| Hotline: 0983.970.780

'Bắt bệnh bốc thuốc' đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp

Nơi toàn rừng núi nhưng không ai học ngành lâm nghiệp

Thứ Hai 14/08/2023 , 08:40 (GMT+7)

SƠN LA Có nhiều năm, ngành Lâm sinh và Quản lý tài nguyên rừng (Đại học Tây Bắc) không tuyển được sinh viên nào.

Nhiều ngành khối nông lâm không tuyển được sinh viên nào 

Trường Đại học Tây Bắc được thành lập từ năm 2001 trên cơ sở là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Đây là trường đại học công lập đặt tại phường Quyết Tâm, TP Sơn La, tỉnh Sơn La. Trường đại học Tây Bắc có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Đã chuẩn bị vào năm học mới nhưng giảng đường đào tạo các ngành học của Khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Bắc vắng bóng sinh viên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đã chuẩn bị vào năm học mới nhưng giảng đường đào tạo các ngành học của Khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Bắc vắng bóng sinh viên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bài liên quan

Là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Tây Bắc, với bề dày truyền thống lịch sử 63 năm xây dựng và trưởng thành, giai đoạn "hoàng kim", Đại học Tây Bắc không chỉ thu hút đông đảo sinh viên của các tỉnh vùng Tây Bắc mà còn có sinh sinh viên đến từ nhiều thành khác ở phía Bắc nói chung. Thế nhưng càng về những năm gần đây, việc tuyển sinh của Đại học Tây Bắc ngày càng chật vật.

Ngoài các ngành đào tạo sư phạm tiểu học, mầm non còn duy trì được số lượng sinh viên tương đối ổn định, nhiều ngành khác có rất ít người theo học. Thậm chí có ngành học có năm không mở được lớp do không tuyển sinh được sinh viên, trong đó có các ngành thuộc Khoa Nông lâm.

Bài liên quan

Khoa Nông lâm của Đại học Tây Bắc tuyển sinh từ năm 2003, lúc đó có tên là Ban Kinh tế - Nông lâm, với 2 ngành đào tạo trình độ đại học là Lâm sinh và Nông học. Đến năm 2005 thì mở thêm chuyên ngành Bảo vệ thực vật, năm 2006 thành lập Khoa Nông lâm - Kinh tế, sang năm 2007 thì đổi tên là Khoa Nông lâm và hoạt động cho tới hiện nay.

Từ năm 2009, Khoa Nông lâm có thêm ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, năm 2010 có thêm ngành đào tạo đại học là Chăn nuôi, năm 2018 có thêm ngành Quản lý Tài nguyên rừng. Như vậy Khoa Nông lâm của Đại học Tây Bắc hiện có 6 ngành đào tạo trình độ đại học trực thuộc là: Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng, Nông học, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Quản lý tài nguyên và Môi trường.

Bài liên quan

Trong suốt lịch sử 20 năm đào tạo của mình, Khoa Nông lâm của Đại học Tây Bắc đã đào tạo 3.050 sinh viên. Năm học thu hút được đông người học nhất là khóa K52 vào năm 2011 với 321 sinh viên; tiếp theo là khóa K54 năm 2013 với 317 sinh viên; khóa K56 năm 2015 là 260 sinh viên...

Ngành thu hút sinh viên đông nhất của Khoa Nông lâm lại không phải chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, mà đó là ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường. Từ lúc thành lập năm 2009 đến năm 2017, ngành này có ít nhất là 38 sinh viên/năm học, và có năm đông nhất lên tới 150 sinh viên. Các ngành chuyên về nông nghiệp và lâm nghiệp tuy không có nhiều sinh viên như vậy, nhưng trung bình cũng đạt trên dưới 30 sinh viên/chuyên ngành/khóa. Tuy nhiên, những con số kể trên là từ năm 2016 trở về trước, còn từ năm học 2017 - 2018 đến nay, tất cả 6 ngành học của Khoa Nông lâm ngày càng sụt giảm sinh viên theo học ở mức báo động. 

Năm học 2019 - 2020, cả Khoa Nông lâm chỉ tuyển sinh được 32 sinh viên, năm học 2020 - 2021 là 36 sinh viên. Trong 2 năm học này, có tới 2 ngành đào tạo đại học Quản lý tài nguyên rừng và ngành Bảo vệ thực vật không tuyển được sinh viên nào, còn ngành Lâm sinh chỉ tuyển được 2 em.

Trong 5 năm qua, năm học đông nhất của bộ môn Lâm nghiệp của Đại học Tây Bắc cũng chỉ tuyển được 20 sinh viên cho cả 2 ngành Lâm sinh và Quản lý tài nguyên rừng. Đáng chú ý, có 2 năm học liên tiếp là năm 2019 và năm 2020, ngành Quản lý tài nguyên rừng không tuyển được sinh viên nào, còn ngành Lâm sinh trong 2 năm này chỉ lần lượt có 3 và 2 sinh viên.

Doanh nghiệp trả lương từ khi đi thực tập, vẫn không đủ sức hút

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng bộ môn Lâm nghiệp (Đại học Tây Bắc) chia sẻ, mặc dù bộ môn đã có các hoạt động tuyển sinh riêng, cũng như tham gia vào các chương trình tuyển sinh của Khoa Nông lâm và của trường, nhưng cũng không thu hút được người học. Lớp học ít người thì vẫn phải dạy học đầy đủ như lớp đông người, đúng theo quy định. Thực sự lớp ít người thì buồn, nhưng bù lại cô và trò có điều kiện để hiểu nhau hơn, chia sẻ kiến thức được nhiều hơn.

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng bộ môn Lâm nghiệp (Đại học Tây Bắc). Ảnh: Toán Nguyễn.

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng bộ môn Lâm nghiệp (Đại học Tây Bắc). Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo cô Ngọc, một số ngành học của Khoa Nông lâm hiện nay như chăn nuôi, bảo vệ thực vật và trồng trọt rất có tương lai ở Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. Hiện tại, nhu cầu thị trường cần nhân sự được đào tạo bài bản là rất lớn, đáng buồn là số sinh viên theo học tại Đại học Tây Bắc lại không nhiều.

Hiện nay, ở khu vực các tỉnh Tây Bắc đang ngày càng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi, kinh doanh con giống, cây giống, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật đang rất khan hiếm nhân lực. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp hàng năm đều đăng ký "đặt hàng" với trường, với khoa để tuyển dụng sinh viên, trả lương từ lúc đi thực tập, nhưng nhà trường cũng không thể đáp ứng được hết, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi...

Khoa Nông lâm và cả Đại học Tây Bắc nói chung đã có rất nhiều hình thức tuyển sinh, như về tận các trường THPT ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên để tư vấn tuyển sinh; tuyển sinh thông qua các website của nhà trường, của khoa; tuyển sinh thông qua mạng xã hội facebook, zalo… Tuy nhiên trong những năm qua, học sinh tốt nghiệp THPT vẫn không mặn mà với các ngành học nông nghiệp, lâm nghiệp.

Thầy giáo, TS Vũ Quang Giảng - Trưởng khoa Nông lâm (Đại học Tây Bắc) đưa ra một số lý do khó tuyển sinh như sau: Từ trước năm 2013, hầu hết các sinh viên ra trường vào các cơ quan nhà nước như khuyến nông - khuyến lâm, bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, làm công chức từ cấp tỉnh cho tới cấp xã… Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây khó xin vào làm việc nhà nước, phải chuyển qua môi trường doanh nghiệp và có thời điểm nhu cầu rất hạn chế.

TS Vũ Quang Giảng - Trưởng khoa Nông lâm cho rằng, cần tập trung mạnh hơn nữa cho công tác hướng nghiệp, tư vấn cho học sinh về ngành nông lâm ngay từ khi còn ở trường THPT. Ảnh: Toán Nguyễn.

TS Vũ Quang Giảng - Trưởng khoa Nông lâm cho rằng, cần tập trung mạnh hơn nữa cho công tác hướng nghiệp, tư vấn cho học sinh về ngành nông lâm ngay từ khi còn ở trường THPT. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ngoài ra còn một số lý do khác được chỉ ra như: Phần lớn người dân là nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó với nương rẫy nên tâm lý thí sinh, phụ huynh muốn thoát ly nông thôn và khỏi ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó thu nhập của ngành nông - lâm nghiệp cơ bản là thấp hơn so với ngành khác, mà lại làm việc vất vả hơn. Việc sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao, tình trạng được mùa, mất giá diễn ra thường xuyên đã ảnh hưởng tới tâm lý thí sinh và phụ huynh...

Trong khi đó, cơ bản đời sống người dân ở các tỉnh Tây Bắc còn nhiều khó khăn, ngoài chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung thì theo học ngành nông lâm không được ưu tiên gì. Điều này cũng là nguyên nhân khiến mỗi năm sinh viên bỏ học từ 10 - 15%, phần lớn lý do là hoàn cảnh gia đình các em quá khó khăn nên không thể theo học được.

Tây Bắc chiếm đại đa số là đồng bào vùng cao xa xôi nghèo khó, kinh tế cơ bản xoay quanh sản xuất nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đưa khoa kỹ thuật vào để nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng kinh tế nông nghiệp và kéo theo đó là sản xuất công nghiệp chế biến…, như vậy đời sống người dân Tây Bắc mới phát triển và qua đó mới tạo nên được sức hấp dẫn cho các chuyên ngành đào tạo đại học về nông lâm.

Ở chiều ngược lại, theo TS Vũ Quang Giảng, để làm được điều đó, cần phải có những kỹ sư, cử nhân đã qua đào tạo bài bản, là nòng cốt trong nền kinh tế của các tỉnh Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

TS Vũ Quang Giảng đưa ra một số kiến giải để thu hút được người vào học lĩnh vực nông - lâm nghiệp: Điều đầu tiên là có chính sách hỗ trợ một phần học phí, chi phí học tập cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện theo học và trở lại xây dựng quê hương, có như vậy mới chấm dứt được tình trạng sinh viên "đứt gánh giữa đường" khi đi học. Bên cạnh đó, tăng cường thêm kinh phí cho khâu tuyên truyền tuyển sinh, tư vấn ngành nghề cho học sinh ngay từ khi còn ở các trường THPT để học sinh thấy được tương lai của mình học như thế nào, ra trường làm việc gì, làm ở đâu...

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.