| Hotline: 0983.970.780

Để người trồng keo hết cảnh 'ăn đong'

Thứ Tư 27/04/2022 , 06:51 (GMT+7)

TUYÊN QUANG Giữ tốt sứ mệnh đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ Việt Nam, tuy nhiên, cây keo cần phải bước sang giai đoạn phát triển mới để người trồng rừng hết cảnh 'ăn đong'.

Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Làm sao gắn phát triển cây keo với trồng rừng gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu theo định hướng giá trị gia tăng, bền vững của ngành lâm nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phẩn Woodsland Tuyên Quang. 

"Cứu cánh" cho ngành gỗ

Hiện nay, keo đang là cây trồng rừng sản xuất chủ lực của nước ta. Đâu là những lợi thế giúp cây keo xác lập vị thế "bá chủ" về nguồn gỗ nguyên liệu hiện nay, thưa ông?

Những năm qua, cây keo đã phát huy những ưu điểm nổi bật, hỗ trợ rất tốt cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh những nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu trên thế giới ngày càng khó khăn. Việc vận chuyển gỗ từ các địa bàn, các khu vực khai thác trên thế giới về Việt Nam gặp phải khó khăn do các vấn đề liên quan đến vận tải càng tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển cây keo, một loại cây gỗ nguyên liệu ngày càng trở nên có ý nghĩa hơn.

Nhờ nguồn nguyên liệu gỗ keo, nên khi đứng trước cuộc khủng hoảng liên quan đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp trong ngành gỗ đã rất may mắn khi ít bị tác động tiêu cực. Cùng với đó, cây keo đã tạo ra công ăn việc làm cho người dân vùng nông thôn, miền núi, trong khi đó trình độ kỹ thuật trồng các loài cây này không đòi hỏi cao; chu kỳ khai thác của cây khá ngắn, chỉ từ 5 đến 10 năm đã có thể khai thác…

Dù chu kỳ khai thác không dài, từ 5 đến 10 năm nhưng cây keo có ưu điểm lại là cây gỗ cứng nên có thể ứng dụng trong chế biến gỗ rất tốt và thay thế cho nhiều loại gỗ mà trước đây phải trồng rất lâu năm mới có thể thu hoạch.

Cây keo đã giữ tốt sứ mệnh giúp ổn định vùng nguyên liệu cho ngành gỗ Việt Nam trong chặng đường dài. Ảnh: Đồng Thưởng.

Cây keo đã giữ tốt sứ mệnh giúp ổn định vùng nguyên liệu cho ngành gỗ Việt Nam trong chặng đường dài. Ảnh: Đồng Thưởng.

Từ khi ngành chế biến gỗ Việt Nam làm các sản phẩm sử dụng ngoài trời cho đến chế biến các sản phẩm dùng trong nhà thì cây keo đều phát huy tốt. Ngoài phần thân thì phần gốc cũng như cành, ngọn của cây keo cũng được tận thu hết. Từ việc làm nguyên liệu cho ngành chế biến giấy hay ván ép…, các sản phẩm từ gỗ keo đều được sử dụng rất linh hoạt và đa dạng, phù hợp với các sản phẩm khác nhau.

Cần chính sách tín dụng cho người trồng rừng

Hiện nay, việc trồng keo ở nước ta chủ yếu vẫn là trồng rừng gỗ nhỏ, "ăn non". Theo ông, đâu là những nút thắt phải tháo gỡ để việc phát triển cây keo phù hợp với định hướng của ngành lâm nghiệp cũng như phục vụ tốt hơn cho ngành chế biến gỗ? 

Mặc dù gỗ keo mang lại những hiệu quả rất đáng kể với kinh tế của đất nước, tuy nhiên gỗ keo vẫn chưa được quan tâm nhiều, nhất là vấn đề về giống. Hiện nay, chúng ta cũng chưa có điều tra, đánh giá để quy hoạch các vùng trồng cây keo cho sản xuất nội thất riêng, khu trồng nguyên liệu phục vụ băm giấy cùng như nguyên liệu khác riêng.

Tôi nghĩ rằng, cần phải có quy hoạch rõ ràng khu vực nào thì có thể phát triển cây keo gắn với trồng rừng gỗ lớn. Với những khu vực không thể trồng rừng gỗ lớn thì mới phát triển những loại cây để phục vụ nguyên liệu làm viên nén, chất đốt hay làm dăm gỗ…

Một số giống keo sẽ lớn rất nhanh nhưng gỗ xốp và không đủ điều kiện chất lượng để đóng đồ nội thất, nếu làm viên nén, hay những mục đích chế biến không đòi hỏi gỗ chất lượng cao thì sẽ thiên về những giống như thế. Nhưng nếu muốn trồng rừng gỗ lớn thì ngay từ đầu, giống phải có sự chọn lọc, kiểm soát tốt.

Hiện nay, gỗ keo đang là nguồn nguyên liệu chủ lực của Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, gỗ keo đang là nguồn nguyên liệu chủ lực của Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Về chính sách, tôi nghĩ rằng chính sách liên quan đến nguyên liệu viên nén hay dăm gỗ thì phải khác so với các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu. Cùng với đó, hiện nay về cơ bản chưa có được sự hỗ trợ của nhà nước về chính sách tín dụng để cho bà con có nguồn vốn ổn định trong suốt quá trình sinh trưởng của cây keo. Bởi vậy, nhiều khi người dân muốn giữ cây keo lâu năm hơn để gia tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích nhưng người ta vẫn phải khai thác để có tiền trả nợ ngân hàng. Do đó, cần có chính sách giãn thời gian vay vốn dài hơn, như thế bà con có thể giữ cây keo được lâu hơn và hiệu quả sẽ tăng lên.

Tại một số vùng như Tây Bắc hay Tây Nguyên, khoảng cách từ vùng nguyên liệu đến nơi chế biến khá xa, trong khi giá của gỗ keo không được cao như nhiều loại gỗ khác nên chi phí vận tải tăng lên, hiệu quả từ việc trồng keo hạn chế. Vì vậy về mặt chính sách, cũng cần có sự điều chỉnh để việc phát triển cây keo được rộng khắp.

"Thời gian gần đây, một số vùng ở miền Trung người dân cũng như truyền thông đã nói nhiều về chuyện cây keo có thể bị đổ, gãy do thường xuyên gặp rủi ro trong mùa mưa bão. Tại một số vùng đặc biệt như vậy, cần nghiên cứu trồng cây keo đan xen với các loại cây khác có bộ rễ bám sâu hơn để tăng tính hiệu quả kinh tế".

Ông Vũ Hải Bằng

Quyết tâm trồng rừng keo gỗ lớn

Là doanh nghiệp chế biến gỗ lớn tại phía Bắc, Công ty sẽ có những định hướng nào cho việc phát triển cây keo nhằm phục vụ tốt hơn cho chiến lược chế biến gỗ, thưa ông?

Thực tế trong những năm qua, sản phẩm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Woodsland bao gồm 2 lĩnh vực chính là đồ nội thất cũng như các loại ván nguyên liệu sử dụng gỗ keo chiếm gần như 100% lượng hàng xuất khẩu của Công ty.

Qua đây có thể thấy được rằng, vai trò của nguồn nguyên liệu tốt cũng được khẳng định và mang lại hiệu quả rất cụ thể. Hiện nay, không chỉ riêng Woodsland mà còn một số doanh nghiệp khác ở khu vực phía Bắc cũng đi sâu vào chế biến gỗ và sử dụng nguyên liệu từ gỗ keo, điều này cho thấy rằng thị trường gỗ keo khá ổn định.

Để mở rộng vùng nguyên liệu, Công ty đã hợp tác với các đơn vị, bà con trồng rừng keo tại các tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và có hiệu quả khá cao. Với những vùng xa như Sơn La, Điện Biên, việc liên kết trồng rừng vẫn chưa được triển khai do không đảm bảo ý nghĩa về kinh tế.

Chuyển sang trồng rừng gỗ lớn sẽ là chặng đường đầy khó khăn, nhưng đang là xu thế tất yếu mà Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đang hướng tới. Ảnh: Đồng Thưởng.

Chuyển sang trồng rừng gỗ lớn sẽ là chặng đường đầy khó khăn, nhưng đang là xu thế tất yếu mà Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đang hướng tới. Ảnh: Đồng Thưởng.

Những năm gần đây, Công ty Cổ phần Woodsland cũng đã bắt đầu triển khai chương trình trồng rừng gỗ lớn tại một số địa phương. Để chương trình này thành công, cần có sự ủng hộ, phối hợp tốt từ người trồng rừng, các địa phương và cần có chính sách dài hơi. Bởi việc trồng rừng gỗ lớn là câu chuyện có thể kéo dài từ 9 đến hơn 10 năm mới mang lại hiệu quả.

Với doanh nghiệp tư nhân, Công ty Cổ phần Woodsland sẽ không thể có những nguồn vốn rất lớn để đổ vào việc này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bắt đầu và dần dần chứng minh đây là hướng đi đúng, đến lúc đó, người dân sẽ tự hợp tác với Công ty. Đến nay, chúng tôi đã có những mô hình thành công về hiệu quả kinh tế từ chương trình trồng rừng gỗ lớn.

Thời gian tới, Công ty sẽ đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời đưa ra những cơ chế đồng hành cùng người trồng rừng. Chúng tôi mong muốn từ hiệu quả kinh tế mang lại, sẽ tạo nên một phong trào trồng rừng gỗ lớn trong dân tại các địa phương. Bởi đối với cây gỗ keo giai đoạn từ 8 đến 10 năm thì giá trị khai thác cho sản xuất đồ nội thất mới cao. Nếu chỉ trồng từ 5 đến 6 năm thì mục đích chủ yếu để sử dụng băm dăm hay làm chất đốt, mà hiệu quả sẽ không cao so với mục đích làm đồ nội thất.

Làm rừng gỗ lớn ngoài ý nghĩa về kinh tế thì ý nghĩa về môi trường cũng được phát huy tốt hơn. Bởi đối với những cây gỗ nhỏ trong 5 đến 6 năm đã khai thác thì có 3 đến 4 năm cây rất nhỏ, không có giá trị về môi trường, cũng như bảo vệ nguồn nước.

Công ty Cổ phần Woodsland hiện nay có 2 dòng sản phẩm chính là bàn, ghế, giường, tủ thông thường và các loại ván công nghiệp sử dụng nguyên liệu đa số là gỗ keo. Trong năm 2021, Công ty xuất khẩu đạt xấp sỉ 100 triệu USD cho 2 dòng sản phẩm này.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.