Thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt
Hiện nay, tại Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất làm việc, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất; tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Nhận thức rõ điều này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tập đoàn VNPT phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về nông nghiệp. Đây là bước đi quan trọng của ngành để gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường, giúp cho việc cập nhật, kết nối, chia sẻ thông tin nhanh chóng và tiện lợi. Chuyển đổi số ngành nông nghiệp được xây dựng dựa trên 3 trụ cột gồm: Bộ số; kinh tế nông nghiệp số; nông thôn và nông dân số.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, Bộ NN-PTNT tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số đối với 2 lĩnh vực là chăn nuôi và trồng trọt. Ngày 15/6 vừa qua, việc công bố hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chăn nuôi đã được thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi; chủ động kết nối về thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngày 19/8, trong lễ phát động "chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn", Bộ NN-PTNT đã công bố triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng.
Theo Cục Trồng trọt, hiện nay cả nước có trên 4,8 triệu ha diện tích cây lâu năm, trong đó cây ăn quả 1,17 triệu ha, cây công nghiệp 2,2 triệu ha, diện tích canh tác lúa 3,9 triệu ha, thanh long hơn 64.000 ha…
Tại nhiều địa phương đã và đang hình thành các vùng sản xuất với sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã với nhà máy chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, nhiều vùng đã được cấp mã số định danh để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản.
Tuy nhiên, việc triển khai cấp mã số vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường, nhất là trước nhu cầu đỏi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải đẩy nhanh việc chuyển đổi số lĩnh vực trồng trọt.
Bà Trần Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết: Được sự đồng ý của Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Tập đoàn VNPT tổ chức thực hiện thí điểm hệ thống CSDL quốc gia về trồng trọt, với địa chỉ website csdltrongtrot.mard.gov.vn, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn sản xuất và nhu cầu công tác quản lý theo Luật Trồng trọt.
Hệ thống CSDL quốc gia về trồng trọt sẽ là nền tảng để tạo sự kết nối chủ động, chia sẻ thông tin hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt. Hệ thống này sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời các dữ liệu về trồng trọt như: Dữ liệu về danh mục giống lưu hành, giống cây trồng được bảo hộ, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, văn bản quy phạm pháp luật, vùng trồng...
Giải bài toán cấp, quản lý mã số vùng trồng
Song hành với việc Bộ NN-PTNT ra quyết định về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng cho các địa phương, trong CSDL quốc gia về trồng trọt, Cục Trồng trọt đã tích hợp hệ thống CSDL quốc gia cấp, quản lý mã số vùng trồng.
Theo bà Trần Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, hệ thống này cho phép thiết lập mã số vùng trồng cho các cơ sở sản xuất trên phạm vi cả nước; cung cấp nền tảng cấp, quản lý mã số vùng trồng trực tuyến với quy trình từ đăng ký, xác minh và cấp mã số vùng trồng một cách nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó là ghi chép nhật ký điện tử; khai thác cơ sở dữ liệu vùng trồng cho các mục đích khác nhau như xây dựng chính sách, chỉ đạo sản xuất, điều tiết, kết nối cung cầu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dự tính, dự báo, theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản...
Đây là cơ sở quan trọng giúp ngành trồng trọt ổn định sản lượng, kiểm soát chất lượng, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Bà Hòa thông tin thêm: Việc hoàn thành và đưa hệ thống CSDL quốc gia về trồng trọt và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng vào khai thác, thể hiện quyết tâm và nỗ lực lớn của Bộ NN-PTNT nói chung, Cục Trồng trọt nói riêng trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Trước đây, khi cơ sở dữ liệu về trồng trọt chưa đưa về một mối thì người dân, doanh nghiệp, kể cả cơ quan quản lý khi có nhu cầu sẽ phải liên hệ trực tiếp với các đầu mối của Cục Trồng trọt để được hỗ trợ. Tuy nhiên, hệ thống CSDL đi vào hoạt động, người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuộc Bộ, địa phương chỉ cần đăng nhập vào hệ thống là có thể tra cứu được nội dung thông tin như mình mong muốn. Điều này ngoài việc giúp công tác quản lý, thông tin thống nhất, xuyên suốt còn giúp rút ngắn thời gian, công sức, chi phí...
Đối với hệ thống CSDL quốc gia cấp, quản lý mã số vùng trồng, người dân, doanh nghiệp sẽ đăng ký online; khi đăng nhập vào hệ thống sẽ biết được chính xác vườn nào trồng cây trồng gì, sản lượng dự kiến, thời gian thu hoạch, nhu cầu của mình đối với từng loại cây trồng... từ đó sẽ định hướng được thị trường và phục vụ cho hoạt động quản lý.
Để tạo thuận tiện trong quá trình hoạt động, ngoài website, Cục Trồng trọt đã phối hợp với VNPT xây dựng App trên điện thoại để các đơn vị có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, khai thác thông tin, vận hành hệ thống CSDL.
Hiện tại, Cục Trồng trọt đã đưa hệ thống CSDL cấp, quản lý mã số vùng trồng vào vận hành thử nghiệm tại một số địa phương. Sau khi chạy thử, Cục sẽ cùng với VNPT tập hợp những phản hồi, đánh giá, góp ý từ các địa phương để tiếp tục hoàn thiện hệ thống.
Sau đó, Cục sẽ cùng cán bộ kỹ thuật của VNPT tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cách thức vận hành hệ thống cho cơ quan chuyên môn các tỉnh, người dân, doanh nghiệp để triển khai đồng bộ trên 63 tỉnh thành.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cập, quản lý mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc định danh nông sản Việt, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường trong và ngoài nước, mang lợi ích cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi hệ thống đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. Điển hình nhưtheo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm tại nguồn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; hỗ trợ, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác.