Nhiều nhà khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp
Ngày 18/5, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Việt Nam (18/5) và tôn vinh “Trí thức tiêu biểu về KH-CN tỉnh Bình Định” lần thứ IV năm 2022. Trong dịp này, có 59 trí thức được tôn vinh, nhiều hơn so với lần thứ III năm 2020 với 27 trí thức. Điều này khẳng định đội ngũ trí thức ở Bình Định không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.
Thực tế cho thấy, phong trào nghiên cứu khoa học ở Bình Định ngày càng lan tỏa, hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học đều có tính ứng dụng cao, đi vào cuộc sống thực tế với hiệu quả vượt trội. Trong đó, có nhiều trí thức được tôn vinh với những công trình nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Qua 4 đợt tôn vinh “Trí thức tiêu biểu về KH-CN tỉnh Bình Định”, đến lần thứ tư này, Bình Định mới có cá nhân đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-CN. Đó là ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ở xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước, Bình Định) với công trình nghiên cứu, chọn tạo 3 tổ hợp lai các giống gà ta Minh Dư Bình Định gồm các giống: MD1.BĐ, MD2.BĐ và MD3. BĐ. Đó là công trình mà ông Lê Văn Dư đã bỏ ra hơn 30 năm nghiên cứu, chọn tạo mới có được thành tựu hôm nay.
3 tổ hợp lai các giống gà ta của ông Lê Văn Dư đã được Bộ NN-PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; được Bộ KH-CN cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN cao và UBND tỉnh Bình Định chứng nhận gà giống Minh Dư đạt sản phẩm OCOP hạng 5 sao.
Hiện nay, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đang sở hữu tổng đàn gà giống 1,26 triệu con, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước 120 triệu con gà giống thương phẩm, trở thành nhà cung ứng giống gà ta số 1 Việt Nam. Không chỉ phát triển mạnh về con giống, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư còn ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và tự động hóa vào chăn nuôi.
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cũng có 2 cá nhân đạt 2 giải thưởng cao nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XII (2020 - 2021) được tôn vinh trong dịp này. Đó là ThS Tạ Thị Huy Phú cùng nhóm cộng sự đạt giải nhất với giải pháp “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới An Sinh 1399 ngắn ngày, phù hợp cơ cấu sản xuất và thích nghi với biến đổi khí hậu tại Bình Định” và ThS Trương Thị Thuận và nhóm cộng sự đạt giải nhì với giải pháp “Giống đậu phộng (lạc) mới LDH09 có khả năng chịu mặn, kháng bệnh héo xanh, phù hợp trên đất cát ven biển tại Bình Định”.
Những sản phẩm khoa học đi vào cuộc sống
Công trình khoa học của các cá nhân được tôn vinh “Trí thức tiêu biểu về KH-CN tỉnh Bình Định” lần thứ IV năm 2022 đã đi vào cuộc sống, mang đến cho nông dân những thành quả ngọt ngào. Hiện, các giống gà MD1-BĐ, MD2-BĐ và MD3-BĐ của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đã trở thành giống gà được nuôi phổ biến nhất ở Việt Nam và còn được tiêu thụ mạnh ở một số nước trong khu vực, tạo việc làm cho hàng chục nghìn người, giúp nông dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Những năm qua, Công ty TNHH Giống Gia cầm Minh Dư đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Bình Định, làm lợi cho xã hội 250 - 300 tỷ đồng/năm.
Còn giống đậu phộng LDH.09 là giống mới hoàn toàn, được tạo ra theo phương pháp chọn lọc phả hệ từ tổ hợp lai đơn, đã qua khảo nghiệm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định; khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống đậu phộng.
Song song với chọn tạo giống, nhóm nghiên cứu còn hoàn thiện quy trình canh tác cho giống đậu phộng LDH.09 trên đất cát ven biển. Việc thực hiện đồng bộ giống mới và quy trình canh tác phù hợp giúp LDH.09 tăng năng suất 15%, giảm chi phí, nước tưới. Ưu điểm lớn của giống đậu phộng LDH.09 là có khả năng chịu mặn, kháng bệnh héo xanh tốt hơn so với các giống đậu phộng khác.
Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm tỉnh Bình Định có khoảng 400 ha đất canh tác sử dụng giống đậu phộng LDH.09, tập trung chủ yếu tại các xã ven biển như: Cát Hải, Cát Tài, Cát Hanh (huyện Phù Cát), xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ)... năng suất bình quân đạt trên 35 tạ/ha, cao hơn khoảng 16,5% so với giống đậu đối chứng.
Ngoài ra, LDH.09 là giống chịu mặn, khối lượng quả lớn, hạt lớn, đáp ứng đúng tiêu chuẩn phân khúc thị trường lạc ăn tươi. Đây là một trong những ưu điểm của giống lạc LDH.09 so với các giống khác. “Giống đậu phộng LDH.09 thích hợp với chân đất cát, nhiễm mặn của huyện Phù Cát. Mở rộng diện tích trồng đậu phộng với giống LDH.09 là 1 trong những định hướng phát triển sản xuất của huyện”, ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho biết.
Giống lúa An Sinh 1399 (ANS1) ngắn ngày của ThS Tạ Thị Huy Phú cùng cộng sự có năng suất trung bình trong 2 vụ chính đạt từ 66,5 - 73,5 tạ/ha và cao hơn năng suất bình quân của đại trà từ 2,9 - 4,4%. Đây là giống lúa nông dân nhiều địa phương đang tin tưởng sản xuất đại trà để thay thế cho những giống cũ đã thoái hóa. Những năm gần đây, diện tích gieo trồng giống lúa An Sinh 1399 ước tính hàng năm khoảng 10.000 ha...
Theo ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, mỗi năm, tỉnh này có trên 20 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp bộ và một số dự án cấp nhà nước được thực hiện. Đó là chưa kể nhiều đề tài cấp cơ sở và trên 200 sáng kiến được áp dụng, nhiều công nghệ mới được ứng dụng, chuyển giao trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế…, góp phần ứng dụng và đem lại hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập người dân trên địa bàn tỉnh.
“Đối với sản xuất nông nghiệp, các đề tài nghiên cứu đã cho ra những giống lúa mới, giống cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày thay thế các giống cũ; nghiên cứu chọn các giống gia súc, gia cầm hiệu quả kinh tế cao, kháng bệnh tốt; ứng dụng quy trình sản xuất giống, kỹ thuật ươm và nuôi thương phẩm một số giống thủy sản mới.
Trong đợt tôn vinh trí thức tiêu biểu về khoa học và công nghệ lần thứ IV này, có những nét khác biệt so với 3 lần tôn vinh trước đây. Đó là lần đầu tiên cả 5 nhóm tiêu chí xét chọn đều có trí thức được tôn vinh, đặc biệt trong đó có trường hợp đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-CN”, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh giá.