| Hotline: 0983.970.780

Nhịp sống miền Tây giữa đỉnh điểm hạn mặn: [Bài 2] Nước ao cũng có giá 50.000 đồng/m3

Thứ Sáu 15/03/2024 , 08:50 (GMT+7)

Bến Tre Hàng loạt nhà máy nước bị mặn tấn công, người dân dùng nước máy để tắm rửa là bị ngứa. Có nơi bà con phải mua nước ngọt trong ao với giá 50.000 đồng/m3.

Người dân đến lấy nước đã qua hệ thống lọc R.O tại nhà máy nước Long Định. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân đến lấy nước đã qua hệ thống lọc R.O tại nhà máy nước Long Định. Ảnh: Minh Đảm.

Tắm nước máy là bị ngứa

Ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại xã Giao Long, huyện Châu Thành, sáng 14/3, người dân địa phương cho biết, nguồn nước máy do Công ty Cổ phần Cấp nước sinh hoạt Châu Thành cung cấp đã bị nhiễm mặn khoảng một tháng nay.

Độ mặn biến đổi liên tục theo thủy triều, nhưng về cơ bản không thể dùng để nấu ăn được. Nhờ công tác thông tin tuyên truyền của địa phương nên trước khi nước mặn xâm nhập sâu, người dân địa phương đã chủ động trữ nước mưa, nước máy và nhiều người đang sử dụng nguồn nước này.

Có điều kiện trữ được mấy lu lớn nước mưa nên gia đình ông Phạm Văn Thoại ở ấp Hòa Long, xã Giao Long vẫn có đủ nguồn nước để tắm gội, giặt giũ, nấu ăn trong mùa khô hạn này. “Nước máy vẫn bị mặn, buổi tối thì hơi nhạt. Cách đây 1 tuần tắm được, bây giờ tắm là ngứa. Từ nhà ra đầu lộ là có trạm cấp nước miễn phí nhưng gia đình chưa cần sử dụng, mình có nguyên hồ đầy, đủ dùng để tắm đến hết mùa khô”, ông Thoại cho biết.

Người dân Bến Tre trữ nước ngọt, nước mưa trong lu. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân Bến Tre trữ nước ngọt, nước mưa trong lu. Ảnh: Minh Đảm.

Tuy nhiên, ở địa phương còn nhiều hộ dân không có điều kiện trữ được nhiều nước nên rất thiếu, đặc biệt là đội ngũ công nhân lao động đang làm việc gần khu công nghiệp Giao Long.

Sáng ngày 14/3, ở một trạm cấp nước ngọt miễn phí của Công ty Cấp nước sinh hoạt Châu Thành (ấp Long Hòa), bà Trần Thị Thu Trang - một người dân địa phương, đang lúi húi bơm đầy can nhựa 30 lít cất lên chiếc xe đạp dắt bộ về nhà.

Bà Trang nói, bây giờ nước máy nó mặn lắm, xài không được. Đầu mùa khô có hôm nước bị mặn, có hôm không bị, nhưng chừng nửa tháng nay nước mặn nhiều lắm, không có lúc nào ngọt hết trơn.

Gần một tuần nay, Công ty Cấp nước sinh hoạt Châu Thành mới đặt các trạm cấp nước dã chiến như thế này để bà con đến lấy về nấu ăn, tắm gội. Dẫu phải dắt xe đạp đi lấy từng lít nước mỗi ngày nhưng bà Trang tỏ vẻ lạc quan bởi dẫu sao cũng đỡ hơn phải mua nước trong bình tốn kém.

Bà Trần Thị Thu Trang dắt xe đạp đi lấy nước ngọt. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Trần Thị Thu Trang dắt xe đạp đi lấy nước ngọt. Ảnh: Minh Đảm.

“Nhà tôi có bể hơn 2m3 xài mấy tháng hết rồi. Thùng phuy này mới có ở đây chưa được một tuần, hai ngày vừa qua phải đi xách nước đổ vào. Nước mặn mình chỉ rửa tay chân chứ, còn tắm rửa thì phải dội lại bằng nước ngọt. Mấy năm rồi mới tái diễn lại đợt mặn này”, bà Thu Trang nói.

Còn bà Nguyễn Thị Hiếu, một công nhân đang ở trọ tại ấp Long Thạnh, xã Giao Long cho biết, nước mặn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà. Nấu cơm thì mau thiu, nấu canh thì mặn chát ăn không được. Tắm gội thì ngứa ngáy không ngủ được. Chỉ dám dùng nước mặn để giặt đồ cũ, chứ đồ mới dùng để đi ăn tiệc thì tuyệt đối không được. "Mong nhà nước hỗ trợ để nước máy ngọt trở lại, người dân ăn uống tắm rửa thuận tiện hơn”, bà Hiếu kiến nghị.

Người dân đến lấy nước tại các điểm cấp miễn phí. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân đến lấy nước tại các điểm cấp miễn phí. Ảnh: Minh Đảm.

Còn tại huyện Bình Đại, nguồn nước sinh hoạt của người dân mấy xã Long Định, Long Hòa, Châu Hưng, Phú Thuận đều được cung cấp từ Nhà máy nước Long Định với công suất khoảng 90m3/giờ. Nguồn nước thô lấy từ đầu sông An Hóa tiếp giáp sông Tiền. Khoảng hơn một tuần nay, độ mặn nước mặt tăng cao nên nguồn nước sinh hoạt cho người dân ở đây đều bị mặn.

Ông Trần Văn Khoa, Trưởng khu vực Bình Đại thuộc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre cho biết: Hàng ngày đơn vị đều đo độ mặn 2 lần và báo cáo về Sở NN-PTNT và các địa phương để thông báo cho người dân biết. Độ mặn ngày 13/3 là 6,1‰, hôm nay giảm còn 5,4‰. Những ngày độ mặn cao, đơn vị nhận nguồn nước ở nhà máy nước Thới Lai (lấy từ nguồn sông Ba Lai, độ mặn thấp hiện chỉ 2,2‰) để hòa mạng vào đường ống của nhà máy nhằm giảm độ mặn.

Cũng theo ông Khoa, một tuần qua độ mặn cao nhất và kéo dài từ đầu mùa khô đến nay. Trước đó, đơn vị đã lọc dự trữ được 20 m3 nước sạch đạt chuẩn. Hiện, đang kích hoạt hệ thống lọc mặn R.O, công suất 2m3/giờ để bơm bổ cấp vào phuy dự trữ, phục vụ miễn phí cho bà con đến lấy về sinh hoạt. “Dự kiến ngày 18/3 sẽ chở nước ngọt bằng sà lan để cấp cho bà con”, ông Khoa vừa nói vừa chỉ tay về phía đường ống nước đang được chuẩn bị sẵn sàng phía trước cổng nhà máy.

Ông Trần Văn Khoa đang vận hành hệ thống lọc mặn R.O cấp miễn phí cho người dân địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Văn Khoa đang vận hành hệ thống lọc mặn R.O cấp miễn phí cho người dân địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Mua nước ao để rửa xe cũng mất 50.000 đồng/m3

Ông Võ Minh Tân tại ấp Long Thạnh, xã Long Hòa đứng cách nhà máy nước Long Định hơn 1km đang cặm cụi cho nước vào đầy 2 can nhựa (60 lít) và cất lên xe máy chở về dùng cho gia đình 4 người. Ông chia sẻ, nguồn nước này chủ yếu dùng để nấu ăn với tắm cho em bé, còn người lớn đành tắm nước mặn.

Hiện nay, nước mặt đã nhiễm mặn nên những người làm dịch vụ rửa xe máy ở địa phương phải thuê xe hoa lâm (xe ba gác) chở từ những ao chứa nước ngọt về. Mỗi phuy một m3 nước mất 150.000 đồng, trong đó tiền công xe chở là 100.000 đồng/chuyến, tiền phí cho chủ ao nước 50.000 đồng.

“Nước mặn giặt đồ xà bông không ra bọt luôn. Bây giờ thuê xe chở nước ngọt về rửa xe cho khách. Miễn xe đông rửa 2-3 ngày, còn ít thì ít lại. Giá tăng 5.000 đồng lên 30.000 đồng/chiếc. Mình cũng có nói với khách, họ cũng chịu. Này chỉ để rửa xe thôi, nấu ăn mình trữ nước mưa. Tắm rửa thì tắm nước mặn xong xối lại một ca. Mình xách vài thùng đem lên nấu ăn, hết xách nữa”, ông Phan Thành Hải, xã Long Hòa chia sẻ.

Tiệm rửa xe thuê xe máy chờ nước ngọt từ các ao chứa tại địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Tiệm rửa xe thuê xe máy chờ nước ngọt từ các ao chứa tại địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

“Nước này lấy trong hồ của người dân địa phương tích trữ. Tôi nhận chạy cho chủ ở các xã Long Hòa, Long Định từ 10 ngày nay, mỗi ngày 5-6 chuyến. Ở đây cũng có nhiều người chạy”, ông Phan Khắc Trinh, ấp Long An, xã Long Hòa, người chuyên chở thuê cho biết thêm.

Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre thông tin: Có 5 nhà máy gần sông lớn đang dùng sà lan chở nước ngọt về cấp bù vào đường ống từ 1 - 3 ngày mỗi tuần; còn lại các nhà máy ở khu vực nông thôn khác thì cấp qua hệ thống lọc mặn R.O tập trung cấp miễn phí cho người dân, tuy nhiên, hiện nay mới đầu mùa mặn nên số lượng người dân lấy nước qua R.O chưa nhiều.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết thêm: “Chúng tôi rất chú trọng 2 nhà máy nước lớn của tỉnh là Sơn Đông và An Hiệp. Tỉnh đã đắp đập Thành Triệu, giữ lượng nước rất lớn trong các lòng sông và canh khi nước ngọt ở sông Ba Lai có độ mặn thấp thì bơm liên tục vô chứa ở các dòng sông đó. Năm nay, để chủ động hơn tỉnh đắp thêm đập Cái Cỏ chứa thêm nước ở hai dòng sông nhánh. Chúng tôi đã chỉ đạo đối với các hệ thống cống canh nước tùy theo độ hạn mặn mà đóng mở hợp lý”.

Hiện toàn tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy nước sinh hoạt với công suất 250.000m3/ngày đêm. Nguồn nước thô nguyên liệu chủ yếu được lấy từ nước mặt trên các nhánh sông chính. Hiện, các khu vực huyện Chợ Lách, phía Bắc huyện Châu Thành, thành phố Bến Tre cơ bản không bị nhiễm mặn. Còn lại, các khu vực khác nước máy dùng cho sinh hoạt được cấp từ các nhà máy nước đã bị nhiễm mặn. Có 21 nhà máy nhiễm mặn dưới 0,5‰, 6 nhà máy nước nhiễm mặn từ 0,5 - 1‰, còn lại 40 nhà máy có độ mặn trên 1‰.

Đo mặn để lấy nước sinh hoạt. Ảnh: Minh Đảm.

Đo mặn để lấy nước sinh hoạt. Ảnh: Minh Đảm.

Ở thời điểm này, các đơn vị cấp nước chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch bơm lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, đồng thời cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý. Bên cạnh đó, các nhà máy nước cũng đã xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống lọc nước R.O để cấp nước cho người dân.

Thống kê của Sở NN-PTNT Bến Tre, đến ngày 11/3 độ mặn nước từ các nhà máy sau xử lý tại khu vực huyện Ba Tri dao động từ 0,1 – 2,4‰, khu vực huyện Bình Đại dao động từ 0,1 – 4,9‰, huyện Thạnh Phú từ 0,1 – 3,8‰, huyện Giồng Trôm từ 0,1 – 5,1%, huyện Mỏ Cày Bắc từ 0,1 – 4,0‰, huyện Mỏ Cày Nam từ 0,2 – 4,0‰, huyện Châu Thành từ 0,1 – 1,3‰. Một số các nhà máy nước tư nhân độ mặn đo được sau xử lý dao động 0,1 - 3,5‰.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Công trình cấp nước miền núi ở Khánh Hòa: Công nghệ lạc hậu, vận hành yếu kém

Phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Khánh Hòa hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng.