Thời gian cực đại của nhật thực toàn phần lần này sẽ kéo dài 6 phút 39 giây, bắt đầu từ 9 giờ 35 phút 21 giây (giờ Hà Nội). Địa điểm quan sát được nhật thực toàn phần cực đại nằm trên Thái Bình Dương. Theo tính toán của các nhà khoa học, nhật thực toàn phần lần này sẽ được quan sát trong một dải chỉ rộng 258 km và kéo dài gần nửa vòng trái đất, bắt đầu từ Ấn Độ, sau đó đến các nước Nepal, Bhutan, Myanmar, Trung Quốc rồi tiếp tục vượt ra ngoài Thái Bình Dương. Trong đó, địa điểm đầu tiên trên thế giới quan sát được nhật thực toàn phần lúc 7 giờ 51 phút 17 giây là bờ biển phía tây Ấn Độ. Quần đảo Polynesia trên Thái Bình Dương là nơi cuối cùng chiêm ngưỡng được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.
Dải nhật thực một phần sẽ được quan sát trong một dải rộng hơn, bao gồm hầu hết Đông Á và Thái Bình Dương. Thời gian quan sát được nhật thực một phần bắt đầu từ 6 giờ 58 phút 19 giây và kết thúc lúc 12 giờ 12 phút 25 giây.
Theo ông Phường, tại hầu hết lãnh thổ Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần. Địa điểm quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại lớn nhất là Hà Giang với 75,8%, càng về phía Nam tỷ lệ che khuất càng nhỏ, trong đó Hà Nội là 67,5% và TP.HCM là 27,4%... “Trong một năm thường xảy ra 2 - 5 lần nhật thực, nhưng nhật thực toàn phần thì rất hiếm gặp, trung bình cứ 18 tháng mới xảy ra một lần.
Đặc biệt, trong 1.000 năm mới chỉ có trên 10 lần nhật thực kéo dài hơn 7 phút. Lần nhật thực toàn phần diễn ra vào ngày 22/7 tới sẽ là nhật thực toàn phần kéo dài nhất trong thế kỷ 21. Nhật thực toàn phần gần đây nhất kéo dài 7 phút 3 giây, xảy ra ngày 30/6/1973”, ông Phường nói.
(Theo Thanh niên)