| Hotline: 0983.970.780

Những 'làng chà' dụ cá giữa biển Đông

Thứ Hai 11/12/2023 , 06:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Nguồn lợi thủy sản ngoài khơi ngày càng cạn kiệt, biển vắng cá, những cây chà thả ngoài biển Đông thu hút được cá ngừ sọc dưa khiến nghề lưới vây đánh bắt bội thu.

Đánh bắt kiểu truyền thống hết hiệu quả

Tháng 8/2011, tôi may mắn được tham gia chuyến biển kéo dài hơn 20 ngày lênh đênh ngoài biển Đông trên tàu cá mang số hiệu BĐ 94439 TS (900CV) của ngư dân Nguyễn Văn Ái ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Tàu BĐ 94439 TS chuyên hành nghề lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Sau khi tàu ra đến ngư trường Trường Sa, đợi mãi tôi chẳng thấy tàu cá có dấu hiệu gì cho thấy sẽ khởi động việc đánh bắt.

Trong khi đó, toàn bộ 19 thuyền viên trên tàu đều chia nhau đứng 2 bên mạn tàu, mắt chong chong nhìn ra biển. Cả tài công Nguyễn Minh Vương vừa lái tàu cũng vừa “dán mắt” lên vùng biển mênh mông phía trước. Thậm chí cả thuyền trưởng Nguyễn Công Tý cũng leo lên trụ gỗ cao phía trước mũi tàu để phóng tầm mắt ra xa nhìn bao quát mặt biển.

Tôi không thể không ngạc nhiên, hỏi ra thì biết, tất cả ngư dân trên tàu đang dõi mắt tìm những khúc cây trôi lênh đênh trên biển, hễ nhìn thấy khúc cây đồng nghĩa là đã tìm được đàn cá.

Ngư dân Huỳnh Thanh Châu, một trong những thuyền viên cao niên nhất trên tàu BĐ 94439 TS giải thích: Cá ngừ sọc dưa là loài cá nổi, chúng đi ăn thành đàn, ban ngày cả đàn cá kéo nhau long rong trên biển kiếm mồi. Biển thì mênh mông, không có chút bóng mát. Khi đàn cá thấy khúc cây trôi tỏa ra chút bóng mát dù rất nhỏ nhoi, chúng liền dựa vào bóng mát ấy tựa như con người đang đi giữa nắng thấy có bóng mát liền tấp vào nghỉ chân. Thế rồi những ngày sau đó, ban ngày chúng đi kiếm ăn, chiều về chúng tụ lại bóng mát ấy để nghỉ ngơi.

Thuyền trưởng tàu cá BĐ 94439 TS leo lên trụ gỗ cao phía trước mũi tàu để phóng tầm mắt ra xa nhìn bao quát mặt biển tìm cây trôi. Ảnh: V.Đ.T.

Thuyền trưởng tàu cá BĐ 94439 TS leo lên trụ gỗ cao phía trước mũi tàu để phóng tầm mắt ra xa nhìn bao quát mặt biển tìm cây trôi. Ảnh: V.Đ.T.

“Vậy nên khi phát hiện có khúc cây trôi trên biển, chúng tôi liền bơi ra cột vào khúc cây ấy lá cờ để đánh dấu, ai nấy đều mừng rơn vì cầm chắc tàu mình sẽ có được một mẻ lưới. Sáng sớm hôm sau bủa lưới quanh khúc cây trôi ấy chắc mẩm sẽ đánh bắt được ít nhất 4 - 5 tấn cá, có mẻ lưới trúng đậm đến hơn 10 tấn cá ngừ sọc dưa”, ngư dân Châu kể.

Đó là nói chuyện trước đây, lúc ngư trường chưa cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và tàu đánh bắt xa bờ chưa nhiều như hiện nay. Bây giờ, tàu đánh bắt xa bờ không chỉ nhiều mà công suất ngày càng lớn, lại được trang bị thiết bị hiện đại nên sản lượng đánh bắt phải chia nhỏ, thu nhập mỗi chuyến biển của mỗi tàu cá “hẻo” dần, không đủ trang trải phí tổn.

Trước thực tế này, cách đây 2 năm, những tàu chuyên hành nghề lưới vây ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) liền nghĩ ra cách thả chà ở ngoài biển Đông để tạo bóng mát cố định, làm nơi quần tụ của những đàn cá ngừ sọc dưa để đánh bắt.

Đưa những cây chà từ bờ ra khơi

Theo lão ngư Bùi Thanh Ninh (65 tuổi), người đang sở hữu 6 tàu cá xa bờ chuyên hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), đặc thù của loài cá ngừ sọc dưa là đi kiếm ăn theo dòng nước. Thế nên từ tháng 1 đến tháng 7 dương lịch hàng năm biển rất vắng cá ngừ sọc dưa vì không có dòng nước phù hợp để chúng đi kiếm ăn, trong quãng thời gian này, những tàu chuyên hành nghề lưới vây hầu hết thất thu. Từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 dương lịch năm sau cá ngừ sọc dưa mới xuất hiện trở lại, đây là thời vụ đánh bắt chính của nghề lưới vây.

“Càng về sau này tàu đánh bắt xa bờ càng nhiều, biển thì vắng cá nên phương thức đánh bắt “may rủi”, cho tàu chạy lang lang khắp biển để tìm những khúc cây trôi như trước đây không còn hiệu quả, lại hao tốn nhiên liệu. Thế nên cách đây 2 năm, một số ngư dân ở Hoài Nhơn đã nghĩ ra cách thả chà ngoài biển Đông, tạo bóng mát cố định để đón những đàn cá ngừ sọc dưa ghé lại “nghỉ chân”. Cách làm này cho hiệu quả rất cao nên từ một vài người làm ban đầu, càng về sau những cây chà thả ngoài biển Đông càng dày đặc cứ như một làng chài”, lão ngư Bùi Thanh Ninh cho hay.

Khi phát hiện có khúc cây trôi trên biển, ngư dân liền bơi ra cột vào khúc cây ấy lá cờ để đánh dấu. Ảnh: V.Đ.T.

Khi phát hiện có khúc cây trôi trên biển, ngư dân liền bơi ra cột vào khúc cây ấy lá cờ để đánh dấu. Ảnh: V.Đ.T.

Vùng biển ngoài khơi rất sâu, ngư dân phải khảo sát tọa độ, tìm những bãi đá ngầm nổi cao hơn đáy biển mới có thể thả chà. Chọn được điểm rồi, ngư dân cho thả một chiếc neo nặng khoảng 1 tấn xuống đáy bãi đá ngầm, chiếc neo được buộc vào sợi dây neo chuyên dụng to bằng cổ tay người lớn, dài khoảng 5.000 - 6.000m.

Cách mặt nước biển khoảng vài ba trăm mét, ngư dân dùng tàu dừa, cành tre, cây bụi cột thành chùm để tạo bóng mát dẫn dụ cá ngừ sọc dưa về quần tụ. Bên trên dây neo ngư dân sử dụng 3 - 4 chiếc thùng xốp có thể tích khoảng 1 khối/thùng làm phao để giữ cây chà yên vị giữa sóng gió. Đầu tư cho 1 cây chà hàng vài trăm triệu đồng, nhưng hiệu quả mang lại rất cao nên càng ngày ngư trường Trường Sa càng mọc dày những cây chà”, lão ngư Bùi Thanh Ninh ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ.

Theo lão ngư Bùi Thanh Ninh, thả mành chài đánh bắt cá là nghề truyền thống của ngư dân Bình Định, nhưng trước đây chỉ xuất hiện ở vùng biển gần bờ và vùng lộng. Chà là những tàu dừa, cành tre, cây bụi được cột dính chùm, thả lơ lửng cách mặt nước biển để dẫn dụ cá đến quần cư rồi đánh bắt bằng lưới vây. Bây giờ, hình thức thả chà đánh cá này được di chuyển ra biển Đông với quy mô lớn hơn để đón những đàn cá cả tấn.

Xem thêm
Gắn tem truy xuất nguồn gốc cho tôm hùm

PHÚ YÊN Việc gắn tem truy xuất nguồn gốc cho tôm hùm đang được triển khai thí điểm tại Phú Yên và dự kiến sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.