| Hotline: 0983.970.780

Nhân trần chữa bệnh gan

Thứ Bảy 10/08/2019 , 07:01 (GMT+7)

Ở nước ta, nhân trần cây mọc hoang ở đồi núi, bờ ruộng, bãi trống ở nhiều nơi, tập trung nhiều nhất các tỉnh phía bắc.

Cây có thể gieo trồng bằng hạt vào mùa xuân. Thu hái toàn cây vào mùa hè, thu khi cây đang ra hoa, rửa sạch, phơi trong râm đến khô.

Theo Đông y, nhân trần có vị hơi cay, đắng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt.

Nhân trần có thân thảo, cao 0,3-1m, thân tròn màu tím, trên có lông trắng mịn, ít phân nhánh. Lá mọc đối, hình trái xoan nhọn, khía tai bèo hay răng cưa. Toàn cây và lá có mùi thơm. Hoa mọc đơn độc ở nách lá hay thành chùm bông đầu cành dài tới 40-50cm. Tràng màu tía hay lam, chia 2 môi, nhị 4, bầu có vòi nhụy hơi dãn ra ở đỉnh. Quả nang dài hình trứng, có mỏ ngắn nở thành 4 van. Hạt nhiều, bé, hình trứng. Mùa hoa quả tháng 4-9. Sử dụng toàn cây làm thuốc.

Theo Đông y, nhân trần có vị hơi cay, đắng, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng thanh nhiệt, trừ phong thấp, tiêu thũng độc, hành khí tán ứ, giảm đau, tiêu viêm, chống ngứa.

Kinh nghiệm Đông y Việt Nam thường dùng chữa viêm gan vàng da (hoàng đản) cấp tính; tiểu tiện vàng đục và ít; phụ nữ sau sinh đẻ ăn chậm tiêu. Ngày dùng 20-30g, dạng thuốc sắc, cao hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác. Nhân trần còn dùng làm thuốc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Nước sắc cây này có tác dụng tiêu, kích thích ăn uống và bổ máu, chính vì vậy trong dân gian có câu “Nhân trần ích mẫu đi đâu/ Để cho gái đẻ đớn đau thế này”.

Nhân trần cũng dùng kết hợp với quả dành dành chữa bệnh viêm gan vàng da, một bệnh thường phát triển ở trẻ em.

Ở Trung Quốc, người ta dùng cây này để chữa giai đoạn đầu của bệnh bại liệt trẻ em, thấp khớp đau nhức xương; khí trệ đau bụng; rắn cắn, đòn ngã tổn thương, viêm mủ da; eczema, mề đay. Liều dùng uống trong 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, lấy cây tươi giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa.
 

Dưới đây là các bài thuốc có dùng nhân trần:

Chữa hoàng đản (sốt, vàng da, mắt vàng, tiểu vàng, miệng khô): Nhân trần 30g, dành dành (chi tử) 12g, đại hoàng 4g, sắc 500ml lấy 250 ml thuốc, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa say nắng, nhức đầu, sốt nóng: Nhân trần và hành trắng, mỗi thứ 1 nắm, sắc uống.

Chữa mắt sưng đỏ đau: Nhân trần, mã đề mỗi thứ 1 nắm, sắc uống.

Chữa hen suyễn: Lá nhân trần xắt sợi nhỏ, trộn lá cà độc dược. quấn thành điếu thuốc hút.

Mát gan lợi mật, thanh nhiệt dùng nhân trần, bông mã đề, bán biên liên sấy hoặc phơi khô, tán vụn. Mỗi ngày dùng 50g hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày.

Với những người uống rượu, bia nhiều mỗi ngày uống một chai nước nhân trần sẽ giảm phần nào tác hại của rượu đến gan: Nhân trần, hạt muồng sao, cam thảo sống, rau má khô sắc lên uống hàng ngày.

Chữa viêm túi mật hiệu quả dùng nhân trần, bồ công anh, nghệ vàng sắc uống hàng ngày. Một số cách pha trà nhân trần Mạch nha 500g, nhân trần 500g, quất bì 250g; tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Dùng để trị viêm gan giai đoạn có di chứng như rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đầy bụng chậm tiêu… Râu ngô 300g, nhân trần 150g, bồ công anh 150g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày dùng 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Dùng để phòng chống viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật… Nhân trần 30g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín trong 15 phút, pha thêm một chút đường phèn, uống thay trà trong ngày.

Dùng để phòng các bệnh do thấp nhiệt gây ra và điều trị viêm gan cấp hoặc mạn tính. Nhân trần 300g, sinh đại hoàng 60g, trà 30g. Ba vị tán vụn, mỗi ngày lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín trong 10-15 phút, uống thay trà trong ngày.

Dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính có sốt: Bạch hoa xà thiệt thảo 500g, nhân trần 150g, sinh cam thảo 50g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày lấy 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày.

Lưu ý: Cần phân biệt nhân trần nam với nhân trần bắc (Artemisia capillaris Thunb. thuộc họ Cúc - Asteraceae). Tên nhân trần nam cũng được sử dụng cho 2 loài khác cũng thuộc họ Hoa mõm sói - Scrophulariaceae và có công năng tác dụng tương tự là:

Nhân trần hoa đầu, còn gọi chè nội, chè cát, đại đầu trần, tên khoa học Adenosma indianum (Lour.) Merr. (A. capitatum Benth. et Hance),

Nhân trần nhiều lá bắc, còn gọi nhân trần Tây Ninh, tên khoa học Adenosma bracteosum Bonati, thuộc họ hoa mõm sói - Scrophulariaceae.

(Kiến thức gia đình số 32)

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.