Nhiều khu tái định cư còn dở dang
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trước mùa mưa bão năm 2024, toàn tỉnh có 891 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng sạt lở đất cần phải sơ tán, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, huyện trung du Hoài Ân và các huyện đồng bằng Phù Cát, Tuy Phước.
Hiện trên địa bàn huyện An Lão có 3 điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng sạt lở đất, đá. Những hộ dân này nằm dưới chân núi Trà Cong thuộc xã An Hòa, ở thôn 5 xã An Vinh và thôn 5 xã An Nghĩa.
"Trong số 200 hộ dân sống dưới chân núi Trà Cong thì đã có 78 hộ thuộc diện nguy cơ cao chịu ảnh hưởng khi sạt lở đất, đá xảy ra", ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão cho hay.
Còn theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, địa phương này hiện có 2 khu vực có nguy cơ sạt lở núi cao ở thôn 3 và thôn Đăk Tra thuộc xã Vĩnh Kim cùng 3 khu vực nguy cơ sạt lở ở vùng thấp.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước, cho biết trong năm 2024, huyện này đã kiến nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Định rà soát, khảo sát và bổ sung 3 điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, gồm: Khu vực núi Kỳ Sơn; khu vực núi Hóc Công và khu vực núi Hòn Vồ.
Bà Trần Thị Mỹ Nữ, người dân ở đội 5, thôn Kỳ Sơn thuộc xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), chia sẻ: Mỗi khi có mưa lớn, nước từ đỉnh núi Kỳ Sơn trút xuống thành dòng chảy rất xiết, kéo theo đất đá, cây cối ập xuống con đường bê tông cạnh nhà phát ra âm thanh nghe rất kinh sợ.
“Ban ngày, nếu có bất trắc bà con còn thấy đường mà tháo chạy, chứ mưa lớn vào ban đêm thì bà con khó lòng đối phó. Vào mùa mưa lũ chúng tôi rất bất an nhưng những hộ dân có điều kiện khó khăn không có khả năng tìm nơi ở mới an toàn. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ di dời đến nơi ở an toàn, gia đình tôi sẵn sàng di dời”, chị Nữ chia sẻ.
Khu dân cư dưới chân núi Gành thuộc xã Cát Minh và dưới chân núi Cấm thuộc xã Cát Thành đang là mối lo lớn cho chính quyền huyện Phù Cát. Đây là những điểm đã từng xảy ra sạt lở đất, đá làm ảnh đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND huyện Phù Cát đã xây dựng phương án di dời, tái định cư nhưng đến nay việc di dời dân chưa triển khai hoàn tất.
Được biết, tại khu vực núi Gành, đến nay, chính quyền địa phương đã bố trí di dời tái định cư cho 34 hộ, còn 66 hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao chưa di dời, vẫn còn phải sống thấp thỏm trong những mùa mưa lũ. Ở khu vực núi Cấm thì UBND tỉnh Bình Định đã giao cho UBND huyện Phù Cát xây dựng hạ tầng tái định cư để bố trí di dời dân, nhưng mãi đến nay chưa thực hiện được.
Các địa phương chủ động công tác di dời
Dự báo tình hình mưa, bão, áp thấp nhiệt đới trong các tháng cuối năm 2024 diễn biến rất khó lường; đặc biệt, từ tháng 8 đến tháng 10, trên địa bàn Bình Định có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 1 cơn bão. Nguy cơ cao xảy ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất vùng núi; ngập úng cục bộ ở vùng đất thấp, trũng.
Trong bối cảnh việc xây dựng hạ tầng các khu tái định cư di dời dân tại những vùng nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai chưa hoàn thành do thiếu nguồn vốn, không thể ổn định cho đời sống người dân trước mùa mưa bão năm nay, các địa phương đã chủ động xây dựng phương án di dời dân.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão, địa phương đã lập quy hoạch và xin chủ trương đầu tư hạ tầng khu tái định cư (giai đoạn 1) có quy mô 11ha tại thôn Vạn Khánh (xã An Hòa), nhằm tái định cư cho các hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng sạt lở đất núi Trà Cong. Tuy nhiên, do chưa có vốn, nên dự án này chưa triển khai, huyện đang “cầu cứu” kinh phí hỗ trợ của tỉnh.
Huyện Phù Cát cũng lâm tỉnh cảnh tương tự. Hiện địa phương này chưa thể đầu tư xây dựng hạ tầng dự án tái định cư Đức Phổ (giai đoạn 2) và xây dựng hạ tầng dự án tái định cư khu vực núi Cấm ở xã Cát Thành.
“Huyện đang gặp khó về kinh phí để thực hiện. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi đã chỉ đạo các xã xây dựng phương án di dời dân khi có thiên tai xảy ra theo hình thức ở xen ghép với nhà dân có nhà cửa kiên cố và ở các điểm trường, công sở; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về ứng phó với thiên tai, chủ động dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men khi có bão lũ diễn ra”, ông Luận cho hay.
Triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2024, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp huyện, xã tổ chức xây dựng, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai; củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
Theo đó, các địa phương phải xây dựng phương án ứng phó thiên tai năm 2024 sát với thực tế, phải có tính khả thi và hoàn thành trước ngày 30/8/2024. Ngành chức năng phải cập nhật dữ liệu trên phần mềm phòng chống thiên tai theo hướng dẫn và hoàn thành trước 20/8/2024.
“Các địa phương cần rà soát, kiểm tra các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan ven sông suối, ven biển, khu vực sườn dốc… nhằm kịp thời lập phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị sạt lở đất và vùng có nguy cơ cao. Thực hiện cắm biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở đất, ngập sâu; đồng thời có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ phải di dời”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
“Năm 2024, Bình Định tổ chức 4 lớp tập huấn cho 107 học viên theo kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”. Đối với Quỹ phòng, chống thiên tai UBND tỉnh Bình Định đã ban hành, theo kế hoạch, trong năm 2024 dự kiến sẽ thu 27,86 tỷ đồng và sẽ chi 29,55 đồng”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.