Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đức Sửu (Hội NSNA Việt Nam) khi xem bức ảnh mang tên “Cung bậc” mang tên Đỗ Giang tại triển lãm ảnh ở Tiên Yên đã nói ngay: “Đây là ảnh của ông Đỗ Kha. Tôi đã xem bức ảnh này hàng chục năm trước”.
Bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha sang tên nhiếp ảnh gia Đỗ Giang tại triển lãm ở Tiên Yên (Quảng Ninh) |
Nhiều người xem khác cũng tán thành với ý kiến của ông Trần Đức Sửu.
Trả lời câu hỏi của PV Báo NNVN về bức ảnh, ông Đỗ Kha xác nhận ông chính là tác giả chụp bức ảnh này vào những năm 1970, ở huyện Bình Liêu, khi đi sáng tác dọc vùng Mương Ba Xã. Bức ảnh chụp phim màu, được ông Đỗ Kha đặt tên là “Trung du vàng”.
Từ "Trung du vàng" thành "Cung bậc" |
“Nó là các đụn rơm vàng người ta chất cao lên, chụp trong cái nắng chiều. Tôi nhớ ảnh đấy tôi chụp tôi đi trong một chuyến đi ở nơi ấy người ta gọi là Mương Ba Xã tức là đi theo con đường của mương chảy, người ta đang làm”, ông Đỗ Kha cho biết.
Ban đầu được hỏi, ông có cho ai sử dụng bản quyền của bức ảnh này không? Ông Đỗ Kha khẳng định: “Không. Cái đó chỉ có của tôi chụp ở Bình Liêu”.
Đến khi PV Báo NNVN cung cấp thông tin phản ánh của người xem tại triển lãm ảnh ở Tiên Yên thắc mắc tại sao bức ảnh của Đỗ Kha với tên gọi “Trung du vàng” lại chuyển thành “Cung bậc” và mang tên Đỗ Giang – con trai mình, ông Đỗ Kha phân bua: “Đây không phải là vấn đề bản quyền nữa rồi. Đây là bố con cho nhau một cái ảnh cũng không làm sao cả. Tôi cũng muốn cái ảnh của tôi được truyền bá đến mọi người”.
Theo ông Đỗ Kha, những người phản ánh thông tin con ông lấy ảnh của bố đem đi triển lãm, trưng bày, in sách đứng tên nhiếp ảnh gia Đỗ Giang, là tiểu nhân, vì “chỉ có 1-2 cái ảnh của người nhà, của bố đẻ ra cho mình thì nó có chuyện gì to lớn đâu”.
“Trong chiến tranh người ta còn cho người này 1-2 mạng lính giặc để người ta đạt danh hiệu dũng sĩ, rồi người ta trả nợ sau. Chuyện bố con cho nhau 1-2 tấm ảnh có gì là lạ. Mà tôi cũng muốn truyền bá cái ảnh ấy để cho công chúng người ta biết cơ mà”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha nói.
"Cung bậc" trong cuốn sách được trao giải nhất Nhiếp ảnh - Giải thưởng VHNT Hạ Long lần thứ VIII |
Nguyên Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Quảng Ninh (Hội VHNT Quảng Ninh) tiếp tục căn vặn: “Anh cứ bảo ai thắc mắc cái gì xuống trực tiếp hỏi ông Đỗ Kha xem có đúng không. Tại sao lại có những người lại tiểu nhân như thế. Anh làm báo anh phải có quan điểm đúng đắn, anh không nên chạy theo những cái vớ vẩn, tiểu nhân kiểu ấy, những loại người bất tài, đố kỵ thì nó mới thế. Tôi nói với anh như thế đấy. Là một người làm báo chân chính không chạy theo những cái vụn vặt ấy đâu”.
Nhiếp ảnh gia Đỗ Giang (thứ 2 từ phải qua) nhận Giải thưởng VHNT Hạ Long lần thứ VIII |
Được biết, bức ảnh này còn được nhiếp ảnh gia Đỗ Giang đưa vào in sách và được trao giải nhất về Nhiếp ảnh của giải thưởng VHNT Hạ Long lần thứ VIII (2011 – 2015).
Ông Vũ Quốc Khánh – Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam – Trưởng ban giám khảo phần Nhiếp ảnh của giải thưởng VHNT Hạ Long lần thứ VIII xác nhận, ông Đỗ Kha cũng là thành viên ban giám khảo.
Năm 2013, hai cha con nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha và nhiếp ảnh gia Đỗ Giang (Quảng Ninh) vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác lập 2 kỷ lục Việt Nam về nhiếp ảnh.
Cụ thể, NSNA Đỗ Kha được công nhận kỷ lục “Người chụp ảnh Vịnh Hạ Long đen trắng cổ nhiều nhất Việt Nam” và NSNA Đỗ Giang được công nhận kỷ lục “Người chụp ảnh Vịnh Hạ Long từ trên cao nhiều nhất Việt Nam”.