| Hotline: 0983.970.780

Thả chà ngoài biển Đông, những cột mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo

Thứ Sáu 08/12/2023 , 09:03 (GMT+7)

Những cây chà ngư dân thả ngoài biển Đông ngoài mang lại hiệu quả cao, tàu cá và ngư dân canh chà còn như những ‘cột mốc di động’ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Những cây chà cho cá đầy khoang

Lão ngư Bùi Thanh Ninh (65 tuổi), người đang sở hữu 6 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), là người tuân thủ phương pháp truyền thống trong nghề lưới vây mấy chục năm nay, thế nhưng khi thấy phương pháp làm mành chà ngoài biển Đông mang lại hiệu quả cao trong đánh bắt cá ngừ sọc dưa, nên 2 năm nay ông Ninh cũng đã thả ở ngư trường Trường Sa, vùng biển gần nhà giàn ĐK1, 4 cây chà để dẫn dụ cá.

Từ khi thả chà ngoài biển Đông, những tàu cá của lão ngư Bùi Thanh Ninh “ăn nên làm ra” trông thấy, sản lượng đánh bắt hàng tháng tăng cao hơn nhiều so với trước đây. Thêm vào đó, những năm gần đây, nhờ giá cá ngừ sọc dưa luôn ổn định ở mức trên dưới 30.000đ/kg, nên những thuyền viên đi bạn cho các tàu cá của lão ngư Ninh đều có thu nhập ổn định, gắn bó với nghề hơn.

Ngư dân Trần Ngọc Hoan ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), 1 trong những người tiên phong đưa mành chà từ bờ ra biển Đông vào năm 2020 hiện đã sở hữu 20 cây chà được đặt gần đảo An Bang và đá Ba Kè thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Với 20 cây chà, ngoài 5 tàu cá xa bờ của gia đình, ông Hoan phải hợp đồng với 3 tàu cá khác của ngư dân địa phương bám trụ ngoài biển Đông để canh chà.

Khi có đàn cá quần tụ dưới những cây chà, những tàu cá của ông Hoan thay nhau bủa lưới đánh bắt, vận chuyển vào bờ tiêu thụ. Những tàu cá chở sản phẩm về bờ khi quay lại khơi sẽ mang lương thực, thực phẩm ra “tiếp tế” cho những tàu bám trụ tại những cây chà, thu nhập được chia theo thỏa thuận.

Những cây chà dẫn dụ được cá ngừ sọc dưa nên thời gian gần đây các tàu hành nghề lưới vây của ngư dân Bình Định ăn nên làm ra. Ảnh: V.Đ.T.

Những cây chà dẫn dụ được cá ngừ sọc dưa nên thời gian gần đây các tàu hành nghề lưới vây của ngư dân Bình Định ăn nên làm ra. Ảnh: V.Đ.T.

“Bình quân mỗi con trăng (1 tháng) các tàu của tui đánh bắt được khoảng 60-70 tấn cá ngừ sọc dưa, thu nhập mỗi thuyền viên đạt từ 10-12 triệu đồng/người/chuyến biển. Mành chà thu hút được nhiều cá, nên có những chuyến biển trúng đậm, thu nhập của thuyền viên cao đến 20 triệu đồng/người/chuyến biển, ai cũng phấn khởi”, ngư dân Trần Ngọc Hoan chia sẻ.

Theo những ngư dân thả chà ngoài biển Đông, tùy cây chà được thả ở vùng nước nông hay sâu mà chi phí làm cây chà nhiều hay ít. Cây chà thả ở vùng nước sâu có chi phí dao động từ 170-180 triệu đồng, cây chà đặt ở những vùng nước nông hơn thì chi phí giảm xuống còn 100-120 triệu đồng. Về sau này, khi cây bụi, tàu dừa ngày càng khó kiếm và nhanh hư hỏng trong môi trường nước biển, nên ngư dân sử dụng lưới trủ, lưới mùn thay thế dần để những cây chà được bền vững hơn.

Những cột mốc di động

Theo lão ngư Bùi Thanh Ninh, những cây chà được thả ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa ngày càng dày thì số lượng tàu cá có nhiệm vụ canh chà thường trực có mặt ở biển Đông ngày càng nhiều. Vùng thả chà đánh bắt cá ngừ sọc dưa trên biển Đông giờ “sầm uất” trông như 1 làng chài. Riêng lão ngư Ninh hiện có 4 cây chà gần nhà giàn ĐK1, ông bố trí 1 tàu cá và 3-4 ngư dân túc trực 100% ngoài biển Đông để canh những cây chà này.

“Ngư dân canh chà có khi bám biển đến 1-2 tháng mới về nhà 1 lần và được “thay quân” theo định kỳ. Hàng ngày, ngư dân canh chà sử dụng máy dò cá để dò xem có đàn cá quần tụ ở cây chà nào không. Nếu có, ngư dân canh chà gọi điện về báo và tôi sẽ cho tàu và thuyền viên chạy ra, cùng với ngư dân canh chà bủa lưới đánh bắt, thu nhập chia đều.

Ngư dân canh chà bám biển thời gian dài, nhưng chẳng buồn là mấy. Do các điểm thả chà nằm gần quần đảo Trường Sa nên có sóng điện thoại di động, ngư dân trên tàu này gọi điện trò chuyện, tán gẫu với ngư dân trên tàu kia suốt ngày, thoải mái gọi điện về thăm hỏi vợ con nên không buồn tẻ. Nhiều thanh niên niên sau thời gian canh chà, về bờ râu ria um tùm trông như cụ già”, lão ngư Bùi Thanh Ninh kể vui.

Cá ngừ dọc dưa thời gian gần đây ổn định với giá trên dưới 30.000đ/kg nên thuyền viên đi trên những tàu hành nghề lưới vây ở Bình Định có thu nhập ổ định, gắn bó với nghề. Ảnh: V.Đ.T.

Cá ngừ dọc dưa thời gian gần đây ổn định với giá trên dưới 30.000đ/kg nên thuyền viên đi trên những tàu hành nghề lưới vây ở Bình Định có thu nhập ổ định, gắn bó với nghề. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo lão ngư Ninh, đến nay, ở thị xã Hoài Nhơn đã có khoảng 20 ngư dân có tàu chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa thả chà ngoài biển Đông với hàng trăm cây chà. Theo đó, số lượng tàu cá và ngư dân canh chà thường trực 24/7 tại biển Đông tăng dần theo số lượng cây chà được thả. Những cây chà, tàu cá và ngư dân thường trực trên biển Đông mặc nhiên trở thành những “cột mốc di động” bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

"Mành chà thả ở vùng ven bờ, vùng lộng chỉ dẫn dụ những đàn cá tầng nổi, chà thả ở vùng khơi thu hút cả cá tầng giữa nên mang lại hiệu quả đánh bắt cao. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên ở vùng biển khơi rất khắc nghiệt, nên ngư dân cần nghiên cứu, sử dụng vật liệu làm chà phù hợp, có sức chống chịu cao để tránh tổn thất và bảo vệ được môi trường biển. Ngư dân cũng phải tính đến chuyện lắp thiết bị, máy móc cảnh báo địa điểm thả chà cho các phương tiện đường thủy để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy", ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.