Tại tỉnh Lào Cai, mưa đá đã làm 82 nhà bị tốc mái, vỡ ngói tại huyện Bắc Hà, trong đó có khoảng 49 nhà bị hư hỏng trên 50% mái ngói. Một số diện tích cây trồng tại các huyện như Si Ma Cai, Bắc Hà bị ảnh hưởng.
Ngay sau khi nhận được thông tin về thiệt hại, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai và thông tin trên hệ thống truyền thanh cơ sở những diễn biến mới nhất về thời tiết để người dân chủ động các biện pháp phòng, tránh các hiện tượng cực đoan của thời tiết gây ra.
Dông lốc, mưa to kèm mưa đá cũng xảy ra vào nửa đêm 17/3 đã làm nhiều diện tích hoa màu ở huyện Lục Yên (Yên Bái) bị thiệt hại, một số nhà ở của hộ gia đình bị tốc mái.
Do mưa to, mực nước tại các con suối dâng cao đã làm tuyến tỉnh lộ 171 Khánh Hòa- Minh Xuân, đoạn qua ngầm tràn thôn 10 xã Minh Xuân ngập úng cục bộ nhiều giờ, gây khó khăn trong việc di chuyển của các phương tiện giao thông.
Huyện Lục Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê thiệt hại, huy động lực lượng tham gia giúp đỡ, khắc phục. Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng công an điều tiết giao thông trên tuyến tỉnh lộ 171 để đảm bản an toàn về người và tài sản.
Mưa đá kèm giông lốc cũng quét qua các xã vùng thượng huyện Yên Bình: Phúc Ninh, Ngọc Chấn, Mỹ Gia, Yên Thành của huyện Lục Yên.
Trận giông lốc kèm theo mưa đá, có nhiều viên đá to bằng quả trứng gà đã làm 56 ngôi nhà bị tốc mái hư hỏng nặng; 6 phòng học, nhà công vụ, bếp ăn của Trường Tiểu học và THCS xã Phúc Ninh, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Yên Thành bị tốc mái 100%; Bưu điện văn hóa xã Phúc Ninh bị tốc mái, hỏng mái hoàn toàn.
Về sản xuất nông nghiệp, thiệt hại hơn 10 ha ngô bị giập nát, gãy đổ ở hai xã Phúc Ninh, Ngọc Chấn, sét đánh chết 1 con lợn nái và đàn gà của một gia đình ở xã Cảm Ân. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 500 triệu.
Tại Tuyên Quang đã có 15 nhà dân bị tốc mái; 113 ha lúa, 46 ha ngô, rau màu, 2,5 ha cam của người dân ở các huyện Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, bị thiệt hại.
Đặc biệt tại một số nơi như xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn; thành phố Tuyên Quang; xã Bình An, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình; xã Sơn Phú, Đà Vị, huyện Na Hang đã xảy ra mưa đá với mật độ thưa, hạt nhỏ, đường kính hạt đá xấp xỉ 0,5cm.
Ông Bùi Chí Thanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang cho biết, UBND các huyện Hàm Yên, Lâm Bình, Na Hang đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, phụ trách xuống các xã bị thiệt hại thống kê thiệt hại, huy động lực lượng hỗ trợ các hộ bị tốc, thủng mái; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã hướng dẫn nhân dân các biện pháp, kỹ thuật chăm sóc diện tích hoa màu bị ảnh hưởng để cây trồng phục hồi, đảm bảo kịp mùa vụ.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh bị thiệt hại bởi mưa đá, dông lốc khẩn trương thống kê thiệt hại và tập trung khắc phục hậu quả, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.
Các địa phương thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa thông tin kịp thời đến người dân và cộng đồng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp với mưa, dông lốc, sét và mưa đá.