Tặng quà cho khách hay đối tác không nằm trong văn hóa Mỹ. Trong các buổi gặp gỡ ngoại giao, người Mỹ hầu như không có thói quen tặng quà. Ngược lại, đây là cách thể hiện sự thân thiện quen thuộc từ phía Việt Nam, kể cả đứng trong vai trò là chủ hay khách.
Ngày 13/5, theo giờ địa phương, tại Washington D.C, trong khuôn khổ chuyến tham dự tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ; thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc từ ngày 11-17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ Tổng Giám đốc USAID Samantha Power. Mục đích của cuộc gặp gỡ là để thảo luận về tăng cường hợp tác phát triển và những hoạt động hỗ trợ hiện nay của USAID tại Việt Nam nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu và ô nhiễm môi trường, cải thiện giáo dục đại học và giải quyết các vấn đề còn tồn lại sau chiến tranh.
Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng bà Samantha Power một món quà nhỏ: sản phẩm thú nhồi bông hình linh vật sao la do doanh nghiệp xã hội Kym Việt ở Hà Nội sản xuất theo phương pháp thủ công.
Xưởng làm thú nhồi bông này do ba người khuyết tật là Phạm Việt Hoài, Lê Việt Cường và Nguyễn Đức Minh lập nên vào cuối tháng 12/2013, có 3 cơ sở tại Hà Nội, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động là người khuyết tật, trong đó 85% là người khiếm thính, 10% là người khuyết tật vận động và 5% là người bị thiểu năng trí tuệ.
Sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp là thú nhồi bông với nhiều mẫu mã khác nhau. SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai tổ chức chọn sao la - loài động vật quý hiếm sắp truyệt chủng được bảo tồn trong sách đỏ làm linh vật.
Kym Việt đã thiết kế mẫu búp bê linh vật sao la, đã được Ban tổ chức SEA Games 31 cấp phép sản xuất và thương mại theo công văn 1087 nhưng không được in hình logo SEA Games. Thay vào đó là in cờ Việt Nam và trang phục nhiều màu sắc khác.
Mỗi chú sao la nhồi bông của Kym Việt có khoảng 37 chi tiết được cắt may, thêu thủ công. Một người thợ khuyết tật phải mất nửa ngày để hoàn thiện một sản phẩm sa la nhồi bông tinh xảo. Bằng cách đó, doanh nghiệp có cơ hội phát đi một thông điệp rõ ràng: những người tàn tật vẫn có khả năng hội nhập đời sống, tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đóng góp hữu ích cho xã hội, giá trị làm ra đáng được thừa nhận và tôn trọng.
Một sản phẩm thân thiện như thế, được giành làm quà tặng cho người đứng đầu Cơ quan Viện trợ phát triển Hoa Kỳ là quá ý nghĩa, giàu tính nhân văn. Nó tự hào và xứng đáng được khoác lên từng sản phẩm màu cờ đỏ sao vàng, cũng như nhiều màu sắc đẹp đẽ khác. Nếu là quà tặng của bà Tổng Giám đốc USAID cho Thủ tướng Việt Nam, hẳn trên áo con thú nhồi bông đã in cờ Mỹ chứ không in cờ Việt.
Đáng tiếc, trên mạng xã hội, như thường lệ, nhiều người, nhiều trang đang nhầm lẫn hoặc ố ý gán ghép, cho rằng đó là quà phía Mỹ tặng Thủ tướng Việt Nam, cố biến linh vật sao la thành con bò màu đỏ, hả hê với chuyện "thâm thúy" với "chơi khăm" tưởng tượng. Đó là hành vi nối dài một thói quen suy nghĩ xấu đang có chiều hướng lây lan trên mạng xã hội: say mê bóc phốt bất kỳ ai, khoái trá khi nhận ra sơ sót hoặc sai lầm của ai đó, ngay cả ai đó đang có trách nhiệm đại diện cho quốc thể.
Họ quên mất một điều, muốn tham gia phản biện xã hội, trước hết cần phải có ý thức và năng lực tự phản biện cả suy tư lẫn hiểu biết của chính mình. Chịu khó dừng lại suy nghĩ một chút, người ta sẽ dễ nhận ra, không ai tự dưng đem tặng người khác một thú nhồi bông không gắn với một ý nghĩa nào cả.
Nếu là quà tặng từ phía Hoa Kỳ, ở cấp độ ngoại giao nhà nước, họ không dại dột mượn và biến nó thành một trò mỉa mai thô thiển với đối tác bè bạn. Nếu quà tặng đến từ Việt Nam, hẳn con thú nhồi bông bé nhỏ sẽ phải hàm chưa một ý nghĩa biểu tượng trong sáng, sinh động nào đó, ít nhất cũng đủ thể hiện thành tâm, thiện ý của người tặng. Liên hệ với việc SEA Games 31 đang diễn ra sôi động trong nước, hẳn người ta không khó để nhận ra ngay bóng dáng linh vật sao la chứ không phải một loài thú nào khác.
Ác ý và vô ý che mờ hiểu biết. Những ai đang như thế, nên dừng lại ngay đi! Hiểu sai hoặc cố ý xuyên tạc, đó chỉ là biểu hiện thiếu hiểu biết, thiếu tích cực, không thiện cảm đối với đất nước và dân tộc. Gần hơn, đem sản phẩm hội nhập xã hội của người khuyết tật ra ra xuyên tạc, giễu cợt cũng chẳng có gì đáng gọi là hay ho hay sâu sắc. Cố ý hoặc vô tình đều gây tổn thương. Nó không phải là việc đáng làm, đáng nghĩ, chỉ chứng tỏ một cái tâm bất thiện và không trong sáng.