| Hotline: 0983.970.780

Nhiều diện tích rừng keo chết hàng loạt

Thứ Sáu 22/07/2022 , 10:17 (GMT+7)

Đã có khoảng 100ha rừng trồng keo của người dân ở xã Nghĩa Sơn (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bị chết bất thường. Đến nay, hiện tượng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cây keo ở xã Nghĩa Sơn (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bất ngờ chết hàng loạt và lây lan trên diện rộng. Ảnh: L.K.

Cây keo ở xã Nghĩa Sơn (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bất ngờ chết hàng loạt và lây lan trên diện rộng. Ảnh: L.K.

Hơn 2 tháng qua, người dân ở xã Nghĩa Sơn vô cùng lo lắng khi chứng kiến nhiều diện tích trồng keo bất ngờ bị khô héo rồi chết hàng loạt. Tại địa phương này, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nghề trồng rừng nên tình trạng keo chết khi chưa đến thời kỳ thu hoạch đã gây thiệt hại về kinh tế không hề nhỏ.

“Cứ không ra rừng thì thôi chứ mỗi lần ra thấy từng đám cây bị chết phải chặt bỏ lại càng thêm buồn”, anh Phạm Văn Phong (trú thôn 2, xã Nghĩa Sơn) rầu rĩ nói. Được biết, cách đây 2 năm, cơn bão số 9 đã khiến cho toàn bộ diện tích trồng keo mới hơn 2 năm tuổi của gia đình anh Phong bị gãy đổ, không thu hoạch được gì.

Sau đó, còn lại 1 ít vốn tích cóp và vay mượn thêm, anh Phong bỏ ra số tiền hơn 150 triệu đồng để đầu tư trồng lại cây keo trên diện tích 3ha. Qua 2 năm, khi rừng keo của gia đình đang phát triển tốt thì cách đây khoảng 2 tháng, anh Phong phát hiện một số cây keo bị héo lá rồi chết khô sau đó lan rộng ra nhiều diện tích.

Phần gốc cây xuất hiện nấm trắng. Ảnh: L.K.

Phần gốc cây xuất hiện nấm trắng. Ảnh: L.K.

Anh Phong cho biết, khi thấy những cây keo có biểu hiện vàng lá, anh tới kiểm tra thì phát hiện phần gốc cây có xuất hiện những nấm trắng. Từ lúc cây vàng lá cho tới cây khô héo toàn thân chỉ mất khoảng 1 tuần và lây lan từ cây này qua cây khác rất nhanh. Những cây chết đều có phần rễ bị thối, phía bên trong thân cây chuyển sang màu hơi sẫm chứ không trắng như bình thường.

“Đến nay, diện tích keo bị chết của gia đình tôi khoảng hơn 1ha rồi. Vì rừng keo mới chỉ được 2 năm tuổi nên cũng chỉ chặt bỏ để làm củi đốt chứ bán không được. Hết bão rồi bây giờ đến bệnh hại, 2 mùa keo liên tục đều thiệt hại thế này thì biết lấy đâu ra tiền để trả nợ, trang trải cuộc sống của gia đình”, anh Phong tâm sự.

Không chỉ riêng gia đình anh Phong mà hầu như các hộ dân trồng keo ở xã Nghĩa Sơn đều gặp phải tình cảnh tương tự. Có những hộ toàn bộ rừng keo đều chết sạch. Dọc 2 bên tuyến đường đi qua xã Nghĩa Sơn, những cánh rừng trước đây xanh bạt ngàn chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành những dải loang lổ, màu xanh xen lẫn màu xám nâu của những khu vực cây keo bị chết. Một số vùng, cây keo bị chết, người dân đốn hạ, chỉ còn đồi trọc.

Những diện tích bị chết do nhiễm bệnh, do chưa đủ tuổi để thu hoạch nên người dân đành chặt bỏ. Ảnh: L.K.

Những diện tích bị chết do nhiễm bệnh, do chưa đủ tuổi để thu hoạch nên người dân đành chặt bỏ. Ảnh: L.K.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Ba (trú xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa) có 10ha rừng trồng keo ở xã Nghĩa Sơn cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Rừng keo của ông Ba bắt đầu xuất hiện tình trạng chết cây cách đây hơn 1 tháng và đến nay diện tích đã lan rộng khoảng 2.500m2. Keo chết nhiều nhất là ở độ tuổi từ 1 đến 2 năm, lác đác 1 số cây 3 năm tuổi cũng bị ảnh hưởng.

“Các năm trước cũng có hiện tượng keo chết nhưng cũng chỉ có 1 vài cây thôi, không đáng kể. Không hiểu sao năm nay lại chết nhiều và lan rộng như vậy. Đáng nói là thấy cây chết như thế nhưng người dân ở đây không biết làm cách nào để xử lý, ngăn chặn lây lan. Nếu trong thời gian tới không thể khắc phục, để tình trạng này kéo dài thì người dân thiệt hại nặng nề”, ông Ba nói.

Những cây keo bị chết phía bên trong thân chuyển màu sẫm. Ảnh: L.K.

Những cây keo bị chết phía bên trong thân chuyển màu sẫm. Ảnh: L.K.

Theo ông Phạm Văn Thếch, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn, toàn xã có trên 1.000ha trồng keo trong đó phần lớn rừng đều ở độ tuổi 2 năm. Sau khi nhận phản ánh về tình trạng cây keo chết hàng loạt, chính quyền xã đã tiến hành kiểm tra và xác định, diện tích cây bị chết khoảng 10% (trên 100ha). Hiện nay, diện tích rừng keo bị chết đang tiếp tục tăng.  

“Lúc đầu chúng tôi nghi ngờ nguyên nhân là do đất trồng nhưng không phải vì toàn xã khu vực nào cũng có keo bị chết. Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cùng với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã xuống kiểm tra, lấy mẫu. Chúng tôi cũng mong muốn ngành chức năng sớm đưa ra giải pháp phòng trừ sâu bệnh cho người dân. Bởi ở xã Nghĩa Sơn, thu nhập chính của người dân là từ cây keo nên keo chết trên diện rộng như thế này sẽ gây thiệt hại rất lớn”, ông Thếch nói.

Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước tình trạng keo chết ở xã Nghĩa Sơn, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung lấy mẫu phân tích, giám định. Kết quả giám định cho thấy, cây keo ở đây bị ảnh hưởng của 5 loại nấm. Trong đó có 2 loại nấm chính gây chết trực tiếp là nấm Macrophomina sp (gây bệnh đen thân) và nấm fusarium sp (gây bệnh thối rễ).

“Để hạn chế sự lây lan và gây hại của bệnh, Chi cục đề nghị các địa phương tăng cường thống kê diện tích keo bị nhiễm và tăng cường các giải pháp: Chặt, thu gom các cây bị bệnh đem ra khỏi vườn, tiêu hủy và dùng vôi nông nghiệp rải vào gốc để xử lý mầm bệnh; không tận thu, vận chuyển các cây bị bệnh sang nơi khác; tỉa cành, vệ sinh vườn keo, phát dọn thực bì nhằm tạo độ thông thoáng, đủ ánh sáng cho cây sinh trưởng phát triển; Khơi thông mương rảnh, tránh tình trạng ngập úng nước sau mưa để hạn chế mầm bệnh phát tán, lây lan”, ông Vĩnh nói.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.