| Hotline: 0983.970.780

Nhọc nhằn giữ thương hiệu chè tuyết Shan

Thứ Năm 23/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Chè Shan tuyết nổi tiếng không chỉ có ở Suối Giàng, mà nhiều xã vùng cao ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) như xã Suối Bu, Suối Quyền, Nậm Mười, Nậm Búng, Gia Hội…

Những năm qua, huyện Văn Chấn đã vận động và hỗ trợ nhân dân chăm sóc, cải tạo và mở rộng diện tích chè nhưng để xây dựng, giữ vững thương hiệu chè tuyết Shan thì vẫn còn nhọc nhằn.

Tinh túy của trời đất

Có dịp lên Suối Giàng, huyện Văn Chấn thưởng thức trà vào sớm mai mới thấm hết vị của nó. Bên quán trà Sơn Tuyết nhìn sương dăng như chiếc khăn ủ ấm trên những nương chè tuyết Shan cổ thụ đang mỏng dần và trên cành của những gốc chè xù xì đã chi chít mầm non mập mạp, nhiều người bảo chỉ uống trà ở nơi đây mới thấy hết vị ngon của trà Suối Giàng quả không sai.

Ông Chủ tịch xã Sổng A Nủ cho biết: Xã Suối Giàng có hơn 420 ha chè kinh doanh. Năm 2014, xã thu hoạch gần 800 tấn chè búp tươi.

Với điều kiện tự nhiên khí hậu khá lạnh và việc thu hái bằng tay đã nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Giá trị và độ sạch của chè tuyết Shan đã được đông đảo khách hàng ưa chuộng, việc tiêu thụ chè rất thuận lợi, với giá trung bình thường cao gấp đôi các sản phẩm chè trung du, chè lai. Nhiều hộ thu về cả trăm triệu đồng.

Ông Giàng A Su, ở thôn Pang Cáng xã Suối Giàng cho biết: "Thời tiết năm nay chắc lại được mùa chè. Mọi người có vẻ không tin nhưng với kinh nghiệm nhiều năm thì tôi khẳng định. Cây chè tuyết Shan ở đây mấy năm mới ra hoa, kết quả rộ. Năm nào hoa chè nở rộ thì năm sau ắt nhiều quả nhưng sản lượng thì lại giảm. Năm nay hoa ít, lộc nhiều ấy là điềm mừng".

Nhà ông không trồng được nhiều chè tuyết Shan lắm nhưng thấy đời sống bà con ở bản nhờ cây chè mà khấm khá lên và cây chè tuyết Shan Suối Giàng ngày càng khẳng định vị thế là vui rồi.

Còn theo ông Sổng A Nủ: Đối với dân tộc Mông Suối Giàng, điều quan trọng đó là những tinh túy của trời của đất ban phát cho cây chè của người Mông, giờ đây người dân còn vui hơn khi chè Suối Giàng đã trở thành thương hiệu, được dán nhãn hiệu chứng nhận toàn quốc. Nhờ chè mà người dân Suối Giàng hôm nay đã khấm khá.

Giữ thương hiệu 

Cách đây 20 năm, ở các xã vùng cao, vùng thượng huyện Văn Chấn như xã Suối Quyền, Nậm Mười, Nậm Búng và Gia Hội, cây chè tuyết Shan được huyện Văn Chấn đưa vào trồng.

Nhưng cũng 20 năm qua sản phẩm chè của các xã này chưa được biết đến, để bán ra thị trường sản phẩm chè vẫn phải núp bóng chè Shan Suối Giàng hay bán sản phẩm chè thô cho các thương gia Đài Loan.

Theo lãnh đạo huyện Văn Chấn, trước khi xây dựng được thương hiệu chè cho mình thì huyện phải xây dựng được vùng nguyên liệu chè. Huyện Văn Chấn đã triển khai đề án hỗ trợ nhân dân vùng cao trồng 500 ha chè tuyết Shan, thử nghiệm mô hình trồng chè bằng phương pháp giâm cành và gieo hạt để so sánh hiệu quả rút kinh nghiệm thực hiện.

Trên cơ sở điều kiện khí hậu và tập quán canh tác của từng địa phương và từng thời điểm để hỗ trợ nhân dân giống chè Shan giâm cành, hay giống chè trồng hạt, giúp nhân dân trồng mới và trồng cải tạo mỗi năm từ 50 – 100 ha.

Bà Phạm Thị Thân, thôn Hải Chấn, xã Gia Hội chia sẻ: Gia đình hiện có trên 6.000 m2 chè tuyết Shan. Năm 2014 gia đình thu được gần 6 tấn, giá trị đạt hơn 40 triệu đồng. Nói chung cây chè là cây trồng có giá trị nên bà con rất quan tâm chăm sóc và mở rộng diện tích.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn cho biết thêm, cả huyện hiện có trên 1.300ha chè Shan, năng suất bình quân đạt 1,5 tấn – 2 tấn/ha, giá chè tuyết Shan lúc nào cũng cao gấp đôi, gấp 3 so với chè trung du. Giá trị cao cùng thị trường tiêu thụ ổn định nên người dân rất chú trọng chăm sóc và bảo vệ.

Dù để phát triển tự nhiên hay chăm bón thì hầu hết các diện tích chè tuyết Shan đều được thu hái bằng tay. Chè hái bằng tay, sao bằng chảo gang để giữ được cánh chè đẹp, hương vị đậm đà sẽ khẳng định thương hiệu của mình. 

Những người trồng chè ở huyện Văn Chấn vẫn chưa quên được bài học xương máu trước kia: Cơn bão chè vàng, chè bẩn đi qua, người làm chè ở Văn Chấn đã thấm dần những thiệt hại do chạy theo lợi nhuận trước mắt, giờ họ chuyên tâm vào phát triển chè. Giờ đây, người dân ai cũng hiểu, chất lượng của các sản phẩm chè mới làm nên thương hiệu của vùng chè lớn nhất nhì tỉnh Yên Bái.

Chủ trương của huyện Văn Chấn là giữ vững ổn định vùng nguyên liệu chè cũng như cơ sở chế biến. Trước mắt, huyện ưu tiên việc trồng cải tạo các giống chè Shan ở vùng cao và các giống chè lai chất lượng cao ở vùng thấp.

Huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, của trung ương bảo vệ và phát triển nhãn hiệu chè Shan Suối Giàng, quy hoạch và xây dựng một số vùng nguyên liệu chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè.

Cây chè tuyết Shan và người làm chè vẫn luôn mong ước xây dựng, giữ vững được thương hiệu chè để khẳng định sức sống và giá trị cây chè Tây Bắc.

Xem thêm
'Bão' giá lợn càn quét: [Bài cuối] Các nước xoay xở ra sao?

Giá thịt lợn biến động, nhiều quốc gia triển khai chiến lược điều chỉnh đàn, phát triển vacxin - những bài học đáng tham khảo cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Cùng sinh viên kiến tạo con đường nông nghiệp hạnh phúc

THÁI NGUYÊN Ngày 2/4, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Tân Long với nhiều nội dung nội dung quan trọng, hỗ trợ sinh viên phát triển.

Ông Đỗ Vinh Quang làm Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines

Mới đây, tại TP.HCM, Vietravel Airlines tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2025.

39% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP.HCM vẫn ‘khát vốn’

TP.HCM Quý I/2025, có tới 39% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn kinh doanh, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng duy trì và mở rộng hoạt động.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.

Bình luận mới nhất