Tết đang cận kề, những dải đất nơi cao nguyên Mộc Châu và huyện Vân Hồ (Sơn La) khoác lên mình một không khí nhộn nhịp đầy màu sắc. Dọc quốc lộ 6, các lều bạt dựng lên từ hơn một tháng trước để bày bán các loại cây cảnh Tết, đặc biệt là đào. Trong tiết trời giá lạnh của miền núi, sự ấm áp và sôi động ở các điểm bán hoa, cây cảnh Tết đã tô điểm cho bức tranh ngày xuân thêm phần rực rỡ.
Từ đầu tháng Chạp, người dân các bản làng xa xôi trên cao nguyên đã bắt đầu chuẩn bị cho mùa Tết. Những cây đào được chăm sóc cẩn thận suốt cả năm, chờ đến dịp này để khoe sắc. Chị Vàng Thị Lan, một người bán đào tại Vân Hồ, chia sẻ: "Cây đào này được chọn lựa từ mùa xuân trước, cả năm bón vén cho hoa Tết." Việc chọn lựa những cành đào có tán đều, hoa hồng nhạt được bà con đặc biệt chú trọng, nhằm mang đến cho khách hàng những sản phẩm đẹp nhất.
Sáng sớm trên cao nguyên, những lều bạt nằm dài trong sương sớm, tạo nên khung cảnh mờ ảo và thơ mộng. Người dân dựng lều, chặt những cây đào lên giá tre, tổ chức chợ như một khu phố nhỏ.
"Đào nhà trồng là đào ta, không chỉ đẹp bởi hoa mà còn mang đậm tâm huyết và sự chăm sóc tận tình của người dân". Những lời mời chào chân thành cùng với nụ cười hiền hậu của người dân nơi đây khiến du khách cảm nhận được sự ấm áp giữa tiết trời giá lạnh.
Dù thời tiết giá lạnh, người dân vẫn kiên trì bám trụ bên những lều bạt, chăm sóc từng cành đào, và bán thêm các loại nông sản khác do họ tự sản xuất. Họ tin rằng, với sự chăm chỉ và tâm huyết, những sản phẩm của mình sẽ mang lại niềm vui và may mắn cho mọi người trong dịp Tết.
Không khí Tết tại Mộc Châu và Vân Hồ thật đặc biệt, pha trộn giữa sự nhộn nhịp của chợ xuân và vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Những lều bạt bán đào, bán các loại rau, thực phẩm do bà con tự sản xuất dọc Quốc lộ 6 không chỉ là nơi giao thương mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, chăm chỉ và niềm tin vào một năm mới tốt đẹp hơn. Đó chính là nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần làm nên bản sắc độc đáo của vùng cao nguyên này.
Không chỉ người địa phương, những thương lái từ miền xuôi cũng tấp nập lên cao nguyên để chọn mua đào về bán.
Bà Trần Thị Trong, một thương lái ở Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ: "Các con nhà tôi lên Sơn La chọn đào từ sớm. Năm nào cũng vậy, nhà tôi bắt đầu bán đào ở đối diện sân vận động Quốc gia Mỹ Đình từ khoảng ngày 16 âm lịch, nhưng đắt hàng nhất vẫn là khoảng từ 21 trở đi. Như năm ngoái chỉ riêng ngày 24 mà nhà tôi bán được hơn 70 triệu chưa trừ chi phí".
Việc mua bán diễn ra sôi động, tạo nên không khí Tết rộn ràng khắp vùng. Những cây đào, quất được chở về khắp nơi, mang theo hương sắc của núi rừng đến với mọi nhà.