| Hotline: 0983.970.780

Nhân rộng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Thứ Hai 23/05/2022 , 10:39 (GMT+7)

Nhân rộng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là giải pháp quan trọng để hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên cả nước.

Một trang trại nuôi gà công nghiệp quy mô lớn ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Một trang trại nuôi gà công nghiệp quy mô lớn ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, để tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi và đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, TP.HCM cũng như các địa phương khác, cần tiếp tục giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, trước hết phải có quy hoạch ổn định cho chăn nuôi để doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư, hình thành những cơ sở chăn nuôi lớn, áp dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, phải có sự liên kết vùng, tiên lượng được vấn đề thị trường để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi.

TS Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng văn phòng thường trực tại Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), cho rằng, để đẩy mạnh xây dựng, duy trì vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, cần phải khuyến khích các hộ chăn nuôi tham gia vào các hợp tác xã. Việc hình thành các hợp tác xã chăn nuôi sẽ thuận lợi hơn cho công tác quản lý và xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.

Trong giai đoạn 2022-2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và chuẩn bị triển khai 11 dự án liên quan đến xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Những dự án này được thực hiện ở nhiều địa phương. Vì vậy, theo TS Nguyễn Văn Bắc, các địa phương đang hướng tới việc hình thành các vùng an toàn dịch bệnh cần giành một phần kinh phí để tham gia thực hiện những dự án này, qua đó, giúp cho việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh được nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Cũng liên quan đến việc nhân rộng kết quả các dự án khuyến nông về xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, theo TS Nguyễn Văn Bắc, từ kết quả các dự án thu được, cần chú trọng đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn dinh dưỡng, chuồng trại, hạch toán ghi chép theo dõi sổ sách, đặc biệt là kỹ thuật phòng, trị bệnh.

Đồng thời triển khai một cách đồng bộ và thay đổi nhận thức, tập quán của người chăn nuôi, giúp người tham gia mô hình tiếp tục duy trì và mở rộng chăn nuôi, người ngoài mô hình được thăm quan, học tập các mô hình có hiệu quả để nhân rộng mô hình trong thực tiễn sản xuất.

Bên cạnh đó là tiếp tục đào tạo huấn luyện và truyền thông về công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Cụ thể, đẩy mạnh các hoạt động thông tin khuyến nông, phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Bộ NN-PTNT, doanh nghiệp, tổ chức các chuỗi sự kiện truyền thông để tăng cường hiệu quả truyền thông.

Sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước còn hạn chế, vì vậy cần huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội để thông tin tuyên truyền, đó là giải pháp quan trọng để nhiều người, nhiều đối tượng biết đến, tham khảo nắm bắt kỹ thuật. Cầu nối cho các hoạt động này chính là các cán bộ khuyến nông cơ sở, các cán bộ chỉ đạo và theo dõi các hoạt động khuyến nông địa phương.

Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật cũng rất quan trọng. Chẳng hạn, phối hợp với FAO đào tạo giảng viên nguồn về an toàn sinh học trong chăn nuôi cho các địa phương, xây dựng tài liệu ấn phẩm tuyên truyền cho người chăn nuôi …

Để duy trì và nhân rộng hoạt động khuyến nông nói chung, công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi nói riêng, cần có sự vào cuộc của địa phương và đơn vị phối hợp thực hiện.

Đối với địa phương, sự quan tâm cần thiết phải từ Sở NN-PTNT, các Chi cục Chăn nuôi Thú y, có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, đồng thời chỉ đạo các ban ngành chuyên môn như phòng Nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, chính quyền xã nơi triển khai thực hiện và giám sát tốt.

Đơn vị phối hợp có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, không chỉ hướng dẫn kỹ thuật dự án cho hộ tham gia mô hình mà tiếp tục là cầu nối cho nông dân về chuyên môn, cơ chế chính sách sau khi dự án kết thúc, bám sát các hộ/trang trại chăn nuôi, tư vấn thường xuyên, giúp người chăn nuôi duy trì và nhân rộng kết quả của các hoạt động khuyến nông, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.