.
Nguyễn Văn Tý quê gốc ở huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Sóc Sơn, Thủ đô Hà Nội). Nhưng cha mẹ ông nghèo nên phải dắt díu nhau vào làm công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi. Trong hồi ký, ông kể, mình được sinh ở xóm thợ Trường Thi, Vinh, Nghệ An năm Giáp Tý (1924). Còn theo chứng minh nhân dân, ông sinh ngày 05/03/1923.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thăm và chúc Tết nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý năm 2018. Ảnh tư liệu. |
Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của ông là “trùm một phường bát âm”, thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào, thường sắm vai kép nhất trong nhiều vở chèo truyền thống thời bấy giờ.
Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Văn Tý được ông sáng tác năm 1949 là bài Ai xây chiến lũy. Từ năm 1950, ông là Trưởng đoàn văn công Đại đoàn 304. Một lần về chơi nhà bạn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An năm 1950, đêm ấy, chợt nhớ mối tình son trẻ tan vỡ cách đấy không lâu, ông đã cho ra đời ca khúc Dư âm bất hủ.
Điều đặc biệt là bài hát được ông sáng tác trên một cái nong, cuộn cót vây tròn xung quanh, dưới gian bếp gia đình chủ nhà. Vừa ôm cây ghi-ta, những hợp âm nhè nhẹ vang lên trong nhịp điệu Blue: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ”…
Giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội văn nghệ Liên khu IV, năm 1952, ông quen biết với bà Nguyễn Thị Bạch Lệ, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, và sau đó hai người thành hôn. Lễ cưới do nhà thơ Lưu Trọng Lư làm chủ hôn.
Sau này, năm 1998, ông làm bài “Sương khuya”. Bài hát nhớ lại kỷ niệm khi mới yêu nhau, giận hờn với bà, có lần ông đã bỏ ra rừng vắng, tìm một gốc cây ngồi, định để cho hổ ăn.
Thấy thiếu ông, cả đoàn văn công bấm đèn pin đi tìm song chỉ có bà Bạch Lê thấy ông vì biết chỗ ông hay ngồi. Thấy ông, bà chỉ giơ tay vuốt tóc ướt đẫm sương đêm.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý những năm tháng cuối đời. Ảnh: Tư liệu. |
Để lại nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, năm 2000, Nhà nước trao tặng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý Giải thưởng Hồ Chí Minh với các ca khúc: Mẹ yêu con, Vượt trùng dương, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre.
Sau nhiều năm chống chọi với nhiều căn bệnh của tuổi già, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời vào hồi 17h15 ngày 26/12/2019 tại nhà riêng (đường Trần Khắc Chân, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM). Linh cữu ông sẽ được di quan ra Nhà tang lễ TP.HCM lúc 10h ngày 27/12.
Lễ an táng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý được tổ chức vào sáng 29/12/2019 tại nghĩa trang hoa viên Bình Dương. Đây cũng là nơi yên nghỉ của nhiều văn nghệ sĩ: nhạc sĩ Phạm Duy, GS.TS Trần Văn Khê, nhà văn Sơn Nam, soạn giả Viễn Châu, nhà thơ Kiên Giang...