Đã công khai nhiều năm
Vào trang Mua sắm công tại địa chỉ: muasamcong.mpi.gov.vn, nơi những đơn vị phải đăng công khai những gói thầu từ nguồn tiền ngân sách, chúng tôi dễ dàng tìm thấy hàng loạt các thông báo mời thầu, chào hàng cạnh tranh mua sắm vacxin của Chi cục Chăn nuôi- Thú y các tỉnh, thành phố trong mấy năm trở lại đây.
Điều chúng tôi ngạc nhiên là rất nhiều tỉnh, thành khi thông báo mời thầu, chào hàng cạnh tranh bằng nguồn ngân sách nhà nước đã ghi hẳn tên thương mại các sản phẩm vắc xin của từng doanh nghiệp cụ thể trong yêu cầu gói thầu.
Điều đó không khác gì việc chỉ định thầu sản phẩm chỉ doanh nghiệp được nêu tên mới có, các sản phẩm của doanh nghiệp khác thậm chí không lọt qua nổi vòng hồ sơ chứ chưa nói đến các hàng rào kỹ thuật chi tiết kèm theo.
Ngoài ghi thẳng tên thương mại các sản phẩm của doanh nghiệp, nhiều Chi cục Chăn nuôi - Thú y hiện còn lập "hàng rào kỹ thuật" khi chào thầu theo combo bao gồm cả vắc xin và thuốc sát trùng để loại bỏ những doanh nghiệp chỉ có 1 dòng sản phẩm. Điều này vô hình chung khiến ngân sách nhà nước và người chăn nuôi được thụ hưởng không được tiếp cận với những sản phẩm có lợi thế tốt nhất của từng doanh nghiệp cũng như giá cả cạnh tranh nhất.
Có thể lấy dẫn chứng, ngày 18/6/2019 Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đà Nẵng đăng thông báo đấu thầu cung cấp lô vắc xin Aftovax Bivalent - 2 tuyp O, A phòng bệnh lở mồm long móng năm 2019 (Aftovax Bivalent chính là tên thương mại của một doanh nghiệp thuốc thú y có trụ sở tại TP. HCM dứng ra phân phối).
Mục đích đấu thầu của Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đà Nẵng là để tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng ở gia súc trên địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Nguồn vốn mua vắc xin được lấy từ nuồn kinh phí hoạt động sự nghiệp ngành thủy sản, nông, lâm nghiệp trong dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2019.
Tương tự, Chi cục Chăn nuôi- Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La trong thông báo mời thầu vắc xin lở mồm long móng năm 2019 cũng ghi rõ tên thương mại của một doanh nghiệp là Aftovax Bivalent, tuyp O, A - Chai 25 liều/lọ với khối lượng 204.425 liều.
Trong thông báo mời thầu do Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hòa Bình chào hàng công khai 95.975 liều vắc xin lở mồm long móng tiêm cho heo, trâu, bò, dê, cừu ngày 19/3/2019 cũng ghi hẳn tên thương mại của vắc xin là Aftopor tuyp O thay vì chỉ ghi theo đúng quy định là vắc xin lở mồm long móng tuyp O hoặc tuyp A.
Không những vậy, trong mục thành phần yêu cầu virus lở mồm long móng, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hòa Bình còn đưa vào các điều kiện mang tính hàng rào kỹ thuật như vô hoạt có chứa một hoặc nhiều chủng kháng nguyên lưu hành trong vùng tuyp O với 2 chủng O Manisa và O 3039.
Trong khi đó, tại Việt Nam ngoài chủng O Manisa và O 3039 còn những chủng lở mồm long móng tuyp O khác cũng đã được Cục Thú y cấp phép lưu hành. Bất ngờ hơn, qua tìm hiểu chúng tôi được biết chủng O Manisa và O 3039 hiện chỉ có một doanh nghiệp thuốc thú y cũng tại TP. HCM đang phân phối độc quyền.
Những bất ngờ từ kết quả của OIE
Theo tài liệu chúng tôi có được từ một số Phòng Thí nghiệm tham chiếu được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận và chỉ định cho thấy, nhiều chủng vắc xin sau thời gian dài sử dụng khả năng bảo hộ chéo đã suy yếu đi rất nhiều, nhưng tại Việt Nam tìm đọc các tài liệu khuyến cáo chủng virus lưu hành, tuyp và vắc xin hàng năm của Cục Thú y chưa thấy cập nhật đầy đủ, chi tiết.
Cụ thể, kết quả công bố của một số Phòng Thí nghiệm tham chiếu thuộc OIE từ năm 2017 đến nay đã chứng minh một số chủng vắc xin lở mồm long móng đang lưu hành tại Việt Nam như O Manisa hay O 3039 đang bảo hộ chéo rất thấp với một số nhánh của virus Cathay, O EA3, ME-SA…
Bởi theo khuyến cáo của OIE, nếu hệ số rl của vắc xin mà nhỏ hơn 0,3 là khả năng bảo hộ rất yếu.
Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết: “Vì sao vẫn có dịch dù đã có vắc xin?”, trong công văn số 37/TY-DT ngày 10/1/2020 gửi Chi cục Chăn nuôi - Thú y các địa phương về cập nhật bệnh lở mồm long móng, tai xanh và cúm gia cầm, Cục Thú y nêu tiêu chí chọn vắc xin lở mồm long móng tại Việt Nam hiện nay căn cứ vào kết quả đánh giá mức độ tương đồng kháng nguyên với giá trị rl lớn hơn hoặc bằng 0,3 do các Phòng Thí nghiệm tham chiếu về bệnh lở mồm long móng của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) thực hiện.
Cụ thể, theo danh mục khuyến cáo và quy định của Cục Thú y, hiện nay với vắc xin lở mồm long móng, tuyp O, phải có sự kết hợp của hai thành phần kháng nguyên O Manisa và O 3039, hoặc có ít nhất một trong ba thành phần kháng nguyên (RAH06/FMD/O-135, O1 Compos, O TUR/5/209) tương đồng với các dòng virus lở mồm long móng tuyp O lưu hành tại Việt Nam.
Đối với vắc xin lở mồm long móng đơn giá tuyp A, yêu cầu phải có kết hợp hai trong ba thành phần kháng nguyên (A22/Iraq, A/May/97, A/IRN/05) tương đồng với các dòng virus lở mồm long móng tuyp A lưu hành tại Việt Nam.
Cũng theo Cục Thú y, kết quả định tuyp virus và phân tích đặc tính di truyền của các mẫu vi rút lở mồm long móng được thu thập năm 2018 - 2019 tại Việt Nam cho thấy có hai tuyp vi rút lở mồm long móng O và A gây ra.
Trong đó, virus lở mồm long móng tuyp O bao gồm các dòng O SEA/Mya-98, O ME-SA/PanAsia, O Cathay, O ME-SA/Ind2001e. Với virus lở mồm long móng tuyp A chỉ có duy nhất 1 dòng là A/ASIA/Sea-97. Tuy nhiên, không hiểu sao các kết quả nghiên cứu về vắc xin lở mồm long móng từ OIE về O Manisa và O 3039 chưa được khuyến cáo và công khai, rộng rãi tại Việt Nam?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, hàng năm, các địa phương đều phải căn cứ vào khuyến cáo, hướng dẫn về chủng virus và vắc xin lưu hành của Cục Thú y, từ đó mới có căn cứ và cơ sở để xây dựng, lựa chọn loại vắc xin phù hợp trước khi thông báo mời thầu.
Theo ông Sơn, thực tế hiện nay đúng là một số bệnh như lở mồm long móng hay cúm gia cầm dù đã có vắc xin cũng như tiêm phòng đầy đủ nhưng dịch bệnh vẫn lác đác xảy ra và trong đó đúng là có nguyên nhân vắc xin bảo hộ yếu.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho rằng, còn có nguyên nhân do sự biến chủng của virus quá nhanh nên xuất hiện nhiều nhánh mới khiến các loại vắc xin đã được cấp phép tại Việt Nam không còn khả năng bảo hộ chéo.
Ông Sơn lấy ví dụ, nếu chẳng may đàn gia cầm tại Hà Nội mà mắc phải chủng cúm mới là H9N2 thì cơ quan thú y địa phương cũng đành bó tay vì chưa có vắc xin, trong khi vắc xin cúm gia cầm đang lưu hành lại không bảo hộ được.
Để làm rõ hơn việc ghi hẳn tên thương mại của doanh nghiệp vào các gói thầu vắc xin, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hòa Bình nhưng không nhận được phản hồi. Riêng lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Sơn La cho biết, sẽ cho nhân viên kiểm trả lại và trả lời trong thời gian sớm nhất.
Một lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y khác chia sẻ, dù biết việc ghi tên thương mại doanh nghiệp như vậy là chưa đúng theo quy định, nhưng do bên đơn vị thẩm định giá bắt phải ghi chi tiết như vậy để có căn cứ xác định được khung giá tham chiếu nên mới bất đắc dĩ phải ghi?
Không biết đây là một cách giải thích hay chống chế của chi cục, bởi như chúng tôi đã phân tích ở trên việc ghi rõ tên thương mại của vắc xin do 1 doanh nghiệp cụ thể phân phối, nói không quá chẳng khác nào một hình thức "chỉ định thầu", nó triệt tiêu và ngăn cản các doanh nghiệp có vắc xin cùng loại có ý định tham gia đấu thầu? Có người nói, đây chính là 1 kiểu lách Luật Đấu thầu!