| Hotline: 0983.970.780

Nhân lực ngành nông nghiệp cần chuyên sâu thay vì cái gì cũng biết

Thứ Tư 23/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Do nông nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật, có nhiều chuyên ngành đòi hỏi phải chuyên sâu, nên cần thay đổi phương pháp đào tạo để phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chia sẻ về câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp. Ảnh: Linh Linh.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chia sẻ về câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp. Ảnh: Linh Linh.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam xung quanh câu chuyện đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh ứng dụng AI và công nghệ 4.0 hiện nay.

Vừa tuyển dụng vừa đào tạo

Thưa ông, hiện mỗi năm các cơ sở giáo dục cung cấp ra thị trường hàng chục thậm chí cả trăm nghìn nhân lực cho ngành nông nghiệp, nhưng lúc nào tôi cũng thấy các doanh nghiệp khối nông nghiệp kêu gặp khó khăn rất lớn trong công tác tuyển dụng, không biết phía C.P. Việt Nam có gặp câu chuyện tương tự?

Thoát ly nông nghiệp không chỉ diễn ra với Việt Nam mà còn đang trở thành xu hướng chung của thế giới. Ngành nông nghiệp đang chuyển mình để bắt kịp xu thế hiện đại, tích hợp đa giá trị với những yêu cầu đặt ra về đổi mới công nghệ, thực hành bền vững, tăng năng suất, giảm giá thành và gia tăng giá trị sản phẩm.

Từ đó, đào tạo nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp ngày nay không chỉ cần kiến thức chuyên sâu của lĩnh vực cơ bản như thú y, chăn nuôi, trồng trọt, bảo vệ thực vật,... mà còn cần những kiến thức và các kỹ năng tổng hợp để bắt kịp với thực tiễn.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hiện có khoảng 33.000 lao động, trong đó 18.000 là công nhân, còn lại là cán bộ, nhân viên có chuyên môn. Khối chuyên môn được tuyển dụng từ nhiều ngành và nhiều trình độ từ học đại học, cao đẳng, trung cấp, trong đó khoảng 6.000 người được đào tạo ở khối nông nghiệp như kỹ sư chăn nuôi, bác sĩ thú y, kỹ sư nuôi trồng thủy sản và những ngành nghề khác trong nông nghiệp.

Số lượng tuyển dụng bổ sung phục vụ mở rộng kinh doanh hoặc thay thế số người nghỉ việc, nghỉ hưu chiếm khoảng 10% hàng năm. Hàng năm Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tuyển dụng khoảng 600 - 700 sinh viên từ cấp trung cấp đến đại học tốt nghiệp thuộc các ngành nghề khối nông nghiệp.

Nhìn về thực trạng, chúng ta có thể thấy tuyển dụng lao động cho ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn ở cả hai mặt chất lượng và số lượng. Công ty cần tuyển nhân sự chất lượng song vẫn cần đảm bảo số lượng người hàng năm để phục vụ nhu cầu công việc.

Trong những năm qua, bộ phận tuyển dụng của C.P. Việt Nam cũng chủ động tìm kiếm, giới thiệu công việc đến người lao động song việc tuyển dụng tương đối khó khăn, số lượng tương đối ít và đôi khi phải chấp nhận tuyển dụng nhân sự vừa làm việc vừa tiếp nhận đào tạo chuyên môn, tập huấn tại trung tâm đạo tạo và thực hành tại các cơ sở chăn nuôi cho đến khi nào nhân sự được chuẩn hóa và đạt được trình độ mong muốn.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hiện có khoảng 33.000 lao động, gồm 18.000 là công nhân, còn lại là cán bộ, nhân viên có chuyên môn. Ảnh: NH.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hiện có khoảng 33.000 lao động, gồm 18.000 là công nhân, còn lại là cán bộ, nhân viên có chuyên môn. Ảnh: NH.

Thưa ông, từ kinh nghiệm tuyển dụng của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, ông nhận thấy chất lượng nguồn nhân lực và công tác đào tạo của các nhà trường hiện nay thế nào?

Tôi có thể lấy ví dụ để minh họa cho câu chuyện này. Tại các doanh nghiệp nước ngoài, trong lĩnh vực chăn nuôi hoặc thú y, họ cần tuyển và đào tạo nhân viên theo hướng chuyên sâu. Các bác sĩ thú y chuyên về heo có thể rất giỏi chuyên môn liên quan đến heo nhưng chưa chắc và không cần thiết phải biết nhiều về thú y hoặc chăn nuôi cho gia cầm như gà, vịt hay trâu, bò và ngược lại.

Thậm chí, chuyên gia về giống gia cầm cũng sẽ có người giỏi về gà hướng thịt người giỏi về gà hướng trứng. Từ đó có thể thấy, xu hướng đào tạo cán bộ, công nhân ở nước ngoài thường theo diện rất hẹp và sâu.

Tôi nghĩ đào tạo chuyên môn sâu khá quan trọng, như tại Thái Lan, sinh viên ngành thú y, chăn nuôi có thể học chung kiến thức cơ sở trong 1-2 năm đầu, nhưng từ năm thứ 3 trở đi, sinh viên cần phải đi theo chuyên ngành, chuyên sâu cũng như theo các thầy, cô tiếp cận chuyên môn sớm để không bỡ ngỡ sau khi tốt nghiệp, ra trường.

Còn tại Việt Nam hiện nay, đa phần các cơ sở đều đào tạo theo hướng tổng hợp rất rộng, cái gì cũng học nhưng để hiểu chuyên sâu tận gốc rễ là rất hiếm, trừ nhưng em tự tìm thầy để học hỏi.

Đối với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, việc đào tạo sẽ phụ thuộc tùy vào bộ phận và lĩnh vực đảm nhiệm. Như nhân viên chuyên về kỹ thuật chăn nuôi heo, thường chúng tôi phải đào tạo lại ít nhất 8 tháng là nhanh nhất.

Nhưng về cơ bản phải mất 1,5 năm mới có thể làm việc độc lập được, bởi sau trường lớp lý thuyết sẽ phải trải qua thực hành, học việc tại các trung tâm đào tạo của công ty, thực tập tại các trang trại cùng sự kèm cặp, hướng dẫn của các cấp quản lý. Tuy nhiên, các bộ phận khác như sale nhân viên thị trường công ty chỉ cần đào tạo tại trung tâm đào tạo và các trang trại khoảng 5-6 tháng để các em thực hành và làm quen việc.

Quả thực, nếu các nhà trường và doanh nghiệp hợp tác được tốt, chặt chẽ và hiệu quả trong công tác liên kết đào tạo này, ngay từ những năm cuối các em đã có thể thực hành chuyên sâu những gì mình được học để khi ra trường có thể bắt tay vào làm ngay sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho các em, công sức và tiền của để đào tạo thêm như hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Báo NNVN, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng, đối với các lĩnh vực như chăn nuôi, thú y, nếu các em trang bị cho mình chuyên môn và kinh nghiệm tốt sẽ có tính ổn định cao do nhân sự trong ngành đang rất thiếu. Ảnh: Linh Linh.

Trao đổi với phóng viên Báo NNVN, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng, đối với các lĩnh vực như chăn nuôi, thú y, nếu các em trang bị cho mình chuyên môn và kinh nghiệm tốt sẽ có tính ổn định cao do nhân sự trong ngành đang rất thiếu. Ảnh: Linh Linh.

Doanh nghiệp tuyển dụng rất khó

Như vậy có thể thấy, công sức doanh nghiệp nông nghiệp bỏ ra để đào tạo lại nhân sự đáp ứng công việc khá gian truân. Đào tạo nhân lực đã rất khó khăn rồi, để nhân sự gắn bó với doanh nghiệp còn vất vả hơn, ông nhận định thế nào về tình yêu và đam mê ngành nông nghiệp của giới trẻ hiện nay?

Trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp chúng tôi tuyển dụng rất khó. Nhưng khi tuyển dụng được rồi, qua thời đào tạo và tiếp cận thực hành đa phần các em đã có kinh nghiệm với nghề, hiểu thêm về nghề và rất yêu nghề.

Phần lớn các em đã gắn bó với C.P. Việt Nam hoặc có một số em đã tự muốn bươn chải ra ngoài làm riêng theo nghề. Tôi cũng nhận thấy sau khi tốt nghiệp các trường nông nghiệp có nhiều em không làm lĩnh vực nông nghiệp mà chuyển sang ngành nghề khác.

Theo tôi, các cơ sở giáo dục cần thay đổi phương thức đào tạo, làm sao để sinh viên có thể tiếp cận với doanh nghiệp và tiếp cận với nghề của họ sớm hơn, từ đó từng bước, từng ngày quan tâm công việc hơn, hiểu về công việc hơn và dần dần khơi gợi tình yêu công việc trong họ để khi ra trường các em sẽ chọn công việc mình được đào tạo thay vì sang làm ngành nghề khác.

Cũng như thực trạng các ngành nghề khác, hiện nay dù học ngành chăn nuôi, thú y thì có vẻ các bạn trẻ ra trường có xu hướng thích làm sale (bán cám, thực phẩm bổ sung cho chăn nuôi hay thuốc và vacxin trong thú y) để kiếm nhiều tiền ngay thay vì lựa chọn các công việc kỹ thuật, chuyên sâu, gắn bó với chuồng trại, ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

Điều này có thể đúng đối với những năm trước, nhưng xu hướng hiện nay, các em lại thích làm kỹ thuật tại các trang trại.

Sự thay đổi này có thể đến từ hai nguyên nhân, thứ nhất, sinh viên được đào tạo kỹ thuật muốn thực hành và làm việc tại các trang trại để có cơ hội trang bị kiến thức chyên môn cho mình. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm chuyên môn tốt các em có thể làm tốt cả sales nếu thích.

Nguyên do thứ hai, hiện nay hầu hết các gia đình thường ít con, điều kiện kinh tế cũng đã tốt hơn nên các bậc cha mẹ thường mong muốn các con làm việc trong môi trường có áp lực vừa phải, di chuyển ít mà đây lại là hai yếu tố chắc chắn không tồn tại ở ngành sales.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, với ngành nông nghiệp nói chung và đặc biệt lĩnh vực chăn nuôi, thú y, cần phải đào tạo theo hướng chuyên sâu. Ảnh: NH.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, với ngành nông nghiệp nói chung và đặc biệt lĩnh vực chăn nuôi, thú y, cần phải đào tạo theo hướng chuyên sâu. Ảnh: NH.

Trong bối cảnh ứng dụng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo AI, ông đánh giá thế nào về cạnh tranh thu nhập cũng như đời sống của nhân sự trong ngành nông nghiệp so với các ngành nghề khác?

Theo tôi thấy, như những năm trước, thu nhập trong ngành nông nghiệp nói chung hay ngành chăn nuôi thậm chí còn tốt hơn ngành khác.

Đối với các lĩnh vực như chăn nuôi, thú y, nếu các em trang bị cho mình chuyên môn và kinh nghiệm tốt sẽ có tính ổn định cao do nhân sự trong ngành đang rất thiếu. Đặc biệt, ngành này chức vụ và mức lương cũng sẽ tăng dần từng năm theo trình độ, kinh nghiệm của của các em.

Ở Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, có những vị trí liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi, thú y, bác sĩ, kỹ sư chăn nuôi, kỹ sư nuôi trồng thủy sản nếu gắn bó lâu dài, trình độ chuyên môn tốt, kinh nghiệm cao, mức lương có thể lên tới vài chục triệu đồng/tháng hoặc hơn thế nữa.

Xin cảm ơn ông!

"Ưu điểm lớn nhất của ngành nông nghiệp so với ngành nghề khác là lao động càng thâm niên, càng làm lâu lại càng được doanh nghiệp trọng dụng và trả lương cao vì nhu cầu trong chuyên môn, kinh nghiệm, quản lý. Đây là những câu chuyện cần được nhà trường chia sẻ rộng rãi để các em hiểu, từ đó yêu và đam mê với nghề nghiệp mình lựa chọn", ông Vũ Anh Tuấn.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.