Lễ ký kết giữa IFC với Bel Gà và 3 trang trại |
Đây được coi là sự kiện mở đầu cho XK thịt gia cầm Việt Nam, khi mà nhiều DN đang tích cực hướng tới việc XK vào nhiều thị trường quan trọng.
Nhiều thị trường tiềm năng
Theo ông Khưu Nhân Hiếu, TGĐ Cty Koyu & Unitek, trong tuần này, dưới sự giám sát, hỗ trợ của cơ quan chức năng, công ty bắt đầu tiến hành sản xuất thử những sản phẩm thịt gà sẽ XK sang Nhật Bản. Dự kiến vào tháng 8 tới, Cty XK những container thịt gà đầu tiên sang thị trường này. Tiềm năng XK thịt gà sang Nhật Bản là không nhỏ, vì theo đơn đặt hàng của đối tác bên Nhật, trước mắt, mỗi tháng Koyu & Unitek sẽ cung cấp cho họ 300 tấn thịt gà.
Ông Gabor Fluit, TGĐ của De Heus tại khu vực châu Á, cho hay, Nhật Bản là nước NK thịt gia cầm lớn nhất thế giới. Năm 2016, nước này NK tới 973.000 tấn thịt gia cầm. Brazil đang là nhà cung cấp thịt gia cầm lớn nhất cho Nhật Bản với 420.000 tấn năm 2016; Thái Lan đứng thứ 2 với 320.000 tấn; Trung Quốc 165.000 tấn... Điều đáng chú ý là chăn nuôi gia cầm ở Thái Lan khá tương đồng với Việt Nam như cũng phải NK thêm nguyên liệu TĂCN, giá nhân công còn tương đối rẻ (so với Nhật Bản)... Chính vì vậy, khi Thái Lan đã XK được thịt gà sang Nhật Bản thì Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để chen chân, mở rộng thị phần ở thị trường này.
Ngoài Nhật Bản, sản phẩm gia cầm của Việt Nam đang có cơ hội thâm nhập vào một số thị trường quan trọng khác. Theo ông Gabor Fluit, EU là một trong những nhà sản xuất và XK thịt gia cầm hàng đầu trên thế giới, nhưng năm 2016, khu vực này vẫn NK tới 761.000 tấn thịt gia cầm. Sở dĩ có điều này là vì người tiêu dùng EU chỉ tiêu thụ ức gà. Do đó, các sản phẩm khác như cánh, đùi..., họ phải XK, đồng thời NK thêm ức gà để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Ngược lại với EU, người Việt Nam lại thích ăn đùi, cánh..., mà không thích ăn ức gà. Vì vậy, Việt Nam và EU có thể phối hợp với nhau để “trao đổi” các sản phẩm gia cầm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ở mỗi thị trường.
Nam Phi cũng là một thị trường quan trọng mà các nhà XK gia cầm Việt Nam cần hướng tới. Năm 2016, Nam Phi đứng thứ 6 trong số những thị trường NK gia cầm lớn nhất trên thế giới, với lượng NK là 504.000 tấn. Hiện nay, các nước XK chính thịt gia cầm vào Nam Phi là Brazil, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Bỉ..., nhưng Nam Phi vẫn đang tìm kiếm thêm những nguồn cung ứng khác, trong đó có Việt Nam.
Ông Khưu Nhân Hiếu cho biết thêm, Koyu & Unitek đang thăm dò, tìm kiếm thêm một số thị trường tiềm năng khác như Trung Quốc, Myanmar... Mới đây, ông đã đi Thâm Quyến (Trung Quốc) và nhận thấy đây là một thị trường rất triển vọng với 28 triệu dân. Người tiêu dùng Trung Quốc đang có xu hướng không tin vào thực phẩm nội địa vì vấn đề ATTP, nên sử dụng nhiều sản phẩm NK, trong đó có thịt gia cầm.
Để cạnh tranh và đứng vững được ở các thị trường nói trên, Việt Nam không nên XK thịt gà tươi mà tập trung vào các sản phẩm thịt đã qua xử lý nhiệt. Bởi nếu XK tươi, sẽ không thể cạnh tranh được với thịt gà Brazil, Mỹ... vốn có giá thành thấp hơn nhờ chủ động hoàn toàn những nguyên liệu chính trong sản xuất TĂCN. Do đó, các nước châu Á (vẫn đang ít nhiều phụ thuộc nguyên liệu TĂCN nhập khẩu), phải cạnh tranh bằng sản phẩm qua xử lý nhiệt. Nhìn vào cơ cấu XK thịt gà sang Nhật Bản của một số nhà cung cấp chính sẽ thấy rõ điều này: Brazil XK 420.000 tấn thịt gà sang Nhật Bản đều là thịt gà tươi; Thái Lan XK 320.000 tấn thì chỉ 95.000 tấn là thịt tươi, 235.000 tấn là thịt qua xử lý nhiệt; Trung Quốc XK 165.000 tấn đều là sản phẩm xử lý qua nhiệt.
Hợp tác về ATTP, truy xuất nguồn gốc
Để đẩy mạnh XK thịt gia cầm cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa trong thời gian tới, một số công ty, trang trại lớn đã bắt tay cùng nhau hình thành chuỗi giá trị thịt gà đảm bảo ATTP và truy xuất nguồn gốc. Các công ty gồm Bel Gà, De Heus và Koyu & Unitek. 3 trang trại gồm trang trại của Cty Hùng Nhơn, Trang trại Chí Thành của ông Nguyễn Văn Ngọc (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) và Trang trại Miền Đông của ông Nguyễn Minh Kha (Tân Phú, Đồng Nai).
Trang trại của ông Nguyễn Văn Ngọc, 1 trong 3 trang trại độc lập tham gia chuỗi liên kết |
Trong các đơn vị tham gia chuỗi nói trên, Bel Gà đã có chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm gia cầm, De Heus đã có chứng nhận ISO 22.000:2005 và GlobalGAP cho các sản phẩm TĂCN, Koyu & Unitek đã có các chứng nhận Iso, HACCP, HALAL. Vì vậy, để đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP khi tham gia thị trường XK, trong thời gian tới, chuỗi giá trị này sẽ tập trung vào việc lấy chứng nhận GlobalGAP cho khâu chăn nuôi...