Cúm gia cầm đang dùng vắc xin từ năm 2012
Theo báo cáo của Cục Thú y, kết quả phân tích đặc tính di truyền của virus cúm gia cầm A/H5N6 năm 2018 - 2019 tại Việt Nam cho thấy virus thuộc nhánh (clade) 2.3.4.4, bao gồm các nhánh phụ (sub-clade): 2.3.4.4h, 2.3.4.4f và 2.3.4.4g. Riêng virus cúm A/H5N1, kết quả phân tích cho thấy thuộc nhánh 2.3.2.1 (bao gồm các nhánh phụ: 2.3.2.1c và 2.3.2.1e).
Cũng theo Cục Thú y, năm 2019, cả nước đã sử dụng trên 400 triệu liều vắc xin cúm gia cầm tiêm phòng cho đàn gia cầm, trong đó tháng 12/2019 các địa phương đã sử dụng trên 50 triệu liều.
Hiện nay, có nhiều loại vắc xin cúm gia cầm đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam gồm vắc xin của Navetco tự sản xuất và nhập khẩu, Intervet (Hà Lan), Ceva-Biomune (Mỹ), Laboratorio Avi-mex, S.A DE C.V. (Mexico), Boehringer (Đức), Medion (Indonesia), Qyh Biotech Company do Công ty cổ phần RTD nhập khẩu và phân phối cùng một số sản phẩm vắc xin cúm gia cầm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo công văn số 37/TY-DT ngày 10/1/2020, Cục Thú y khuyến cáo, kết quả thử nghiệm công cường độc, đánh giá một số loại vắc xin do các Phòng thí nghiệm của Cục Thú y và các đơn vị cung ứng vắc xin thực hiện trong thời gian qua cho thấy: Vắc xin Navet-Vfluvac, Navet-Fluvac 2 và K-New H5 có hiệu lực bảo hộ đối với virus cúm gia cầm A/H5N1 nhánh 2.3.2.1 và virus cúm gia cầm A/H5N6 nhánh 2.3.4.4.
Tuy nhiên, khi dịch cúm gia cầm A/H5N6 bùng phát năm 2019, trao đổi với chúng tôi một số đơn vị chăn nuôi gia cầm lớn cho biết, mặc dù tiêm vắc xin cúm gia cầm theo danh mục khuyến cáo của Cục Thú y nhưng sau khi đem máu đi xét nghiệm thấy kháng thể thấp, không đủ bảo hộ, phải cấp tốc tiêm nhắc lại nên mới may mắn thoát được đợt dịch vừa qua.
Thực tế cho thấy, vắc xin phòng dịch cúm gia cầm từ năm 2012 đến nay, Vifluvac vẫn là chủ lực. Thiết nghĩ đã đến lúc cần đánh giá, xem xét lại tổng thể khả năng bảo hộ của vắc xin Vifluvac so với biến chủng của virus cúm gia cầm từ năm 2012 tới nay bởi kết quả nghiên cứu cũng đã được tới 9 năm.
Mặt khác chủng cúm gia cầm H9N2 hiện tại chưa được công nhận có tại Việt Nam mà Vifluvac có bảo hộ được H9N2 hay không thì chưa có kết quả nghiên cứu nào.
Thực tế tại Việt Nam có những loại vắc xin đã nhiều năm chưa được cập nhật hay nghiên cứu mới do quy định công nhận chủng virus, cấp phép nhập khẩu vắc xin mới theo quy định chặt chẽ tại Luật Thú y. Thế mới có chuyện nhiều khi cho nhập vắc xin về tới nơi dịch bệnh đã bùng phát rộng.
Theo các tài liệu công bố của thế giới, trong nước cũng có nhiều nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho thấy virus cúm gia cầm hiện nay liên tục có sự biến đổi, lên tới hàng chục biến chủng khác nhau.
Do đó, một loại vắc xin có thể tốt ở một thời điểm, nhưng sau một thời gian do virus biến chủng có thể thành bảo hộ kém, thậm chí mất khả năng bảo hộ là chuyện bình thường.
Đặc biệt, giữa Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới giáp nhau hàng nghìn km nên việc chống buôn lậu gia cầm qua biên giới gần như rất khó làm được triệt để.
Lở mồm long móng - dịch vẫn đến hẹn lại lên
Với bệnh lở mồm long móng trên gia súc, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có trên 100 ổ dịch lở mồm long móng xảy ra tại 9 tỉnh, tổng số gia súc mắc bệnh là 2.833 con, bao gồm 270 con trâu, 2.550 con bò và 13 con lợn.
Cũng theo Cục Thú y, kết quả định tuyp virus và phân tích đặc tính di truyền của các mẫu virus lở mồm long móng được thu thập năm 2018 - 2019 tại Việt Nam cho thấy có hai tuyp virus lở mồm long móng O và A gây ra.
Trong đó, virus lở mồm long móng tuyp O bao gồm các dòng: O SEA/Mya-98, O ME-SA/PanAsia, O Cathay, O ME-SA/Ind2001e. Với virus lở mồm long móng tuyp A chỉ có duy nhất 1 dòng là A/ASIA/Sea-97.
Tiêu chí chọn vắc xin lở mồm long móng tại Việt Nam hiện nay theo thông báo của Cục Thú y căn cứ vào kết quả đánh giá mức độ tương đồng kháng nguyên với giá trị rl lớn hơn hoặc bằng 0,3 do các Phòng thí nghiệm tham chiếu về bệnh lở mồm long móng của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) thực hiện.
Theo danh mục khuyến cáo và quy định, hiện nay với vắc xin lở mồm long móng, vắc xin tuyp O, phải có sự kết hợp của hai thành phần kháng nguyên O1 Manisa và O 3039, hoặc có ít nhất một trong ba thành phần kháng nguyên (RAH06/FMD/O-135, O1 Compos, O TUR/5/209) tương đồng với các dòng virus lở mồm long móng tuyp O lưu hành tại Việt Nam.
Đối với vắc xin lở mồm long móng đơn giá tuyp A, yêu cầu phải có kết hợp hai trong ba thành phần kháng nguyên (A22/Iraq, A/May/97, A/IRN/05) tương đồng với các dòng virus lở mồm long móng tuyp A lưu hành tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp góp ý, với lĩnh vực thú y, đồng ý là phải quản lý chặt vì liên quan tới sức khỏe vật nuôi và con người, song cũng cần có cơ chế cập nhật, công nhận, chia sẻ các kết quả từ các Phòng Thí nghiệm tham chiếu của OIE WHO để sớm đưa được những tiến bộ khoa học, mới của thế giới về phục vụ ngành chăn nuôi nước nhà.
Trước đó, ngày 17/2/2016, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY và tổ chức thực hiện “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016 - 2020”.
Trong đó, riêng trong năm 2019, đã tổ chức tiêm phòng được trên 3 triệu liều vắc xin lở mồm long móng từ nguồn kinh phí do Trung ương cấp cho đàn trâu, bò thuộc diện tiêm của vùng khống chế Chương trình quốc gia.
Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức tiêm phòng được trên 30 triệu liều vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc từ nguồn kinh phí của địa phương, các doanh nghiệp, cá nhân chăn nuôi gia súc.
Vậy nhưng không hiểu vì lý do gì bệnh lở mồm long móng vẫn xảy ra đều đặn ở nhiều địa phương liên tiếp trong nhiều năm qua?
Đặc biệt, trên đàn trâu, bò, hàng năm vắc xin lở mồm long móng đã được nhà nước cấp phát miễn phí để các Chi cục Chăn nuôi - Thú y triển khai tiêm phòng định kỳ một năm hai lần.
Theo báo cáo từ các chi cục, tỉ lệ tiêm phòng thường đạt rất cao, nhưng thực tế dịch bệnh cứ đều đặn "viếng thăm", gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Phải chăng, do một số Chi cục Chăn nuôi - Thú y báo cáo không đúng sự thật về tỷ lệ tiêm phòng? Đàn trâu, bò thực sự được tiêm phòng đạt bao nhiêu %? Đồng thời, chất lượng và hiệu quả vắc xin lở mồm long móng cũng là một vấn đề cần quan tâm.