Tuyển sinh kèm tuyển dụng
Thời điểm trước năm 2013, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) cũng giống như phần lớn cơ sở đào tạo nguồn nhân lực khác, ngập ngụa trong muôn vàn khó khăn. Cơ sở vật chất, hạ tầng thiếu thốn, tuyển sinh khó khăn, nguồn thu thấp, số doanh nghiệp, đối tác liên kết chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần nhiều trong số đó lại là quy mô nhỏ, hộ gia đình…
Vậy mà bây giờ, HCEM là cơ sở đào tạo hàng đầu, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tính đến năm 2023, Trường đã xây dựng cơ chế hợp tác với gần 160 doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước, là đối tác liên kết của những tập đoàn tầm cỡ quốc tế như: Tập đoàn Hanwha, Tập đoàn Out – Sourcing, Công ty DENSO Việt Nam, Công ty Trường Hải Auto, Công ty TOYOTA Việt Nam, AT Group, Công ty Festo, Hiệp hội Tiêu chuẩn nhà thông minh KNX... Mỗi năm, Trường tuyển sinh khoảng 1.200 sinh viên hệ cao đẳng, 400 hệ trung cấp; đào tạo, liên kết đào tạo hơn 5.000 lao động.
Hôm chúng tôi đến đúng dịp Trường chuẩn bị khai giảng. TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ, năm nay HCEM có bước đột phá mới, đó là “tuyển sinh kèm tuyển dụng”. Nghĩa là sinh viên ngay từ khi đăng ký nhập học thì việc đầu tiên là được “phân luồng” nhu cầu công việc trong nước hay nước ngoài, từ đó nhà trường và doanh nghiệp sẽ định hướng đào tạo sao cho phù hợp. Điều quan trọng nhất là giúp các em có niềm tin về tương lai, công việc và thu nhập ngay từ khi bước chân đến cổng trường.
“Thành tựu đào tạo của HCEM là cả hành trình khá dài, nhưng bài học lớn nhất chúng tôi rút ra được chính là thay đổi tư duy từ đào tạo theo những cái mình có sang đào tạo những gì doanh nghiệp, xã hội cần, theo từng cấp bậc, chiến lược rõ ràng”, TS Ngọc nói.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia thực trạng đào tạo nguồn nhân lực của các trường hiện nay thành ba cấp độ. Cấp độ thứ nhất chủ yếu đào tạo theo lối cũ kỹ, nghĩa là khả năng của trường có cái gì thì đào tạo theo cái đó. Thứ hai là liên kết với doanh nghiệp để cùng nhau đào tạo. Thứ ba là nhà trường tự tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, của xã hội.
Theo TS Ngọc, vấn đề đáng báo động là phần lớn cơ sở đào tạo hiện nay vẫn đang còn ở cấp độ một, thành thử, chuyện các trường kêu khó, không tuyển được sinh viên là lẽ đương nhiên. Tư duy cũ kỹ, duy ý chí, chỉ đào tạo những gì mình có sẽ dẫn đến việc sinh viên tốt nghiệp xong tỉ lệ có việc làm thấp, thậm chí khi xin vào các các cơ sở tuyển dụng lại phải mang đi đào tạo lại. Chính vì thế, thay đổi tư duy là yếu tố đầu tiên để “làm một cuộc cách mạng” nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay.
“Cuộc cách mạng” ấy ở HCEM bắt nguồn từ năm 2013 bằng mục tiêu chuyển từ “cấp độ một” lên “cấp độ hai”. Liên kết rộng rãi với các doanh nghiệp chính là chìa khóa giúp nhà trường định hướng lại chương trình đào tạo thông qua việc cập nhật các tiêu chuẩn từ các doanh nghiệp, đồng thời có cơ sở định hướng đầu tư các thiết bị, máy móc, nhà xưởng phù hợp với các công nghệ và yêu cầu sản xuất từ doanh nghiệp. Đặc biệt là các thiết bị, máy móc liên quan đến công nghiệp 4.0. Nhờ đó, hiệu quả đào tạo được nâng cao rõ rệt. Các lớp đào tạo chất lượng cao đáp ứng tốt các yêu cầu từ các doanh nghiệp, bao gồm cả trình độ kỹ năng nghề bậc cao, trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học theo chuẩn, đạo đức, kỷ luật nghề nghiệp…
Giáo viên phải xứng tầm với yêu cầu đào tạo
Sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của HCEM cũng không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các tiêu chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn công nghệ, mà còn ở việc trực tiếp hợp tác với nhà trường trong các hoạt động đào tạo sinh viên xuất sắc tham gia các kỳ thi kỹ năng nghề các cấp.
Trong nhiều năm, HCEM đã là một thương hiệu trong việc đào tạo và huấn luyện sinh viên tham gia các kỳ thi tay nghề quốc gia và quốc tế, đạt nhiều thành tích nổi bật. Từ năm 2017 đến năm 2022, nhiều sinh viên của HCEM tham dự các kỳ thi đã đoạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc thế giới.
Song song với đổi mới phương thức đào tạo, bản thân nhà trường cũng phải tự chuyển đổi bằng việc đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên xứng tầm với tiêu chuẩn khu vực và thế giới, gắn kết trình độ của giáo viên với việc cập nhật tiêu chuẩn nghề nghiệp mới nhất. Thời đại 4.0, công nghệ thay đổi từng phút từng giờ, nếu vẫn cứ tư duy theo lối “tôi có bao nhiêu năm kinh nghiệm”, bảo thủ, không chịu thay đổi thì lập tức phải tìm giải pháp "mời thầy đứng sang một bên".
Cũng chính thay đổi tư duy đã giúp HCEM trở thành trường có tiếng đào tạo theo đơn đặt hàng. Một loạt đối tác là những tập đoàn lớn chính là minh chứng. Chẳng hạn Tập đoàn Hanwha - doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực động cơ hàng không ở Hàn Quốc và là một trong 10 công ty có công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới. Hay như chương trình hợp tác giữa HCEM và AT Group Nhật Bản nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô hybrid và ô tô điện tại Việt Nam. Khoá đào tạo vừa rồi đã lựa chọn ra 28 học viên đầu tiên đáp ứng đủ tiêu chuẩn, vượt qua những bài sát hạch khắt khe nhất từ các chuyên gia Nhật Bản.
HCEM cũng đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp FDI như Công ty TOYOTA Việt Nam hay các tập đoàn kinh tế hàng đầu trong nước như VinGroup, THACO Trường Hải… Với cam kết phía doanh nghiệp chỉ cần ra “đầu bài” về nhân lực, HCEM sẽ đào tạo, đến thời hạn sẽ tổ chức sát hạch trình độ chuyên môn và về thẳng nhà máy làm việc, không phải đào tạo thêm bất cứ cái gì, kể cả văn hóa của từng doanh nghiệp. “Đấy chính là triết lý chúng tôi tìm thấy trong thời gian qua, đem lại hiệu quả cho nhà trường, hiệu quả cho cả sinh viên và doanh nghiệp”, Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc chia sẻ.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, đào tạo nguồn nhân lực hiện nay không chỉ riêng nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước. Hệ sinh thái giáo dục nghề nghiệp với các thành phần, nguồn lực của nó được gắn kết chặt chẽ, đồng bộ sẽ tạo sức bật mới cho công cuộc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Chu trình khép kín này có thể gọi là “chuỗi cung ứng nguồn nhân lực quốc gia” nếu mỗi thành phần trong chu trình phát huy tác dụng và tạo ra sản phẩm là thế hệ lao động trẻ chuyên nghiệp, có trình độ cao, có kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp. Không gì khác, một thế hệ trẻ với các phẩm chất và trình độ đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ mới sẽ làm tương lai vững chắc của đất nước.
Nông nghiệp là phạm trù rất rộng, để phát triển nông nghiệp thì tất cả các lĩnh vực khác cũng phải đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp. Không chỉ chế biến, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, thú y… mà còn là khoa học công nghệ, chế biến, máy móc, logicstic, tự động hóa… Với hệ thống 7 cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, HCEM có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Chúng ta đang đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn sinh thái, nông nghiệp thông minh… Muốn thực hiện được mục tiêu này thì nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Công tác đào tạo của trường chúng tôi luôn xác định làm thế nào để các bạn trẻ đam mê, tham gia ngày càng nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp. Liên kết với doanh nghiệp, phân tích nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của xã hội và đào tạo theo đơn đặt hàng chính là để giải quyết bài toán đó”, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nhấn mạnh.