Cải cách hành chính tốt sẽ tạo dư địa tăng trưởng
Nhận định tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính Quý III/2022 cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, các mục tiêu tăng trưởng của ngành đã đạt được nhiều thành tích tốt, nhưng cải cách hành chính vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Và không ai khác chính chúng ta phải tự tháo gỡ các khúc mắc đó, tạo môi trường thuận lợi minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển.
Thứ trưởng đánh giá, đây là thời điểm khó khăn, thách thức đối với thế giới và Việt Nam, nhưng đồng thời cũng chính là thời cơ. Do đó, 4 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp không những trụ vững mà còn tăng trưởng tốt, xuất khẩu tăng 15%, thặng dư thương mại nông nghiệp tiếp tục tăng.
Cuối tháng 9 vừa qua, Mỹ đã thông báo Việt Nam được xuất khẩu cá tra chế biến chưa chín vào thị trường này, đã có 16 doanh nghiệp đăng ký, nhưng thực tế chỉ còn có 13 doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng, nếu chúng ta không phát huy được sẽ rất đáng tiếc. Vì vậy, cải cách hành chính là vấn đề rất quan trọng, tạo dư địa cho tăng trưởng hơn nữa. Trước mắt, các đơn vị cần phải thống nhất nhận thức và hành động.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong 3 quý vừa rồi, công tác chỉ đạo sản xuất đã được tích cực thực hiện nhưng việc ban hành văn bản cải cách hành chính vẫn còn nhiều bất cập nên các đơn vị cần tập trung đôn đốc để đảm bảo các tiêu chí đề ra. Bởi, cải cách hành chính tốt sẽ tăng dư địa phát triển và tăng trưởng của ngành.
“Các kết quả tăng trưởng, xuất khẩu dù ấn tượng nhưng không phải tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính mà là mức độ hài lòng của người dân, của doanh nghiệp, hợp tác xã. Nếu cải cách hành chính tốt nữa kết quả tăng trưởng sẽ còn lớn hơn nhiều ý nghĩa hơn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Cải cách hành chính Bộ NN-PTNT, về kết quả thực hiện công tác Quý III, tính đến hết tháng 9, Bộ đã hoàn thành 70% kế hoạch cải cách hành chính. Cụ thể, về cải cách thể chế, trong Quý III Bộ phải trình Chính phủ 03 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 09 Thông tư. Kết quả trong quý III, Bộ đã trình Chính phủ 2/3 dự thảo Nghị định và 1/2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 10 Thông tư.
Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ đã đánh giá, góp ý, cho ý kiến đối với 68 thủ tục. Kiểm soát chất lượng công bố đối với 38 thủ tục thuộc lĩnh vực bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thủy lợi, thuỷ sản, lâm nghiệp, trồng trọt, khoa học công nghệ và môi trường. Tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ là 364 thủ tục; trong đó số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ NN-PTNT: 229 thủ tục, cấp tỉnh: 106 thủ tục, cấp huyện: 16 thủ tục, cấp xã: 11 thủ tục, cơ quan khác: 04 thủ tục.
Về thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Bộ đã thực hiện đơn giản hóa 20/149 quy định tại 07/12 văn bản Quy phạm pháp luật; còn 129/149 quy định đang làm thủ tục bãi bỏ theo quy định.
Về Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ NN-PTNT đã triển khai thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi, tiếp nhận, đôn đốc, công khai phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống phản ánh kiến nghị, Cổng dịch vụ công quốc gia; Theo dõi, giám sát việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ.
Phối hợp, minh bạch đảm tiến độ, chất lượng cải cách hành chính
Theo bà Ngô Thị Tuyết, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, tính đến nay, các đơn vị bám sát kế hoạch xây dựng văn bản của Bộ để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ. Trong Quý III các văn bản trình về cơ bản đảm bảo đúng tiến độ: Nghị định (02/03 văn bản, trình đúng tiến độ đạt tỷ lệ 66,7%.); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (01/02 văn bản, chiếm 50% nhưng chậm tiến độ); Thông tư của Bộ trưởng (8/9 văn bản trình đúng tiến độ chiếm tỷ lệ 88,8%).
Các nhiệm vụ khác trong nội dung về cải cách thể chế như: Rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật do Vụ Pháp chế làm đầu mối thực hiện, vẫn đảm bảo tiến độ thực hiện theo kế hoạch đã ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản trình chậm tiến độ, chủ yếu là các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ chủ trì soạn thảo.
Về nguyên nhân để xảy ra trình trạng chậm tiến độ cải cách hành chính, Vụ Pháp chế cho rằng, một số văn bản (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ chủ trì soạn thảo trong một thời gian rất ngắn, ví dụ: các văn bản được giao trong Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 29/12/2021, Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ khi Bộ nhận được nhiệm vụ thì đã hết thời hạn trình Thủ tướng.
Trong khi đó, nội dung của các văn bản này rất phức tạp, cần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và địa phương có liên quan; tổ chức việc đánh giá tác động chính sách; lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Mặc dù các đơn vị được Bộ giao chuẩn bị dự thảo đã rất tích cực, chủ động triển khai, tuy nhiên thời hạn trình đã hết ngay khi nhận được quyết định phân công. Do đó, dẫn đến việc chậm tiến độ trình theo kế hoạch.
Do đó, Vụ pháp chế kiến nghị, lãnh đạo Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ trình, ban hành các văn bản đúng tiến độ theo kế hoạch đã được ban hành tại Quyết định số 2873/QĐ-BNN-PC, Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 và những văn bản trong Chương trình làm việc của Chính phủ.
Theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, mặc dù các đơn vị đã tập trung và từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc Bộ. Tuy nhiên, công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn còn một số tồn tại, bất cập.
Theo đó, việc thẩm định đề cương, dự toán còn chậm, không đồng bộ giữa các đơn vị. Các quyết định đã phê duyệt, số lượng tiêu chuẩn Quốc Gia (TCVN), Quy chuẩn Quốc gia (QCVN) hoàn thành trong 6 tháng đầu năm đạt thấp (36,6%). Để hoàn thành như đã phê duyệt, sáu tháng cuối năm đòi hỏi các đơn vị phải tập trung và quyết liệt hơn; Hoàn thiện sau thẩm định để công bố còn chậm, toàn bộ 65 TCVN đã được cấp số hiệu vẫn chưa có quyết định công bố của Bộ KH&CN.
Từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, Bộ đã có 4 công văn hướng dẫn, đôn đốc nhưng đến tháng 9/2022 ngoại trừ 17/QCVN do Cục Chăn nuôi phụ trách, còn lại 48 QCVN năm 2022 và 62 QCVN năm 2024 thuộc trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật vẫn chưa gửi đi thẩm định hủy bỏ tại Bộ KH&CN. (Tổng cục Thủy sản: 01 QCVN trước ngày 31/12/2022 và 07 QCVN trước ngày 31/12/2024, Cục Trồng trọt: 45 QCVN trước ngày 31/12/2022 và 03 QCVN trước ngày 31/12/2014, Cục Chăn nuôi: 19 QCVN trước ngày 31/12/2022, Cục Bảo vệ thực vật: 52 QCVN trước ngày 31/12/2024).
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã phê bình các đơn vị để xảy ra tình trạng chậm trễ trong cải cách hành chính. Hiện số lượng thủ tục hành chính cần phải cắt giảm còn nhiều, các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn tồn tại với số lượng lớn. Do đó, các đơn vị cần tập trung thực hiện, đặc biệt là chuyển đổi số Một cửa Quốc gia cần tập trung hết thời lượng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị cần tập trung tạo môi trường thực sự công khai minh bạch, việc rà soát các thủ tục từ vụ tổ chức cho đến các nghị định cần làm sớm, làm nhanh, tích cực chủ động phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ, loại bỏ tư tưởng ỷ lại.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thủ trưởng các đơn vị cần chung sức chung lòng vì sự phát triển của ngành của Bộ NN-PTNT trong quá trình cải cách hành chính. Các đơn vị cần phải khắc phục, chuyển biến tích cực trong đổi mới tác phong làm việc, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ hướng đến mục tiêu chung.