Tranh chấp giữa chủ hàng
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều xe nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị mắc kẹt nhiều ngày, dẫn đến chi phí bến bãi và các dịch vụ đi kèm trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở phía Trung Quốc gây khó dễ hay cơ quan chức năng Việt Nam làm việc không hiệu quả. Các xe nông sản mắc kẹt chủ yếu do tranh chấp hợp đồng giữa chủ hàng hai nước.
“Nếu doanh nghiệp hai nước có ký kết hợp đồng từ trước, thường sẽ không xảy ra vấn đề gì. Phía doanh nghiệp Trung Quốc họ cũng rất coi trọng uy tín. Việc mắc kẹt thường là do thương lái Việt Nam xuất hàng sang với dạng tự do, đem “treo” ở chợ với hy vọng được giá cao, không bị ràng buộc bởi hợp đồng”, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hơn 10 năm kinh doanh ở Lạng Sơn cho biết.
Số liệu từ Thư trả lời của chính quyền thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào tháng 7 cho thấy, cao điểm về ùn ứ ở cửa khẩu, cho biết có những xe hàng tồn từ tháng 4 tới tháng 7 chưa thể quay đầu. Phía Trung Quốc thống kê có xe chở xoài, mít, cá khô, bị kẹt lại 3 tháng, đều do tranh chấp giữa chủ hàng hai nước.
Trung Quốc hồi âm thông tin “chi phí đắt đỏ”
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, vài tháng qua, không ít doanh nghiệp phía Việt Nam phản ánh phải tốn nhiều chi phí cho các dịch vụ liên quan khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cụ thể, các loại chi phí như: "phí thuê xe là 1.100 NDT, phí kéo xe là 325 NDT, phí qua đêm là 200 NDT, phí làm mát là 350 NDT, phí trả xe là 300 NDT, phí đỗ xe 350 NDT, phí xe 535 NDT, phí kiểm dịch 330 NDT, bảo quản lạnh ngoài bãi 300 NDT, đóng gói 1.105 NDT và các khoản phí liên quan khác.
Hồi đáp thông tin này, chính quyền thành phố Bằng Tường cho biết: “Con số cụ thể về các chi phí nêu trên là đúng và đều được thu phí dịch vụ kinh doanh điều tiết theo thị trường, đồng thời không vi phạm các quy định pháp luật liên quan về giá, không có hiện tượng giá quá cao”.
Chính quyền thành phố Bằng Tường cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng các biện pháp giảm giá, tối ưu hóa các dịch vụ thông quan cửa khẩu nhằm thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển thương mại xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp thông quan dịp cuối năm
“Hai tháng cuối năm thường sẽ là lúc xe nông sản dồn dập lên cửa khẩu. Một số xe từ các tỉnh khác có cửa khẩu với Trung Quốc nhưng không thông quan được, hoặc thông quan chậm, cũng sẽ dồn sang Lạng Sơn. Không có sự chuẩn bị thì sẽ thành gánh nặng cả với doanh nghiệp, nông dân và cơ quan quản lý”, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cho biết.
Theo ông Duy, từ đầu năm 2022, Trung Quốc tiếp tục kiên định chính sách “Zero Covid” và nhiều thời điểm tình hình dịch bệnh của nước ta và của tỉnh, cũng như các địa phương phía Quảng Tây diễn biến phức tạp, nên phía Trung Quốc đưa ra các yêu cầu rất cao đối với công tác phòng chống dịch trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Có thời điểm, Trung Quốc tạm dừng thông quan tại nhiều cửa khẩu phụ, thường xuyên thay đổi các phương thức giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu... Vì vậy, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu.
Xử lý tình huống khi đó và chuẩn bị cho dịp cuối năm, từ 01/6/2022, Lạng Sơn đã thiết lập “vùng xanh” phục vụ xuất khẩu và phòng chống Covid-19 tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma. Từ ngày 01/8/2022 đến nay cơ bản hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đều được thông quan hết trong ngày, hàng tồn cuối ngày rất ít (chủ yếu là các xe lên muộn, không kịp thông quan), thậm chí nhiều thời điểm không có hàng tồn.
Khâu quan trọng nhất, theo ông Duy là doanh nghiệp hai nước cần sớm thống nhất hợp đồng kinh tế. Với tinh thần chia sẻ cả lợi ích và rủi ro, nếu hợp đồng được ký kết sớm và tuân thủ nghiêm túc, tình hình thông quan sẽ thay đổi rõ rệt.
Chia sẻ về những cải thiện đã đạt được trong thời gian qua, ông Phạm Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ xuất nhập khẩu Long Sơn (Lạng Sơn) cho biết, sau những cải cách hành chính trong thủ tục thông quan, cả thời gian và tiền bạc đều giảm đi rất nhiều, thời gian để chúng tôi thông quan 1 lô hàng đã nhanh hơn.
"Nói chung thủ tục bây giờ không rườm rà như xưa, nhanh và rút gọn được rất nhiều thứ, đẩy tiến độ thông quan rất nhanh, nhất là trong khâu tờ khai kiểm dịch thực vật", ông Sơn nói.
Theo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), trong lĩnh vực cải cách hành chính, đơn vị này chú trọng vào các dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, hàng nhập khẩu được thực hiện trên hệ thống 1 cửa quốc gia, còn đối với hàng xuất khẩu được thực hiện trên phần mềm PQS của Cục Bảo vệ thực vật.
Các phần mềm thường xuyên được nâng cấp, cải thiện đáp ứng tốt nhu cầu của thực tiễn. Nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng đều được Cục BVTV hỗ trợ và giải quyết một cách kịp thời.
Trong thời gian tới, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 xác định, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt tiếp tục triển khai xây dựng cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng thời, tăng cường phổ biến, quán triệt, tổ chức các chương trình của Bộ NN-PTNT về cải cách hành chính và thực hiện kết nối Cổng thông tin Một cửa Quốc gia. Từ đó, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản của nước ta phát triển.