| Hotline: 0983.970.780

Nhiều người nhập viện do mắc liên cầu khuẩn lợn

Thứ Tư 15/03/2023 , 09:33 (GMT+7)

Cục Y tế dự phòng vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người...

Liên tiếp nhập viện do mắc liên cầu khuẩn lợn

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhiệt đới TƯ, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị 2 ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Bệnh nhân Đ.T.D (51 tuổi, ở Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có tiền sử tăng huyết áp, xơ gan, uống rượu nhiều năm. Sau một ngày ăn tiết canh và thái thịt lợn hộ đám cưới, ông D có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, rét run.

Ông D nhập viện trong tình trạng khó thở, thở nhanh, tụt huyết áp. Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn – xơ gan và tiến hành truyền dịch, duy trì thuốc vận mạch, kháng sinh liều cao.

Tuy nhiên, tình trạng ít cải thiện và được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc kèm viêm phổi, cấy máu phát hiện vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis - Liên cầu khuẩn lợn), được điều trị kháng sinh tĩnh mạch liều cao, giảm đau, chống viêm, hạ sốt. Sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân đã cắt sốt, hết khó thở, tình trạng nhiễm trùng giảm.

images1406936_cap_cuu_benh_nhan_b__nhiem_li_n_cau_l_n

Bệnh nhân điều trị bệnh liên cầu khuẩn lợn. Ảnh: ST

Cũng đến từ Nam Định, nữ bệnh nhân Đ.T.C (44 tuổi, ở Giao Thủy, làm nghề giết mổ lợn), nhập viện vì giảm ý thức. Bệnh nhân được người nhà phát hiện trong tình trạng kích thích, vật vã gọi hỏi không trả lời, sau đó nhanh chóng rơi vào hôn mê và suy hô hấp.

Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Nam Định, được đặt ống nội khí quản và được chẩn đoán viêm màng não. Tuy nhiên, tình trạng không thuyên giảm và được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư trong tình trạng hôn mê sâu, ban xuất huyết dạng đám, dải vùng cẳng bàn tay, bàn chân 2 bên, phổi có tình trạng viêm.

Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết – Viêm màng não mủ – Viêm phổi. Chọc dịch não tủy để đánh giá, dịch não tủy chảy ra đục mủ như nước vo gạo. Bệnh nhân hôn mê điều trị thở máy. Sau 17 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, thở khí phòng bình thường, huyết động ổn định.

Trước đó, vào tháng 2/2023, trên địa bàn TP. Hà Nội cũng đã ghi nhận trường hợp đầu tiên bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm nay, đó là nam bệnh nhân 52 tuổi ở quận Hà Đông, làm nghề bán lòng lợn tiết canh.

Tại Quảng Ninh, ngày 7/3, một bệnh viện tiếp nhận người đàn ông Trung Quốc nhập viện trong tình trạng tỉnh, sốt rét run trên 38 độ C, đau lưng thượng vị và hạ sườn phải lan ra sau lưng. Bệnh nhận được kết luận nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn/ nhiễm trùng đường mật.

Không ăn tiết canh vẫn có thể mắc liên cầu khuẩn lợn

20190611_020726_474305_nguyen-nhan-gay-ben.max-1800x1800_1

Không ăn tiết canh vẫn có nguy cơ mắc liên cầu khuẩn lợn. Ảnh: ST.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội, đơn vị này vừa ghi nhận vừa ghi nhận một nam bệnh nhân 51 tuổi (ở huyện Quốc Oai) nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đây là trường hợp thứ 2 mắc căn bệnh này được ghi nhận trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay. Điều đáng nói, bệnh nhân này không ăn tiết canh và cũng không tham gia giết mổ lợn.

Theo đó, sau khi sốt cao, đau đầu, mỏi người, bệnh nhân tự điều trị tại nhà nhưng không chuyển biến. Tình trạng đau đầu nặng lên kèm theo ý thức lơ mơ, kích thích, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Quân y 103, quận Hà Đông, Hà Nội. Kết quả cấy máu và dịch não tủy cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn).

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trong những tháng đầu năm 2023, nhiều trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn đã được ghi nhận tại một số tỉnh, thành phố. Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua…

Một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

Cục Y tế dự phòng vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch.

Đặc biệt, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát, phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, từ đó kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn, có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc...

Theo các chuyên gia y tế, người dân thường có quan điểm sai lầm khi cho rằng, lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch, an toàn và có thể ăn tiết canh.

Trên thực tế, vi khuẩn liên cầu lợn lưu hành ở quần thể lợn nên kể cả loại tự nuôi vẫn có thể truyền bệnh. Vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú ở vùng họng của lợn, ít gây bệnh cho con vật, chỉ khởi phát ở những con lợn có sức miễn dịch yếu. Bệnh liên cầu khuẩn lợn có diễn biến rất nhanh chóng, với 2 thể: Thể viêm màng não mủ và thể nhiễm khuẩn huyết, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng.

Cách tốt nhất là phòng bệnh. Bởi, khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh, mà chỉ điều trị bằng kháng sinh thời gian dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bản văn hóa 4.0 chuyển mình với những 'dự án 0 đồng'

Bản văn hóa Nà Sự, xã Chà Nưa có gần 140 hộ dân người dân tộc Thái cùng sinh sống và có nét đặc trưng văn hóa, phong tục độc đáo.