| Hotline: 0983.970.780

Nhân rộng nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp

Thứ Sáu 31/05/2013 , 10:57 (GMT+7)

Để giúp bà con 6 quận, huyện của TP Cần Thơ tiếp cận được tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lóc thâm canh trong vèo bằng thức ăn công nghiệp.

Để giúp bà con 6 quận, huyện của TP Cần Thơ tiếp cận được tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lóc thâm canh trong vèo bằng thức ăn công nghiệp. Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ và Trung tâm Giống thủy sản Ô Môn đã phối hợp với Cty Ewos Việt Nam thực hiện thí điểm 7 điểm trình diễn nuôi cá lóc trong vèo bằng thức ăn công nghiệp.

Ông Phạm Đình Yên, PGĐ Trung tâm Giống kỹ thuật thủy sản Ô Môn, Giám đốc Dự án mô hình nuôi cá lóc thâm canh trong vèo bằng thức ăn công nghiệp Ewos nói: Con giống là khâu đột phá, nhưng khâu quan trọng trong quá trình nuôi cá lóc là thức ăn chiếm 70 - 80% giá thành SX. Như vậy, nông dân muốn nuôi cá lóc đạt lợi nhuận cao thì phải quản lý tốt thức ăn.


Mô hình nuôi cá lóc trong trong vèo bằng thức ăn công nghiệp của Ewos tại Cần Thơ

Thời gian qua, người nuôi đa phần cho cá lóc con ăn phụ phẩm tự chế biến, sau đó mới thay thế dần nên hiệu quả chưa cao. Còn bây giờ nói đến chuyện nuôi cá lóc bằng thức ăn tự chế thì người dân sẽ không nuôi vì tốn công, chi phí cao, không đảm bảo vệ sinh, gây nhiễm môi trường…

Chính khâu đột phá của các Cty chế biến thức ăn là đã mạnh dạng đầu tư dây chuyền SX hiện đại, từ thức ăn viên chìm, nhà sản xuất đã cải tiến chế biến ra thức ăn viên nổi, viên lớn xuống viên nhỏ…ứng dụng rất tốt vào NTTS. Trong dự án này Trung tâm Giống Ô Môn và Chi cục Thủy sản đưa kỹ thuật mới giới thiệu đến người nuôi để đa dạng hóa đối tượng nuôi.

Ông Yên khẳng định: Giống, thức ăn là quan trọng trong quá trình nuôi nhưng người nuôi hơn nhau là kinh nghiệm và sự đam mê cao thì thu về lợi nhuận lớn. Và tùy theo khả năng của người nuôi và điều kiện của từng địa phương sẽ có giải pháp nhân rộng mô hình này phát triển theo hướng bền vững.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cho biết: Tổng diện tích nuôi cá lóc của TP Cần Thơ khoảng 150 ha. Trong thời gian qua bà con nuôi cá lóc bằng thức ăn tươi đã gây ô nhiễm môi trường và sự tận diệt nguồn cá con để làm thức ăn cho cá lóc. Để khắc phục 2 vấn đề trên, Chi cục và Trung tâm giống phối hợp với Ewos Việt Nam thực hiện dự án nuôi cá lóc trong vèo bằng thức ăn công nghiệp là giúp bà con tiếp cận TBKT mới. Chi cục mong muốn ở dự án này là làm giảm ô nhiễm môi trường và để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cá con.

Ông Hải khuyến cáo: Đối với con cá lóc, thị trường là quan trọng vì vậy bà con cần phải tìm hiểu kỹ để tránh gặp “cảnh trúng mùa mất giá”. Cái chính của dự án là đưa TBKT nuôi cá lóc cho ăn thức ăn viên để giảm giá thành SX thu lãi cao. Tuy nhiên, phát triển phải hết sức cẩn thận và phải tính đến tính bền vững trong quá trình nuôi.

Ông Yên cho biết thêm, dự án thực hiện thí điểm tại 6 quận, huyện và tại trung tâm, tổng cộng 7 vèo, 24 m2/vèo, mật độ thả nuôi 100 con/m2, phía ngoài vèo thả cá sặc rằn hoặc cá rô phi để cá ăn chất thải thừa của con cá lóc sẽ làm sạch môi trường nuôi. Cá giống được Trung tâm Kiểm định chất lượng và thuần dưỡng khi cá ăn được thức ăn viên 2 ly mới chuyển giao cho nông dân nuôi.

Tiền con giống, lưới mùng làm vèo… người nuôi đầu tư, thức ăn Ewos Việt Nam hỗ trợ 50%, số còn lại thu hoạch cá thu hồi vốn. Chi cục và trung tâm phụ trách kỹ thuật, tập huấn, tham quan để nhân rộng mô hình nuôi cá lóc trong vèo bằng thức ăn công nghiệp. Thời gian nuôi trung bình 4 tháng cá đạt trọng lượng 400 - 500 gram/con, cá sử dụng thức ăn Ewos tỷ lệ gù lưng rất ít. Với tỷ lệ sống 80% thì tổng giá thành SX nằm ở mức khoảng 28.000 đ/kg. Trung bình 1,1 - 1,2 kg thức ăn người nuôi sẽ thu được 1 kg cá lóc thương phẩm. Người nuôi thạo kỹ thuật, quản lý tốt khâu thức ăn thì sau 4 tháng nuôi trừ chi phí 1 vèo 24 m2 sẽ thu lãi khoảng 10 triệu đồng.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.