Ông An Pich Hatda, Giám đốc điều hành của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong cho biết: “Nguồn kinh phí mới mà Nhật Bản tài trợ rất kịp thời để đối phó với những thách thức mà khu vực đang và sẽ phải đối mặt trong tương lai”.
Theo dự thảo kế hoạch chiến lược mới mà MRC đề ra, đến năm 2024 tổ chức này sẽ giúp các quốc gia thành viên giám sát và đánh giá tác động môi trường của sông Mekong để giúp cộng đồng thích ứng với những biến đổi hiện nay.
Trước đó, vào năm ngoái chính phủ Nhật Bản cũng đã tài trợ 3,9 triệu USD cho MRC để củng cố hệ thống dự báo lũ lụt và hạn hán của MRC.
“Nguồn vốn bổ sung năm nay sẽ cho phép MRC cung cấp các dịch vụ giám sát và dự báo thủy văn trên hệ thống sông Mekong chính xác và hiệu quả hơn cho các nước thành viên”, Đại sứ Nhật Bản tại Lào Keizo Takewaka cho biết.
Sông Mekong và các phụ lưu của nó là sinh kế cho khoảng gần 70 triệu người dân các quốc gia sống ở khu vực hạ lưu, bao gồm Lào, Campuchia và Việt Nam.
Trước đó hồi tuần trước, MRC cho biết mực nước ở hạ nguồn sông Mekong đã tăng nhẹ sau khi xuống thấp ở mức báo động do đập thủy điện Cảnh Hồng ở Trung Quốc tuyên bố xả, dẫn đến nguồn nước ở nhiều đoạn trên sông Mekong chuyển sang màu nâu.
Ủy hội sông Mekong cho biết, dòng chảy ra tại đập Cảnh Hồng đã tăng từ 786 mét khối/giây lên 1.020 mét khối/giây vào ngày 22 tháng 2.
Mekong là con sông dài nhất Đông Nam Á, dài thứ 7 ở châu Á và dài thứ 12 thế giới với chiều dài khoảng 4.350 km, bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải, phía đông nam Trung Quốc, sau đó chảy qua phía đông Khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Vân Nam rồi hình thành biên giới chia tách lãnh thổ giữa Myanmar và Lào, cũng như giữa Lào và Thái Lan. Ở đoạn cuối nó chảy qua Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông ở phía nam thành phố Hồ Chí Minh.
Sông Mekong được đánh giá có nguồn lợi thủy sản phong phú bao gồm nhiều loài cá và động vật nhuyễn thể, chiếm tới 80% lượng protein trong khẩu phần ăn của các hộ gia đình trong lưu vực, ước tính trị giá hơn 2 tỷ USD mỗi năm.
Nguồn cá tôm trên con sông này cũng chiếm gần 2% tổng sản lượng cá toàn cầu (cả cá nước ngọt và cá biển), đồng thời nó cũng là ngành đánh bắt nội địa lớn nhất thế giới.
Hệ thống sông Mekong còn là nơi có sự đa dạng văn hóa lớn, với hơn 95 dân tộc khác nhau sinh sống trong lưu vực. Trong đó ở vùng hạ lưu nổi bật với các tộc người Khmer, Lào, Thái và Việt Nam- vốn đã phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của sông Mekong trong hàng nghìn năm.