| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm giá trị gỗ rừng trồng ở Tuyên Quang

Thứ Năm 09/06/2022 , 16:44 (GMT+7)

Ngành kinh tế lâm nghiệp ở Tuyên Quang đang dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gỗ rừng trồng bằng cách nâng cao chất lượng giống, loài, cấp chứng chỉ rừng…

Thấy rõ được lợi ích của kinh tế rừng, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đã tích cực phát triển rừng. Ảnh: Đồng Thưởng.

Thấy rõ được lợi ích của kinh tế rừng, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đã tích cực phát triển rừng. Ảnh: Đồng Thưởng.

Hiện nay tổng diện tích rừng hiện có của tỉnh Tuyên Quang là hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu là trên 140.700ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước. Nâng tầm giá trị gỗ rừng trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người trồng, kinh doanh rừng.

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu phát triển thêm 20.000ha rừng gỗ lớn, nâng tổng số diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh lên 89.000ha.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XIX đã ban hành Nghị Quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021, thực hiện chính sách hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 8,4 triệu đồng/ha; chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để các hộ gia đình trồng rừng, làm giàu rừng, với mức hỗ trợ từ 5 triệu đến 12 triệu đồng/ha (tùy loài cây). UBND tỉnh Tuyên Quang cũng phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035.

Theo ông Triệu Đăng Khoa, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, các nghị quyết, đề án của tỉnh Tuyên Quang đã đồng hành, hỗ trợ người dân chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Trong đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng bằng các loài cây keo lai mô, cây keo tai tượng nhập ngoại, dổi, sấu, trám trắng; hỗ trợ phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, bảo tồn, trồng mới các loại cây đặc sản, cây dược liệu có giá trị; xem xét hỗ trợ lãi suất vay các tổ chức tín dụng trung hạn, dài hạn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất...

Tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh phát triển phong trào trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng. Ảnh: Đồng Thưởng.

Tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh phát triển phong trào trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng. Ảnh: Đồng Thưởng.

Cùng chính sách hỗ trợ cây giống, vốn thì tỉnh đã và đang tập trung hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đến nay, toàn tỉnh đã có 37.000 ha rừng cấp chứng chỉ FSC, nâng giá trị kinh tế rừng trồng cho người dân.

Phong trào trồng rừng gỗ lớn được người dân thôn Ninh Hòa, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương hưởng ứng. Ông Trịnh Ngọc Ba, một người dân trong thôn cho biết, phát triển kinh tế rừng nhiều năm, ông thấy chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, giá trị kinh tế tăng lên gấp đôi. Giai đoạn từ 10 năm trở lên hầu như không phải chăm sóc. Về giống đã được tỉnh hỗ trợ cây giống chất lượng cao để trồng. Đây là chính sách khuyến khích, hỗ trợ thiết thực đối với người dân. Ông Ba tính riêng số cây giống tỉnh hỗ trợ gia đình ông trồng 9,6 ha rừng keo gỗ lớn năm 2022 lên đến gần 40 triệu đồng.

Hiện tỉnh Tuyên Quang đang triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng. Theo chương trình này, người có rừng sẽ có thêm nguồn thu nhập mà chưa cần khai thác rừng.

Tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tỉnh có ít nhất 1 sản phẩm đồ gỗ được công nhận "Thương hiệu quốc gia Việt Nam"; hoàn thành xây dựng ít nhất 5 mô hình du lịch sinh thái tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng; khuyến khích nhân dân phát triển các mô hình lâm nghiệp tổng hợp phát huy hiệu quả kinh tế. Tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh trước năm 2025. Đến năm 2025, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.