| Hotline: 0983.970.780

Bê bết siêu dự án ODA nghìn tỉ đồng ở Vĩnh Phúc

Thứ Tư 15/02/2023 , 09:21 (GMT+7)

Siêu dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỉ đồng đang xảy ra rất nhiều vấn đề nhức nhối.

z4108327368522_309e88a1cc5deb59549261c55eeb6022

Sau 5 năm thực hiện, siêu dự án ODA của Vĩnh Phúc vẫn là mớ ngổn ngang. Ảnh: Hoàng Anh.

Đồng loạt chậm tiến độ

Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc là dự án vay vốn từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư 220 triệu USD, trong đó vốn vay 150 triệu USD, vốn đối ứng 70 triệu USD. Trải dài dọc theo sông Phan trên địa bàn 7 huyện, thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên và các huyện: Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 478,6 ha.

Cuối tháng 9 năm 2018 dự án được khởi công với kỳ vọng khi hoàn thiện sẽ có thể kiểm soát tình trạng ngập úng, quản lý tốt nguồn nước, ổn định sản xuất và đời sống cho hơn nửa triệu người dân sinh sống xung quanh khu vực dự án. Mặc dù vậy, sau hơn 5 năm triển khai, mặc dù thời gian Hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới cho dự án đã kết thúc từ năm 2021 nhưng siêu dự án ODA ở Vĩnh Phúc vẫn là mớ bòng bong.

Báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng ở tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện, siêu dự án ODA này được chia làm 3 hợp phần. Mặc dù tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng tuy nhiên đa số các hợp phần đều chậm tiến độ, gây bức xúc trong nhân dân và gây ảnh hưởng lớn đến tổng thể dự án.

z4108327355773_e95e77038d43a9fc3512a67a7463f638

Rất nhiều hợp phần chậm tiến độ tại dự án ODA ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh. 

Cụ thể, tại hợp phần 1 bao gồm 10 gói thầu có thể điểm qua một số gói thầu chậm tiến độ như: Gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị, xây dựng hệ thống tiêu trạm bơm Kim Xá và công trình phụ trợ, giá trị hợp đồng 244,7 tỉ đồng, giá trị thực hiện mới chỉ đạt 33,6%. Gói thầu xây dựng tuyến kênh hút và hồ điều hòa Ngũ Kiên, giá trị hợp đồng 156,5 tỉ đồng, giá trị thực hiện mới chỉ đạt 8,2%. Xây dựng tuyến kênh xả Ngũ Kiên, giá trị hợp đồng 188,3 tỉ đồng, giá trị thực hiện đạt 27,3%. Cung cấp, lắp đặt thiết bị, xây dựng trạm bơm tiêu Ngũ Kiên, giá trị hợp đồng 231,4 tỷ đồng, giá trị thực hiện đạt 28,5%. Cung cấp, lắp đặt thiết bị, xây dựng trạm bơm tiêu Nguyệt Đức, giá trị hợp đồng 395,7 tỉ đồng, giá trị thực hiện đạt 31,3%. Xây dựng tuyến kênh hút Nguyệt Đức và nạo vét hồ Sáu Vó, giá trị hợp đồng 147,5 tỉ đồng, giá trị thực hiện đạt 10%...

Hợp phần 2 dự án có 5 gói thầu, điển hình có gói thầu xây dựng trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải tại thị trấn Thổ Tang, giá trị hợp đồng 56,4 tỉ đồng, giá trị thực hiện đến nay mới chỉ đạt 4,9%. Xây dựng các điểm xử lý nước thải phân tán và điểm tập kết rác thải dọc sông Phan, giá trị hợp đồng 46,9 tỉ đồng, giá trị thực hiện đạt 34,6%...

Đối với Hợp phần 3 dự án, hiện cơ quan chức năng ở Vĩnh Phúc đang trình Ngân hàng Thế giới phân chia gói thầu, lập hồ sơ mời thầu gói thiết bị, tư vấn lập phần mềm tích hợp số liệu và dự báo lũ, gói tư vấn lập quy trình quản lý vận hành hệ thống.

z4108327364925_f339ab77d8c8f39525dece81a06ef41c

Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, nhiều nhà thầu thi công cầm chừng hoặc không thi công. Ảnh: Hoàng Anh.

Lý giải nguyên nhân tại 4 gói thầu đang gặp khó khăn ở hợp phần 1 và 2, chủ đầu tư cho rằng do gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng. Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, quá trình thực hiện siêu dự án ODA ở Vĩnh Phúc xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến năng lực của các nhà thầu cần phải được làm rõ.

Chúng tôi có mặt tại khu vực giáp ranh giữa xã Nguyệt Đức, Hồng Phương và xã Yên Phương, huyện Yên Lạc. Đây là điểm thực hiện các gói thầu như CW01A, CW05, CW06, CW07...

Qua rà soát, kiểm của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đối với các gói thầu liên quan nhìn chung tiến độ thi công rất chậm; nhân, vật lực, thiết bị của các gói thầu chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ. Đặc biệt đối với 2 gói thầu là gói CW01A và CW05 đã triển khai từ năm 2021, thời gian thực hiện đã hết, tuy nhiên, khối lượng thi công mới chỉ đạt 70-90% giá trị hợp đồng. Mặc dù “khó khăn, vướng mắc” về việc giải phóng mặt bằng đã được giải quyết, tuy nhiên từ tháng 7/2022 đến nay việc triển khai thi công rất chậm, các nhà thầu thi công theo kiểu cầm chừng hoặc không triển khai thi công. Chủ đầu tư chưa có biện pháp hiệu quả để đôn đốc các nhà thầu hoàn thành gói thầu đúng tiến độ đã được gia hạn.

z4108327355668_bc2935cf4b56904b728adf41ad2f1861

Ban chỉ huy công trường đóng cửa. Ảnh: Hoàng Anh.

Hồ sơ của Báo Nông nghiệp Việt Nam có được cũng thể hiện, gói thầu CW01 thi công kênh hút từ ĐT.303 và hồ điều hòa trạm bơm Nguyệt Đức được ông Hồ Quang Phúc, Giám đốc Ban QLDA sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) ký trúng thầu cho Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh và Công ty Cổ phần xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương trúng thầu. Giá trúng thầu là hơn 116,568 tỉ đồng. Kể từ thời điểm ký hợp đồng vào tháng 4/2021, chủ đầu tư cho biết thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên đã quá thời hạn gần một năm gói thầu này vẫn chưa hoàn thành.

Ngoài gói thầu CW01, Công ty Minh Anh còn đứng đầu liên danh Minh Anh – 473 – Thanh Hóa trúng tiếp gói thầu CW07 xây dựng tuyến kênh hút Nguyệt Đức và nạo vét hồ Sáu Vó của dự án với giá trị hơn 210,252 tỉ đồng. Liên danh với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng công trình thủy lợi thủy điện trúng thầu gói thầu CW 05 thi công điều tiết Lạc Ý, Vĩnh Sơn và nạo vét sông Phan với giá hơn 92,368 tỉ đồng…

Tất cả cả gói thầu của liên danh nhà thầu do Công ty Minh Anh đứng đầu đều không đáp ứng được tiến độ và thời hạn hoàn thành như hợp đồng đã ký kết.

 Dấu hỏi năng lực của DN Minh Anh

Liên quan đến doanh nghiệp đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu CW01, Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh dính nhiều tai tiếng trong các dự án lĩnh vực nông nghiệp.

Doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 26/6/2006, địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Kiện Khê I, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật là ông Phạm Hồng Minh (sinh năm 1977) còn Tổng giám đốc là ông Nguyễn Đức Quyền (sinh năm 1979).

z4108327381617_91d9a097da1bede62d15b6250db76e40

"Trạm bơm Nguyệt Đức", nơi thực hiện các gói thầu của DN Minh Anh. Ảnh: Hoàng Anh.

Lật lại hồ sơ năng lực của Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh, ngay sau thời điểm liên danh với Công ty Cổ phần xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương thực hiện gói thầu trăm tỉ tại Vĩnh Phúc thì doanh nghiệp này đã bị Bộ NN-PTNT “cấm cửa”, tạm dừng tham gia các gói thầu do không đáp ứng được yêu cầu.

Cụ thể, tại văn bản công bố đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ NN-PTNT quản lý 6 tháng đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh, doanh nghiệp đang thực hiện hàng loạt gói thầu xây dựng cơ bản trong lĩnh vực nông nghiệp đã bị kết luận không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ đề ra. Theo Bộ NN-PTNT, các dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh thực hiện bao gồm: Gói thầu số 27, dự án sửa chữa nâng cấp Hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà làm chủ đầu tư. Gói thầu số 07 thi công xây dựng công trình, dự án Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Hội – Xuân Phổ  do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Gói thầu 07-XL, dự án hồ chứa nước Ia Mơr do Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 làm chủ đầu tư…

Với hàng loạt bê bối của Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh như vậy, liệu đã đủ để cơ quan chức năng xem xét lại và có giải pháp đối với nhà thầu này tại dự án trọng điểm hàng nghìn tỉ đồng ở địa phương hay chưa?

z4108327390029_c511ff312e715a11e8bd01b6e690706f

Đề nghị xem xét lại năng lực các nhà thầu tại siêu dự án ODA ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Tương tự là năng lực của một số nhà thầu, liên danh nhà thầu khác cũng cần phải làm rõ. Điển hình tại gói thầu CW06 của liên danh LILAMA – HAPUMA – XLTL Hải Dương có trị giá lên đến hơn 409,943 tỉ đồng. Hay gói thầu CW07.1 của liên danh VINACO – Nông thôn 10 – Hòa Hiệp có trị giá 150,843 tỉ đồng...

Được biết, trước những tồn tại nêu trên, ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã nhiều lần chủ trì các cuộc họp và ký văn bản đốc thúc, kiểm tra, làm rõ, tuy nhiên siêu dự án ODA nghìn tỉ của Vĩnh Phúc vẫn chậm rất nhiều so với kế hoạch ban đầu.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất