Đó là nhờ Nghị quyết số 08 năm 2023 của HĐND TP Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế để gia tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung và mạ khay, cấy máy nói riêng.
Cụ thể, Thành phố hỗ trợ tín dụng cho các tổ chức, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến trong nông nghiệp bao gồm: Máy làm đất; máy gieo cấy; máy gặt đập liên hợp; máy sấy; máy làm lạnh nhanh; máy nghiền; máy phun thuốc có động cơ; thiết bị bay không người lái; hệ thống tưới tiết kiệm; máy phát điện chạy bằng khí sinh học; máy vắt sữa; máy thái cỏ; hệ thống làm mát chuồng trại; hệ thống cho ăn tự động; thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; thiết bị tạo oxy trong nuôi trồng thủy sản.
Mức hỗ trợ là 100% phí quản lý khi vay vốn quỹ khuyến nông Thành phố, 100% lãi suất vay theo hợp đồng vay vốn nhưng không vượt quá lãi suất của Agribank. Thời hạn vay tối đa là 3 năm, tiến độ hỗ trợ theo kỳ trả lãi của ngân hàng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp Thành phố.
Việc hỗ trợ mua máy cấy phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa được thực hiện đối với các tổ chức khi mua máy cấy trực tiếp phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa với điều kiện phải cam kết sử dụng máy móc trong thời gian 3 năm, nếu bán phải hoàn lại phần kinh phí hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa không quá 50% kinh phí cho tổ chức để đầu tư mới máy cấy, kinh phí hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/máy cấy, số lượng không quá 10 máy cấy/tổ chức. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện (ngân sách Thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện trong thời kỳ ổn định ngân sách).
HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phú Hưng ở thôn Thụy Phú, xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) mỗi vụ sản xuất từ 15 – 17 vạn khay mạ và hiện có 11 máy cấy công suất lớn đủ để tổ chức cấy và tiêu thụ thóc tươi cho không chỉ các thành viên trên địa bàn xã mà còn thu mua nhiều khu vực ở huyện Phú Xuyên và các huyện lân cận như Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức...