* Cả nước còn 400 ngàn tấn lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng
Thứ trưởng bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến thịt lợn thì không liên quan đến việc giá thịt lợn vừa rồi |
Trong tháng 4 tình hình thị trường một số lĩnh vực còn bất ổn, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là giá nông sản còn thấp, đặc biệt giá thịt lợn hơi rất thấp, kéo dài, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Trong khi đó giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao (siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng/kg).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo ngay sau phiên họp Chính phủ kết thúc vào cuối giờ chiều ngày 4/5. Đây cũng là vấn đề được nhiều phóng viên đặt ra tại cuộc họp báo.
Theo ông Dũng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ NN - PTNT và Công thương rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự.
“Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng trước đó, cần xem xét thị trường tiêu thụ nào cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đó, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý vấn đề tiêu thụ. Phải giải quyết căn cơ sao cho không để tình trạng người nông dân bị động chạy theo thị trường dẫn đến thua thiệt lớn như trong nuôi lợn hiện nay.
Thủ tướng yêu cầu các bộ chức năng phải đẩy mạnh đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm từ lợn, cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Ngành ngân hàng cần rà soát, có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ. Có biện pháp hỗ trợ các cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu.
“Nhìn rộng hơn, giá cả, thị trường nông sản nói chung là một khâu yếu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tập trung khắc phục. Về lâu dài, cần triển khai các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng cường chế biến sâu; điều chỉnh quy mô và cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị”, Thủ tướng lưu ý.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo, PV nêu câu hỏi, vì sao giá lợn xuống thấp như thế mà chúng ta vẫn có chủ trương cho nhập thịt lợn và các sản phẩm có thịt lợn? Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định chúng ta đã vào sân chơi chung thì vấn đề đó phải chấp nhận, đồng thời cho rằng, việc nhập thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn chẳng ảnh hưởng gì đến tình hình chung của sản xuất, tiêu thụ lợn thời gian qua.
Ông Hải minh chứng: Cả năm 2016 chúng ta nhập khẩu 39,4 ngàn tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn ở các nước (kim ngạch nhập khẩu chiếm 44 triệu USD). Ngoài ra năm 2016, mặt hàng thịt lợn chúng ta có nhập 20 triệu USD tạm nhập tái xuất. Song việc nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến thịt lợn thì không liên quan đến việc giá thịt lợn vừa rồi.
Vấn đề căn cốt theo ông Hải là chất lượng nông sản chúng ta phải được coi trọng, nâng cao lên, đặc biệt phải tập trung cho việc xuất khẩu chính ngạch.
“Hiện chúng ta có Hồng Kông, Malaysia là đã ký về xuất chính ngạch nhưng lại chỉ lợn có trọng lượng 20kg, lợn sữa mà thôi. Do đó, thời gian tới phải ký cho được hiệp định thú y để xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc”, ông Hải nêu giải pháp.
Trước những băn khoăn của dư luận xung quanh vấn đề này, tại cuộc họp báo, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN - PTNT cho biết, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp để giải cứu lợn. Hiện giá thịt lợn hơi đã tăng lên, tăng mức bình quân 5.000 đồng/kg lợn hơi. Còn giá thịt lợn tại các siêu thị cũng đã giảm 10-20%.
Cũng theo ông Tuấn cả nước vẫn còn khoảng 400 ngàn tấn lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. Chúng ta cố gắng tiêu thụ để đảm bảo cân đối cung cầu trong 2-3 tháng nữa.
Đề cập đến các giải pháp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết có 3 giải pháp, đặt trọng tâm giải quyết quan hệ cung cầu; rà soát tổng đàn, quy mô đàn cơ cấu hợp lý, kiểm soát lợn nái đồng thời nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức chuỗi sản xuất, đề xuất Chính phủ, không có chính sách hỗ trợ trực tiếp vào chuỗi, giải quyết vấn đề mở thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Ông Tuấn cũng cho hay, năm 2016 thị trường Trung Quốc chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch. 4 tháng đầu năm nay việc xuất khẩu lợn sang Trung Quốc chỉ bằng 10% so với năm ngoái nên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lợn.