| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng: Nhiều giải pháp giảm nhẹ thiên tai

Thứ Ba 01/09/2020 , 19:27 (GMT+7)

Tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp giảm nhẹ thiên tai, để giúp nhân dân trong phòng tránh, đối phó kịp thời nhằm hạn chế các thiệt hại...

Sạt lở taluy dương tuyến đường từ thị trấn Pác Mjầu đi một số xã của huyện Bảo Lâm.

Sạt lở taluy dương tuyến đường từ thị trấn Pác Mjầu đi một số xã của huyện Bảo Lâm.

Năm 2019, huyện Trùng Khánh diễn ra trận lụt lịch sử làm ngập nhiều khu vực ở thị trấn và một số xã gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng. Trước tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, ngay từ đầu tháng 5/2020, huyện đã có kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).

Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện yêu cầu các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

Ông Hà Minh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh cho biết: Huyện tiếp tục rà soát, di dời dân cư khỏi những điểm xung yếu, những vùng tụ thủy có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá.

Tăng cường quản lý, đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng chống thiên tai để bảo vệ dân cư, sản xuất và kinh doanh; nạo vét, khơi thông dòng chảy nhằm đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh nhất. Bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là trước, trong và sau thiên tai.

Cắm biển tại các khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao để cảnh báo cho người dân biết. Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đập dâng, hồ chứa thủy lợi thuộc chức năng quản lý của ngành; có kế hoạch gia cố, tu sửa trước mùa mưa lũ.

Đối với các công trình thủy lợi đang thi công, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công và có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ. Có kế hoạch dự phòng các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp để khôi phục sản xuất sau thiên tai…

Lực lượng cứu hộ tại chỗ của Cao Bằng giúp nhân dân lợp lại mái nhà sau mưa đá.

Lực lượng cứu hộ tại chỗ của Cao Bằng giúp nhân dân lợp lại mái nhà sau mưa đá.

Là một trong hàng nghìn hộ dân ở huyện Quảng Hòa bị thiệt hại nặng do trận mưa đá trong ngày đầu năm 2020, ông Lý Văn Sùng, xóm Phúc Dùng xã Phi Hải chia sẻ: “…Trận mưa đá đầu năm gia đình bị hư hỏng trên 90% diện tích mái nhà cùng nhiều diện tích cây trồng. Gia đình tôi đã được các cấp chính quyền hỗ trợ tiền tu sửa nhà để ổn định cuộc sống.

Thời gian tới, gia đình sẽ cố gắng tích góp để lợp mái nhà bằng những chất liệu kiên cố hơn, để phòng tránh những trận mưa đá bất chợt...”.

Theo số liệu của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cao Bằng, 8 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 16 đợt thiên tai (3 đợt lở đá; 13 đợt lốc, mưa đá, sét, mưa lớn, lũ quét).

Thiên tai đã làm chết 3 người, bị thương 3 người; hơn 6.000 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng; 755 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học bị hư hỏng… Tổng giá trị thiệt hại từ các đợt thiên tai hơn 75 tỷ đồng.

Một nhà dân bị hư hại nặng trong trận mưa đá tại Cao Bằng trong ngày đầu năm 2020.

Một nhà dân bị hư hại nặng trong trận mưa đá tại Cao Bằng trong ngày đầu năm 2020.

Bà Ma Thị Huyền Linh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cao Bằng cho biết: Với tình hình thời tiết diễn biến bất thường làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân tại một số địa phương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp chủ động các phương án, kịp thời hỗ trợ các địa phương bảo vệ người và tài sản khi có sự cố xảy ra, hạn chế mức thấp nhất các thiệt hại.

Toàn tỉnh đã huy động lực lượng, vật tư, kinh phí trên 13 tỷ đồng, hơn 2.200 ngày công lao động để nhanh chóng khắc phục thiệt hại, di dời nhà ở, giúp nhân dân sửa chữa nhà ở, ổn định sản xuất, đời sống.

Với những diễn biến phức tạp của thời tiết đã được dự báo, các hình thái thời tiết cực đoan như lũ ống, lũ quét, lở đất, lốc xoáy... có thể xảy ra ở bất kỳ địa phương nào trong tỉnh trong thời gian tới.

Chính vì vậy, công tác PCTT&TKCN đã được tỉnh Cao Bằng chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng... với tinh thần chủ động ứng phó sẽ phần nào hạn chế những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão từ nay đến cuối năm 2020, bà Linh cho biết thêm.

Xem thêm
Đồng Tháp cần huy động mọi nguồn lực, thế mạnh đặc trưng để bứt phá

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đồng Tháp cần huy động mọi nguồn lực, các thế mạnh đặc trưng để bứt phá, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của ĐBSCL và cả nước.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.