| Hotline: 0983.970.780

Những cánh đồng không dấu chân ở Liên Hà

Chủ Nhật 15/12/2024 , 07:12 (GMT+7)

Nhờ áp dụng công nghệ cao, nhiều cánh đồng ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đến mùa không thấy dấu chân người cày, cấy.

Liên Hà là xã phát triển mạnh làng nghề nhưng lại hầu như không có tình trạng ruộng hoang. Thấy chuyện lạ, tôi hỏi ông Lê Văn Tị - Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà thì được biết tất cả là nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, cụ thể là mạ khay, máy cấy và drone phun thuốc BVTV.

Cách đây 10 năm, huyện Đông Anh tổ chức đoàn lãnh đạo các HTX đi thăm mô hình mạ khay, cấy máy ở xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) - nơi làm tiên phong của TP Hà Nội, về HTX lại tổ chức cho cán bộ của mình đi xuống đó một lần nữa để học tập cho thật kỹ rồi mới triển khai.

Có những lý do mà ông Tị tin chắc rằng là mạ khay, máy cấy sẽ thành công ở quê mình bởi diện tích đất nông nghiệp của xã Liên Hà rộng tới 520ha, có nghề mộc phát triển nên thu hút hết thanh niên, trung niên, làm ruộng chỉ còn người già và phụ nữ. Khi làm mạ khay, cấy máy sẽ giúp chủ động về sản xuất mạ, không phụ thuộc vào thời tiết, tăng hiệu quả kinh tế.

Mỗi máy cấy gấp hàng trăm người cấy tay. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Mỗi máy cấy gấp hàng trăm người cấy tay. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Tuy nhiên khi làm, HTX cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Ban đầu đất làm giá thể do đơn vị cấp máy hỗ trợ nhưng vụ sau phải tự tìm nguồn để làm. Khi nhận cấy nếp cái hoa vàng, dảnh yếu, mạ phát triển nhanh, chỉ sau 1 đêm qua một trận mưa cây đã cao thêm 5 - 6cm nên rất khó đưa vào máy, đã thế cấy đến đâu đổ đến đấy, phải cắt bớt lá đi. Bà con trông thấy vậy xì xào vì xót của. Cũng may là đến lúc thu hoạch vẫn cho năng suất cao nhưng từ đó HTX rút ra kinh nghiệm, không dám cấy lúa nếp nữa mà chỉ còn nhận cấy lúa tẻ.

"Vụ mùa có những năm nhiệt độ ngoài trời 40 - 42 độ C, làm mạ rất khó, dưới bóng cây to che thì còn đỡ, chứ không phải làm lưới đen che bên trên để cắt bớt nắng, đắp các bờ bao bằng bùn rồi bơm nước vào để ngâm bên dưới cho mát.

Vụ xuân 20 ngày, vụ mùa 12 ngày làm mạ, chúng tôi phải nhờ sân của UBND xã, sân bóng đá thôn để làm nơi rải khay, dựng lán để đất dự trữ làm giá thể, ngâm ủ, mùa hè đòi hỏi phải thoáng mát, mùa đông đòi hỏi phải kín gió, ấm. Cũng may UBND xã tạo điều kiện hết sức cho sản xuất được 8.000m2 và thôn cho mượn sân bóng đá rộng 4.000m2. Ở bên dưới HTX có 2 tổ cơ giới hóa cũng tham gia vào việc rải khay mạ, được thêm 4.000m2 mặt bằng nữa mới gọi là tạm đủ.

Gặt máy giải phóng sức lao động. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Gặt máy giải phóng sức lao động. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Trong thời gian làm mạ khay ấy, cán bộ HTX trưa ăn cơm ngay ở trụ sở, tối 8 - 9 giờ mới được về nhà để đôn đốc việc tưới, kiểm tra tình hình sinh trưởng của mạ. Vụ mùa năm 2016 thời tiết khắc nghiệt, mạ chết phải làm lại, lúa chết phải cấy lại, người mệt mà chẳng lãi được đồng nào còn lỗ nên sinh ra chán nản, ông Chủ tịch HTX phải động viên mãi mới vực được tinh thần anh em. Còn những vụ khác thuận lợi hơn, HTX cũng lãi được khoảng hơn 100 triệu đồng.

Hiện khoảng 55 - 60% diện tích lúa ở xã Liên Hà là được cấy bằng mạ khay, máy cấy và nông dân càng ngày càng ưa chuộng nó bởi công cấy bằng tay mỗi lúc một đắt, trung bình 350.000 - 400.000 đồng/sào trong khi đó cấy máy chỉ 320.000 đồng/sào, lại kèm theo cả giống, gia đình không phải lo chăm sóc đám mạ nữa. Hơn thế, cấy máy giảm công phòng trừ sâu bệnh do cấy thưa hơn, cây lúa phát triển thông thoáng hơn, đồng ruộng ít sâu bệnh hơn, năng suất thêm được cỡ 30kg thóc/sào.

HTX của ông Tị có 7 thành viên, mỗi người đóng 100 triệu đồng để cùng chung lưng, đấu cật nhưng vốn thế vẫn là chưa đủ. Do diện tích cấy lúa quá lớn nên 2 máy cấy dạng người ngồi lái của đơn vị vẫn là thiếu, đến thời vụ HTX phải huy động thêm 2 máy của các doanh nghiệp hay HTX khác.

Lúa tốt bội thu. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Lúa tốt bội thu. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Thành phố Hà Nội có diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 160.000ha, là một trong những tỉnh thành có diện tích đất trồng lúa lớn ở miền Bắc.

Những năm gần đây, nhờ đưa các giống lúa mới vừa có năng suất cao, chất lượng ngon, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, cùng với áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nên đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng  hóa chất lượng, quy mô tập trung, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, nâng cao đời sống nông dân và đảm bảo an ninh lương thực, là cơ sở vững chắc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội hiện nay mới tập trung chủ yếu khâu làm đất, chiếm gần 100% diện tích và khâu thu hoạch chiếm trên 85% diện tích; khâu gieo, cấy tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vẫn còn thấp.

Bởi thế kinh nghiệm áp dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa ở Liên Hà rất đáng được học hỏi, nhất là khi lực lượng lao động chính trong nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nên vào thời vụ gieo cấy lúa thường thiếu hụt lực lượng lao động, giá thuê nhân công cao.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.