| Hotline: 0983.970.780

Thế hệ sinh viên Hà Nội đầu tiên nhập ngũ vào Nam

Những lá thư cho tương lai

Thứ Năm 29/07/2021 , 08:52 (GMT+7)

Không gặp mặt cũng chẳng rõ thông tin về nhau, nhưng nhờ những dòng thư, cả người ra đi lẫn người ở lại cùng thắp lên niềm tin cho phia bên kia.

Ngôi mộ gió của liệt sĩ Nguyễn Lê Mỹ trên đỉnh Ngọc Rinh Rua, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Đức Minh.

Ngôi mộ gió của liệt sĩ Nguyễn Lê Mỹ trên đỉnh Ngọc Rinh Rua, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Đức Minh.

Viết cho người ở lại

“Ngày xuân thong thả đến nhà chơi/ Bác bận đi làm chẳng gặp ai/ Dịp nào tôi sẽ xin thăm lại/ Chúc bác gia đình vạn sự vui”. Đọc những vần thơ này, không ai nghĩ hoàn cảnh sáng tác là trong thời chiến, càng không thể ngờ đó là những câu thơ từ một người bố mới mất con dành tặng cho một ông bố khác cùng cảnh.

Cuối năm 1972, nhiều thương binh trú tại phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ mặt trận Kon Tum trở về như ông Nguyễn Đình Tư, Nguyễn Tuấn Anh… Họ xác nhận trường hợp hy sinh của hai liệt sĩ Nguyễn Lê Mỹ và Phạm Ngọc Hùng với hai cụ thân sinh Nguyễn Văn Thiện, Phạm Ngọc Xứng. Tuy nhiên, cả hai cụ đều giấu gia đình, với hy vọng mong manh và chờ đến ngày giải phóng.

Nhà gần nhau, lại có con cùng đi nhập ngũ, giữa cụ Thiện và cụ Xứng hình thành nên sợi dây gắn kết vô hình. Lúc ông Mỹ, ông Hùng đóng quân ở Thanh Trì, hai gia đình thay phiên lên thăm con. Khi thì gửi nhờ thư, lúc lại chuyển một vài món đồ hữu dụng như lọ muối, lọ dầu phòng khi mỏi mệt.

Cho đến khi, bố của một đồng đội trong đơn vị ông Mỹ, ông Hùng mang máy ảnh, chụp lại 8 người trước khi vào miền Nam chiến đấu, và gửi tặng mỗi gia đình một bức làm kỷ niệm, gia đình hai ông coi nhau như người nhà. Hai cụ thân sinh không còn nói với nhau riêng về ông Mỹ, ông Hùng, mà đều là “con chúng ta”. Những bức thư ông Hùng gửi về, gia đình cụ Thiện vui lây, vì trong đấy, cụ có thể được nghe đôi dòng về con trai cả ngoài chiến trường.

Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng. Ảnh: NVCC.

Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng. Ảnh: NVCC.

Trong khoảng hơn hai năm, những lá thư của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng đã là một món ăn tinh thần không thể thiếu. Ban đầu, là những dòng thăm hỏi: “Mẹ ạ! Từ hôm chiều chủ nhật ở Hà Nội đi đến nay đã gần một tuần lễ rồi. Sáng thứ 2 bắt đầu cuộc hành quân gian khổ, đầu tiên đi từ Đại Từ đến Đồng Văn”. Sau đó, ông Hùng chia sẻ cuộc sống trong quân ngũ: “Mệt lắm bố mẹ ạ, có nhiều lúc cảm giác không phải thở bằng mũi mà thở bằng cả tai, mắt, mồm... nữa, trời giá rét như vậy nhưng chúng con ai cũng mồ hôi đầm đìa ướt hết cả áo”.

Và khi vào đến Kon Tum, chàng trai ở tuổi đôi mươi vào năm ấy tìm thấy niềm vui riêng trong niềm vui của dân tộc, đất nước: ”Là người lính ai chả đặt cho mình một niềm tin chiến thắng và nhất định là như vậy - con sẽ chiến thắng và nhất định trở về sống bên mẹ đến trọn đời”.

Ngoài việc gửi gắm tình cảm, những lá thư từ chiến trường của ông Hùng còn đầy ắp thông tin. Qua thư, ông báo đồng đội hy sinh: “Các bạn gần nhà chỉ còn Tư và Cường 22 là còn ở với em thôi. Hải đi đơn vị khác rồi. Thọ - Cường (Cửa Nam), Mỹ (Hàng Bông Nhuộm) đã bị kẻ thù bên kia trận tuyến cướp mất rồi”.

Khi không thể tìm được quân bưu trong chiến trường, ông nhét thư trong lọ penixilin, rồi thả trôi theo dòng nước từ Kon Tum về xuôi. Kỳ lạ, là có người nhặt được và chuyển về tận tay gia đình cụ Xứng. Cũng từ địa điểm nhặt thư trên suối, mà gia đình biết ông Hùng chiến đấu tại Tây Nguyên.

Ngày nhận tin dữ về ông Mỹ cuối năm 1971, cụ Thiện bán tin bán nghi, nhưng chẳng biết lần mò manh mối như nào. Trong khoảng mấy năm trước ngày giải phóng, cụ thường lui tới tìm người đồng cảnh là cụ Xứng. Hai ông bố ngồi hàn huyên, mà mỗi người lại theo đuổi những suy nghĩ riêng.

Ông Phạm Ngọc Hiệp, con trai thứ cụ Xứng, em của liệt sĩ Hùng, kể lại: “Ngày ấy, hai cụ chẳng bao giờ dám nói thẳng với nhau, toàn nói vòng, nói xa để người kia tự hiểu. Chiến tranh ác liệt, còn người thân trong gia đình là máu mủ, linh thiêng. Chẳng ai nỡ làm người đối diện đau lòng”.

Những câu thơ ở trên: “Ngày xuân thong thả đến nhà chơi…” được viết trong một lần như thế. Suốt quý I/1972, gia đình cụ Xứng không nhận được thêm lá thư nào từ con trai. Đến cuối năm, cụ và cụ Thiện biết hai con trai lần lượt ngã xuống tại Kon Tum. Họ chỉ còn biết tìm tới nhau động viên. Đến tháng 2/1973, những vần thơ kia ra đời.

Nhà tưởng niệm Quân đoàn 3, nơi lưu giữ thông tin của hàng chục nghìn chiến sĩ đã hy sinh tại mặt trận Tây Nguyên. Ảnh: Đức Minh.

Nhà tưởng niệm Quân đoàn 3, nơi lưu giữ thông tin của hàng chục nghìn chiến sĩ đã hy sinh tại mặt trận Tây Nguyên. Ảnh: Đức Minh.

Niềm an ủi sau chiến tranh

Có một chi tiết kỳ lạ, là quan hệ giữa hai gia đình chỉ dừng ở hai cụ Thiện - Xứng và hai liệt sĩ Mỹ - Hùng. Những người còn lại của đôi bên hầu như chỉ nghe nói về phía bên kia.

Cũng vào tháng 2/1973 ấy còn một sự kiện đặc biệt nữa, đó là cụ Xứng xin ý kiến cố nhà văn Nguyễn Công Hoan về việc in thành sách tập hợp 60 lá thư của con trai - liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng. Tuy nhiên, cơ duyên không tới. Cụ Xứng, vì đau buồn, đã mất trong một tai nạn năm 1974. Còn cuốn sách mãi tới hàng chục năm sau mới được in thành quyển.

Sau khi cụ Xứng qua đời, ông Phạm Ngọc Hiệp - em trai liệt sĩ Hùng - nhiều lần cất công vào Tây Nguyên tìm hiểu thông tin để quy tập mộ. Gia đình ông may mắn được người quen báo tin về phần mộ của ông Hùng, trong một lần người này đến các nhà tưởng niệm ở Kon Tum.

Bài thơ của cụ Thiện gửi tặng gia đình cụ Xứng năm 1973.

Bài thơ của cụ Thiện gửi tặng gia đình cụ Xứng năm 1973.

Gia đình cụ Thiện không có may mắn ấy. Cụ và con trai - ông Nguyễn Ngọc Hòa - mất hàng chục năm mới xác định được nơi ông Mỹ hy sinh. Niềm an ủi lớn nhất với ông Hòa, sau mấy chục năm đằng đẵng, là tìm lại được liên lạc với gia đình ông Hiệp. Từ ấy, những bài thơ cụ Thiện làm khi xưa được tìm lại.

“Tôi đã khóc khi đọc những câu thơ bố viết cách đây 50 năm”, ông Hòa vừa nói, vừa run run chỉ tay xuống vần thơ mà cụ Thiện như dùng để tự động viên bản thân năm xưa: “Một đêm trằn trọc lại hai đêm/ Giở tập thư con dưới ngọn đèn/ Xem lại lần này không biết mấy/ Đọc rồi lại tưởng vẫn chưa xem”.

Cảm xúc của ông Hòa là thứ mà ông Hiệp có thể chia sẻ. Ông bảo: “Tôi cứ nung nấu trong lòng một điều, là làm thế nào để giúp ích cho xã hội, cho thế hệ trẻ và lan tỏa được tinh thần từ những thế hệ anh Hùng đã hy sinh cho Tổ quốc. Mong rằng, qua câu chuyện của anh tôi, những người trẻ có thể thấm được phần nào và trân quý những điều mà lớp lớp thế hệ đi trước đã làm”.

Vì dịch Covid-19 suốt một năm rưỡi qua, mà mấy bận, ông Hòa, ông Hiệp và ông Tư cứ hẹn rồi lại không thể gặp mặt. Nhưng cả ba, dù chưa một lần sống chung đơn vị như những người lính thế hệ 1951, vẫn hướng về nhau theo một cách riêng. Với ông Hòa là tấm ảnh chụp chung 8 người. Với ông Hiệp là tập thư dày, đã ngả màu thời gian của anh trai. Còn ông Tư, mỗi khi có khách liên quan tới Trung đoàn 66 đến nhà chơi, ông sẽ hỏi nhỏ: “Có phải lính ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam đó không?”

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Có một Khe Sanh không chiến tranh

Khe Sanh - Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), vùng đất lửa hứng chịu bom đạn khốc liệt một thời đang hồi sinh bởi khát vọng, bàn tay, khối óc của những con người.

Bình luận mới nhất