Lưu giữ hình ảnh cho ký ức mình
Tôi ngước lên nhìn trên nóc ngôi nhà cổ giữa phố Lãn Ông (Hà Nội) thơm nức mùi thảo dược với hai chữ Đức Phong dưới bóng chiều thu chạng vạng.
Hỏi tên NSNA Nguyễn Duy Kiên, một người phụ nữ chỉ sâu vào trong sân hun hút. Khi cánh cửa gác hai mở ra, tôi bỗng giật mình nhận ra cả không gian quen thuộc. Đúng là lần đầu gặp mặt nhưng đã thấy hình ảnh trên trang bìa Tạp chí Xưa & Nay từ lâu lắm rồi.
NSNA Nguyễn Duy Kiên
Hai em bé ngày xưa bên cối nghiền thuốc, nay người anh trai đã 70 xuân, người em gái cũng xấp xỉ tuổi xưa nay hiếm. Còn bà giáo phúc hậu trong ảnh, bà quả phụ Nguyễn Duy Kiên, người hằng ngày vẫn dạy các cháu nhỏ dưới tấm bảng gỗ sơn then khắc những lời giáo huấn của tổ tiên bằng chữ Hán, quy tiên từ hai năm trước ở tuổi 90.
NSNA Nguyễn Duy Kiên (1911- 1979) sinh ra ở Hà Nội, sống giữa lòng phố cổ, là người thừa kế nghề thuốc gia truyền của hiệu Đức Phong.
Vừa theo nghề của tổ tiên ông lại đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh nên ở vào cái thời mà chiếc máy ảnh còn là của hiếm và người chơi ảnh là tài tử, Nguyễn Duy Kiên đã bấm máy cùng với Võ An Ninh, Lê Đình Chữ, Phạm Văn Mùi, Lê Vượng, Đỗ Huân - những gương mặt kỳ cựu của giới nhiếp ảnh Hà thành.
Lật giở từng trang ảnh, nhà giáo Nguyễn Ngọc Thiết, con trai cố NSNA Nguyễn Duy Kiên, giới thiệu cho tôi xem từng khoảnh khắc ảnh mà người cha ghi lại như lưu giữ chính ký ức của mình về Hà Nội mà cả đời ông gắn bó.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Thiết nhớ lại sự công phu của cha mình khi ông ngồi lỳ nhiều giờ trong buồng tối tại nhà, mày mò tìm ra các kỹ xảo pha thuốc tráng và in phim, rồi tự tay in phóng ảnh để có những tấm ảnh ưng ý về nghệ thuật mà chất lượng đảm bảo sau quá nửa thế kỷ nước ảnh vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.
“Những ký ức còn lại” vô giá
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã so sánh nếu nhiếp ảnh là một phương tiện giúp con người có thể giữ lại một khoảnh khắc cho mãi mãi, thì mỗi tấm ảnh sẽ là một bằng chứng của quá khứ với hình hài của nó.
Khi những khuôn hình nghiêm cẩn của Nguyễn Duy Kiên đến tay những nhà chuyên môn, họ đã choáng váng vì những bức ảnh quá đẹp.
Ngày giải phóng Thủ đô, chọn góc máy từ trên cao, Nguyễn Duy Kiên đã thu được hình ảnh Đại đoàn Quân Tiên phong (F308) trong đó có Trung đoàn Thủ đô đang tiến vào quảng trường Đông Kinh nghĩa thục. Cả biển người như sóng dậy đón ngày giải phóng với đầy tràn khí thế và hy vọng với đủ các giới nam phụ lão ấu.
Đại đoàn 308 tiến qua quảng trường Đông Kinh nghĩa thục ngày 10/10/1954 (ảnh: Nguyễn Duy Kiên)
Rồi hình ảnh Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng trên xe com-măng-ca vẫy chào đồng bào Thủ đô. Hình ảnh Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trong lễ chào cờ chiều ngày 10/10/1954. Hình ảnh đêm pháo hoa tại Hồ Gươm mừng chiến thắng (1/1/1955)...
Trước những tấm hình NSNA Nguyễn Duy Kiên ghi lại giờ phút lịch sử chào đón bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô, nhà sử học Dương Trung Quốc bình luận: “Cái đẹp hùng tráng của một thành phố sống lại trong những ngày chiến thắng được nhìn bằng con mắt của một con người vừa được giải phóng tràn đầy hy vọng vào một cuộc đời mới...
Chính cái chất thông tấn của những bức ảnh này làm nên giá trị lịch sử cho cái di sản nghệ thuật của Nguyễn Duy Kiên, khiến cho ký ức của một cá nhân trở thành ký ức của cả cộng đồng”.
Còn nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo đánh giá: “Không chỉ là mỹ cảm về tinh thần Hà Nội xưa, ảnh của Nguyễn Duy Kiên còn là nguồn tư liệu quý giá và đa chiều cho các nhà nghiên cứu xã hội học, sử học, kiến trúc, thời trang. Những bức ảnh của Nguyễn Duy Kiên lý giải thế nào là tinh thần Hà Nội, thế nào là thanh lịch, hồn hậu…
Hà Nội trong ảnh của ông là những ngày tháng nghèo khó, không an nhàn, những ngày biến động vì chiến tranh. Người Hà Nội nào cũng sẽ gặp lại chính mình trong ảnh của ông, tôi tin vậy. Chất thi ca và hiện thực trong ảnh ông mãnh liệt đến nỗi những nhân vật của ông - ta thấy như người thân quanh mình.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và Chủ tịch Trần Duy Hưng trong lễ chào cờ chiều 10/10/1954 (ảnh: Nguyễn Duy Kiên)
Tiếp lửa tình yêu nghệ thuật, lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử vô giá cho những người đang sống hôm nay, nhưng NSNA Nguyễn Duy Kiên dường như bị quên lãng. Hà Nội đã tôn vinh nhiều cá nhân, vậy mà cái tên Nguyễn Duy Kiên đến nay vẫn chưa được trân trọng đánh giá đúng với những gì ông xứng đáng được vinh danh! |
Phải yêu Hà Nội vô cùng mới có thể chụp có tình như thế. Việc làm sống dậy “những ký ức còn lại” của Nguyễn Duy Kiên không đơn giản chỉ để giới thiệu về một tác giả. Mà tôi nghĩ mình đã làm được một điều gì đó có ích cho Hà Nội của tôi”.
"Một thời chưa nhận thức hết"
Những bức ảnh lịch sử của NSNA Nguyễn Duy Kiên sau bao năm ngủ quên bỗng được NSNA Nguyễn Hữu Bảo, NSNA Trịnh Tiến và nhà sử học Dương Trung Quốc đánh thức dậy.
Sau hai lần triển lãm ở Hà Nội (1999) và TP. HCM (2000), năm 2006 cuốn sách ảnh “Nguyễn Duy Kiên - Những ký ức còn lại” được nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo thực hiện với sự phối hợp của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và được xuất bản với sự tài trợ của Quỹ Ford Motor Việt Nam chính thức ra mắt công chúng.
Cuốn sách ấy, đến nay gia đình cũng chỉ còn một cuốn duy nhất. Tôi đã đọc được những dòng cảm động của NSNA Lê Vượng - người bạn cùng thời với NSNA Nguyễn Duy Kiên: “Hơn nửa thế kỷ qua, không ít những giá trị đáng được thẩm định nhưng một thời chưa nhận thức hết. Lẳng lặng trong quá khứ, đến bây giờ chợt bừng tỉnh mới thấy là quý giá.
Muộn còn hơn không. Sách ảnh “Những ký ức còn lại” của cố NSNA Nguyễn Duy Kiên mang đầy hơi thở nhân văn như lưu giữ một Hà Nội xưa yêu dấu, hồn hậu mà thanh tao. Hình ảnh về xứ sở của cội nguồn văn hóa và lòng quả cảm được ra mắt bạn đọc sau bao năm tháng dài ngủ trong quên lãng”.