| Hotline: 0983.970.780

Những dự án siêu bí mật của Mỹ: Kế hoạch trục vớt tàu ngầm Liên Xô của CIA

Thứ Tư 21/08/2019 , 07:43 (GMT+7)

Kế hoạch tham vọng được núp bóng một dự án khai thác tài nguyên dưới đáy biển cũng tham vọng không kém.

Năm 1974, tỷ phú, ông trùm công nghiệp và nhà cải tiến máy bay Howard Hughes làm cả thế giới choáng váng với một thông báo bất ngờ: Đế chế của ông chuẩn bị tham gia sứ mệnh tìm kiếm một nguồn kim loại hiếm, bí ẩn và có giá trị mang tên “kết hạch mangan”. Chúng được tích tụ thành lớp dưới đáy đại dương, là đề tài nghiên cứu song cũng gây tranh cãi khá nhiều kể từ những năm 1960.

2160536316
Tỷ phú Howard Hughes. Ảnh: Hulton Archive.

Chuyên gia đầu tiên chỉ ra được tiềm năng kinh tế của kết hạch mangan là John Mero, người đã mạnh dạn tuyên bố rằng nếu chỉ 10% số kết hạch được khai thác, chúng đủ để cung cấp cho 20 tỷ người trong hàng nghìn năm.

Nhận thức được điều này, Hughes đã chế tạo một con tàu khổng lồ và đưa nó tới giữa Thái Bình Dương, nơi diễn ra cuộc khai quật biển sâu.

Tàu USNS Hughes Glomar Explorer trang bị công nghệ lặn và khai thác tiên tiến, bao gồm một giàn khoan cao chót vót cùng những thiết bị khoan mới nhất. Con tàu được thiết kế để lặn sâu khoảng 5.000 mét để tìm các khoáng sản quý.

Nhưng đó chỉ là câu chuyện bề nổi. Dù ý tưởng khai thác “kết hạch mangan” nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng đây không phải nguyên nhân thực sự tàu Glomar Explorer được cử tới Thái Bình Dương. Lý do đằng sau cuộc thám hiểm không nằm ở một nguồn tài nguyên thiên nhiên quý. Nó liên quan tới Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và một tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân mất tích của Liên Xô.

Tháng 2/1968, tàu ngầm điện-diesel của Liên Xô, định danh K-129, đang thực hiện một nhiệm vụ tuần tra kéo dài 70 ngày ở Thái Bình Dương thì bất ngờ mất liên lạc với trạm chỉ huy trung tâm và mất tích.

Giới chức hải quân Liên Xô đã triển khai một chiến dịch tìm kiếm nhưng không thành công. Trong khi đó, hải quân Mỹ phát hiện xác con tàu cách Hawaii 90 hải lý về phía tây nam. Vì đây là vấn đề cực kỳ phức tạp và nghiêm trọng, Mỹ quyết định chờ đợi và lên kế hoạch để trục vớt con tàu, một tài sản vô cùng quý giá từ kẻ thù ở vào giai đoạn mà cuộc Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh cao căng thẳng. Đây là khởi đầu của một chiến dịch mà về sau được đặt tên là Dự án Azorian.

Người Mỹ đã chờ đợi suốt 6 năm. Trong thời gian này, kế hoạch trục vớt tàu ngầu  K-129 đã được hình thành. Đây cũng là lúc CIA liên lạc với Howard Hughes với một lời nhờ cậy.

Con tàu của Hughes bên ngoài trông giống như một tàu khai thác bình thường nhưng bên trong nó không khác gì cảnh tượng từ bộ phim điệp viên đình đám James Bond. Phần đáy tàu được thiết kế sao cho tàu ngầm Liên Xô dài 100 mét có thể được kéo lên từ bên dưới và nằm gọn trong thân tàu.

Thiết bị kéo là một móng vuốt cơ khí lớn được thiết kiết để hạ xuống đáy đại dương, nắm xung quanh thân tàu ngầm Liên Xô rồi nhắc vào khoang tàu. Dự án Azorian lúc bấy giờ tiêu tốn của chính phủ Mỹ khoảng 800 triệu USD, tương đương 4 tỷ USD vào năm 2017.

Họ hy vọng lấy được các đầu đạn hạt nhân trên tàu ngầm Liên Xô, sổ mật mã cùng những phương tiện liên lạc hải quân khác cho thể mang đến cho Mỹ lợi thế trong trường hợp xung đột nổ ra giữa hai nước. Nhưng không may, tất cả những gì họ tìm thấy không như thứ họ mong muốn, chỉ gồm các phần thân tàu ngầm và 6 thủy thủ chết đuối. Quá trình trục vớt cũng thu được hai ngư lôi hạt nhân nên nhà chức trách tuyên bố dự án thành công một phần.

Các thủy thủ được tổ chức một tang lễ trên biển song thi thể họ được đặt trong những quan tài kim loại đặc biệt vì lo sợ bị phơi nhiễm phóng xạ. Lễ tang được ghi hình và trao cho chính phủ Nga vào năm 1992 sau đó được chiếu cho gia đình các thủy thủ.

1160535825
Tàu USNS Hughes Glomar Explorer. Ảnh: Shipspotting.com.

Năm 1975, chiến dịch bí mật được báo New York Times phơi bày, mở ra một cuộc tranh luận gay gắt về nỗ lực của CIA trong việc ngăn chặn việc công bố mọi thông tin về Dự án Azorian. Nó dẫn tới sự ra đời của thuật ngữ “phản ứng Glomar” hay “Glomarization”, ý chỉ hành động “không xác nhận cũng không phủ nhận” của CIA khi được yêu cầu cung cấp thông tin.

Gần 50 năm sau sự kiện trên, câu chuyện về Dự án Azorian mới xuất hiện đầy đủ. Nỗ lực khai thác các kết hạch mangan trở nên phổ biến hơn. Cơ quan Quản lý Đáy biển của Liên Hợp Quốc, vốn đã thảo luận về chủ đề này từ năm 1967, giờ đây tham gia đầy đủ vào các vấn đề pháp lý liên quan đến việc phân phối khoáng sản đại dương, cách sử dụng chúng và tiềm năng cho tương lai nhân loại.

Họ đã xác định có 29 khu vực được cấp phép thăm dò khoáng sản trong vòng 15 năm tới. Bề mặt đại dương khổng lồ này trải dài trên một diện tích đáng kinh ngạc 1.294.994 km2 ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hơn 19 quốc gia đã và đang tham gia điều tra, xác định khả năng khai thác các kết hạch mangan trên toàn cầu. Với công nghệ ngày nay, chúng có thể không còn nằm ngoài tầm với.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.