| Hotline: 0983.970.780

Nhật chính thức nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam

Thứ Ba 24/02/2009 , 05:45 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, Nhật Bản cam kết sẽ đưa ra khoản tài trợ mới cho Việt Nam trong năm tài chính 2009, với tổng trị giá 83,2 tỷ yên (tương đương 900 triệu USD), để phía Việt Nam thực hiện các dự án đường xe điện ngầm ở thành phố Hà Nội, các dự án xây dựng cầu, đường, tỉnh lộ, các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường ở Hà Nội và Hải Phòng.

Cầu Bãi Cháy - một công trình đẹp đơm hoa từ hợp tác Việt - Nhật.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, cho biết Nhật Bản đã chính thức thông báo việc nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam từ 17h30 ngày 23/2 (giờ địa phương).

Ông Phúc thông báo tin trên sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hirofumi Nakasone tại thủ đô Tokyo.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, Nhật Bản cũng cam kết sẽ đưa ra khoản tài trợ mới cho Việt Nam trong năm tài chính 2009, với tổng trị giá 83,2 tỷ yên (tương đương 900 triệu USD), để phía Việt Nam thực hiện các dự án đường xe điện ngầm ở thành phố Hà Nội, các dự án xây dựng cầu, đường, tỉnh lộ, các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường ở Hà Nội và Hải Phòng.

Thông cáo báo chí về chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nêu rõ Chính phủ Việt Nam kiên quyết chống và có các biện pháp thiết thực phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực ODA.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 22/2 với tư cách là Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Ngoại giao Hirofumi Nakasone đã hội đàm với Bộ trưởng Võ Hồng Phúc về quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản.

Liên quan đến lĩnh vực ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam, hai bộ trưởng cùng khẳng định Việt Nam đã và đang sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam nói chung và của Nhật Bản dành cho Việt Nam nói riêng.

Thông cáo báo chí nói chính phủ hai nước cùng cam kết thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực ODA đã được Ủy ban hỗn hợp về phòng chống tham nhũng Việt Nam-Nhật Bản lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội đề ra và đã được chính phủ hai nước thông qua tháng 2 này.

Bộ trưởng Nakasone hoan nghênh chuyến thăm của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc với tư cách đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cảm ơn sự đón tiếp chu đáo và đặc biệt của Chính phủ Việt Nam đối với Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito trong chuyến thăm Việt Nam mới đây.

Cùng ngày, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã tiếp Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.

Trong bài trả lời phỏng vấn dưới đây, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cung cấp rõ hơn các chi tiết và kết quả đạt được trong chuyến làm việc tại Nhật Bản.

Xin Bộ trưởng cho biết kết quả của cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hirofumi Nakasone?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc (ảnh): Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Nakasone tại Tokyo chiều 23/2, tôi đã thông báo với ngài Bộ trưởng về tiến trình xử lý vụ Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) ở Việt Nam và đề nghị Chính phủ Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam cũng như tăng cường hơn nữa các khoản viện trợ cho Việt Nam để củng cố hợp tác giữa hai nước.

Hai bên đã bàn các biện pháp cụ thể phòng chống tham nhũng cho các dự án ODA. Ngài Ngoại trưởng Nakasone đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, hoan nghênh chuyến thăm của tôi với tư cách là Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Nhật Bản để xử lý vụ PCI. Phía Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm tới tiến trình xử lý của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề xử lý PCI và sẵn sàng nối lại viện trợ cho Việt Nam. Các cơ quan hữu trách hai nước sẽ gấp rút chuẩn bị để có thể sớm ký kết các dự án vay vốn ODA của Nhật Bản trong tháng 3/2009.

Nhật Bản cũng cam kết cung cấp các khoản viện trợ mới cho Việt Nam, với tổng trị giá lên tới 83,2 tỷ yên (tương đương 900 triệu USD) để giúp Việt Nam thực hiện các dự án xây dựng tuyến xe điện ngầm ở thành phố Hà Nội; xây dựng cầu, đường ở một số tỉnh; công trình thoát nước và vệ sinh môi trường ở các thành phố Hà Nội và Hải Phòng.

Xin Bộ trưởng cho biết thông tin chi tiết về các dự án sẽ sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản trong tài khóa 2009?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Các dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản trong tài khóa 2009 là những dự án rất quan trọng. Trước hết, dự án xây dựng hệ thống xe điện ngầm kết hợp với đường sắt nổi ở Hà Nội sẽ giúp giải quyết vấn đề vận tải trong nội đô Hà Nội từ phía Nam cầu Thăng Long đến trung tâm thành phố. Đây là dự án rất lớn, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc giao thông trong nội đô.

Về dự án thoát nước và vệ sinh môi trường ở Hà Nội, vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản sẽ được sử dụng thực hiện giai đoạn 2 của dự án, đó là mở rộng ra ngoài phạm vi của sông Tô Lịch và tăng cường khả năng thoát nước ra sông Nhuệ, góp phần giải quyết tình trạng úng ngập hiện nay ở Hà Nội. Trong khi đó, dự án thoát nước và vệ sinh môi trường ở Hải Phòng sẽ giúp nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý chất thải lỏng ở thành phố này.

Về các dự án xây dựng cầu, đường bộ ở Việt Nam, đây là dự án nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ. Trong khuôn khổ dự án này, nhiều cầu và đường bộ sẽ được xây dựng ở một số tỉnh.

Xin Bộ trưởng cho biết đâu là lý do chủ yếu để Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Tôi cho rằng thái độ của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề chống tham nhũng và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm liên quan đến các cá nhân của Việt Nam là cơ sở quan trọng để Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định như vậy. Chúng ta cũng đã thực hiện một số biện pháp chống tham nhũng khác trong các dự án sử dụng vốn ODA như thành lập Ủy ban hỗn hợp về chống tham nhũng, đưa ra các giải pháp cụ thể phòng ngừa tham nhũng và đưa ra các quyết định để đảm bảo công tác chống tham nhũng có hiệu quả hơn. Từ đó, họ [Chính phủ Nhật Bản] thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề chống tham nhũng.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tác động của quyết định này đối với quan hệ kinh tế nói riêng và quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung trong thời gian tới?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Đối với Việt Nam, nguồn vốn viện trợ nước ngoài là nguồn vốn quan trọng, trong đó đặc biệt là vốn tài trợ từ Nhật Bản. Kể từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã tài trợ cho chúng ta gần 14 tỷ USD, chiếm 1/3 trong tổng số vốn tài trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Nhật Bản đã giúp chúng ta nhiều trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Thông qua viện trợ phát triển, các công ty Nhật Bản cũng có điều kiện tốt hơn trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, các dự án phát triển cơ sở hạt tầng cũng giúp cho các nhà đầu tư của Nhật Bản có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn để đầu tư. Chẳng hạn như dự án xây dựng Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long do Nhật Bản đầu tư và đã trở thành Khu Công nghiệp lớn nhất ở khu vực Hà Nội và phía Bắc. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Bắc Vân Trì, Bắc Thăng Long, đặc biệt là dự án xây dựng đường sắt từ phía Nam cầu Thăng Long về trung tâm Thành phố Hà Nội, sẽ giúp cho dự án Khu Công nghiệp này hoạt động thuận lợi.

Xin Bộ trưởng cho biết tiến trình xử lý vụ PCI ở Việt Nam?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Vụ PCI là một vụ án lớn mà hiện nay cơ quan điều tra đang tiến hành. Trên cơ sở các tài liệu mà phía Nhật Bản cung cấp, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp xử lý rất nghiêm khắc trong vụ này. Chúng ta đã khởi tố vụ án và đang tiếp tục thu thập chứng cứ để triển khai các bước tiếp theo.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

(Theo TTXVN)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm