| Hotline: 0983.970.780

Đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ Bảy 28/05/2022 , 20:17 (GMT+7)

QUẢNG NINH Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước đã ban hành nhiều chính sách hiệu quả, nhằm đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sau hơn 1 năm triển khai, Nghị quyết số 337 của HĐND tỉnh Quảng Ninh đã từng bước đi vào thực tiễn, tạo sức lan tỏa tại nhiều địa phương. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để phát triển lâm nghiệp, đưa ngành kinh tế này trở thành mũi nhọn, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng “xanh” của tỉnh.

Phát triển những cánh rừng gỗ lớn

Là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, với 150.000ha rừng sản xuất, TP Hạ Long có điều kiện thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển các loại cây gỗ lớn. Ngay khi Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND được ban hành, việc trồng cây gỗ lớn tại TP Hạ Long đã được đẩy mạnh triển khai. Các xã, phường có rừng tích cực vận động người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn, với các giống chủ yếu là lim, giổi, lát...

Đến hết năm 2021, trên địa bàn TP Hạ Long đã trồng được 144ha rừng gỗ lớn, với 64 hộ dân tham gia. Tổng số tiền hỗ trợ về giống, phân bón, vật tư theo Nghị quyết số 337 là 1,5 tỷ đồng.

Những cánh rừng gỗ lớn trên địa bàn TP Hạ Long (Quảng Ninh) đang được nhân rộng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những cánh rừng gỗ lớn trên địa bàn TP Hạ Long (Quảng Ninh) đang được nhân rộng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Năm 2022, trên địa bàn thành phố tiếp tục có 113 hộ dân đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn với diện tích chuyển đổi là 238ha. Đến hết quý I/2022, 34ha lim, giổi, lát đã được trồng. Cùng với đó, UBND TP Hạ Long đã phê duyệt phương án sản xuất của 10 xã, phường, với 159 chủ rừng hộ gia đình, cá nhân tham gia, trên tổng diện tích hơn 335ha.

Còn tại huyện Ba Chẽ, địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách lâm nghiệp, hướng dẫn các chủ rừng đăng ký tham gia và lập phương án sản xuất phát triển rừng gỗ lớn, cây bản địa. Đồng thời, thành lập Hội đồng thẩm định phương án hỗ trợ phát triển lâm nghiệp cấp huyện và thành lập các tổ thực hiện chính sách cấp xã.

Đến nay, huyện đã thực hiện được 67 cuộc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa và cây dược liệu.

Trong năm 2021, Ba Chẽ đã triển khai hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa cho 170 hộ, với diện tích 279,8ha, tổng kinh phí hỗ trợ đạt trên 3,5 tỷ đồng. Trong đó, số hộ đã vay vốn uỷ thác qua Ngân hàng CSXH huyện là 47 hộ, tổng kinh phí đã giải ngân đạt hơn 1,9 tỷ đồng. Năm 2022, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng triển khai phương án hỗ trợ phát triển lâm nghiệp cho 462 hộ, tổng diện tích trên 900ha.

Tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ đạt trên 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND huyện Ba Chẽ đã phê duyệt 8 phương án hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp, với 462 hộ dân tham gia trên tổng diện tích hơn 900ha; trong đó tập trung vào các loài quế, giổi xanh, lim xanh, thông mã vỹ, thông nhựa và giổi xanh ghép.

Những cánh rừng gỗ lớn, rừng lâu năm đã và đang ngày càng được nhân rộng. Từ đó, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ sinh thái và môi trường tự nhiên bền vững; đồng thời sẽ là động lực để tỉnh Quảng Ninh phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Để lâm nghiệp phát triển bền vững

Trước đây, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) chủ yếu tập trung trồng cây keo, nhưng vài năm gần đây được chính quyền xã vận động, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng keo sang trồng quế. Chu kỳ trồng cây quế mất khoảng 10 năm (thời gian thu hoạch gấp đôi so với cây keo) nhưng người dân xã Đại Dực vẫn quyết định lựa chọn, bởi giá trị kinh tế từ mô hình trồng quế cao gấp 7-10 lần so với trồng keo. Đến nay, diện tích trồng quế cả xã đạt gần 700ha với hơn 630 hộ dân tham gia trồng. Đây là địa phương có diện tích trồng quế lớn nhất huyện Tiên Yên.

Nhờ chuyển đổi đúng hướng, đến thời điểm này, mô hình trồng quế đang giúp nhiều hộ dân trong xã có việc làm, tăng thu nhập, phát triển lâm nghiệp ngày càng bền vững. Nhiều hộ trồng quế trong xã đã biết cách liên kết phát triển sản xuất thành lập các tổ chế biến, thu mua lâm sản quế tập trung.

Sản phẩm quế thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó. Giá trị kinh tế từ mô hình trồng quế đạt 600-700 triệu đồng/ha. Thời gian tới, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết sản xuất, xã sẽ tiếp tục vận động các hộ dân nhân rộng diện tích trồng quế và hướng tới chế biến sâu sản phẩm từ quế.

Diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn Quảng Ninh đến thời điểm hiện nay đã đạt hơn 4.300ha. Ảnh: Nguyễn Thành.

Diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn Quảng Ninh đến thời điểm hiện nay đã đạt hơn 4.300ha. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tính đến ngày 13/5, toàn tỉnh đã trồng được 849ha lim, giổi, lát, bằng 34% kế hoạch. Các cơ sở chế biến lâm sản phát triển và mở rộng về quy mô, công suất, chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến tinh, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn Quảng Ninh đến thời điểm hiện nay đã đạt hơn 4.300ha, bằng 34% kế hoạch (12.758ha).

Các công ty, HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động trong đầu tư sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, tạo động lực thúc đẩy gia tăng giá trị rừng trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng tài nguyên rừng tại địa phương. 

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT, Quảng Ninh đang dần hoàn thành các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị; khuyến khích các chủ đầu tư trồng rừng gỗ lớn; thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư theo chu trình khép kín, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp xanh; kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, tạo ra các sản phẩm lâm sản theo chuỗi có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương trên toàn tỉnh.

Trồng rừng gỗ lớn, trọng tâm là cây lim, dổi, lát là hướng phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo ra và phát huy dư địa kinh tế rừng của tỉnh, được sự hưởng ứng tham gia của người dân, doanh nghiệp trồng rừng, góp phần đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất mỏ Quảng Ninh.

Theo tổng hợp của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, đến hết tháng 4/2022, số đơn vị, diện tích trồng rừng đăng ký là trên 500ha. Một số đơn vị triển khai với diện tích lớn là: Tổ hợp sản xuất lâm nghiệp Bản Sen (huyện Vân Đồn) 200ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ 50ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên 40ha…

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.