Theo số liệu khảo sát, đến nay Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhiều nhất cả nước với 47 nghề (toàn quốc có 5.000 làng nghề với 52 nghề), trong đó có 318 làng nghề thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã đã được công nhận theo tiêu chí quốc gia.
Thành phố có 6/7 nhóm ngành nghề nông thôn gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 67 làng nghề; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 196 làng nghề; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 12 làng nghề; Xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn có 16 làng nghề; Cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn có 5 làng nghề.
Sự phát triển làng nghề ở Hà Nội đã thu hút 108.019 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn, trong đó có 11.935 doanh nghiệp (chiếm 11,05%) và 93.523 hộ gia đình (chiếm 86,58%), còn lại là số các cơ sở ở dạng HTX, tổ hợp tác. Các làng nghề đã giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động tại chỗ và hàng chục nghìn lao động nơi khác.
Tổng giá trị sản xuất của các làng nghề năm 2021 ước đạt 22.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu ngàn tỉ như: dệt kim ở La Phù (Hoài Đức) đạt 1.301 tỷ đồng/năm; chế biến nông sản thực phẩm ở xã Dương Liễu (Hoài Đức) đạt 1.600 tỷ đồng/năm; chế biến nông sản thực phẩm ở xã Minh Khai (Hoài Đức) đạt 1.061 tỷ đồng/năm; điêu khắc mỹ nghệ ở Sơn Đồng (Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng/năm; cơ khí ở Phùng Xá (Thạch Thất) đạt 1.029 tỷ đồng/năm; gốm sứ xã Bát Tràng (Gia Lâm) đạt 980 tỷ đồng/năm.
Thu nhập của người lao động trong các làng nghề cũng khác nhau tùy theo trình độ tay nghề, loại sản phẩm của làng nghề, thời gian làm việc của người lao động trong tháng. Nghề có thu nhập cao là nghề làm sơn mài, chạm khảm, điêu khắc gỗ mỹ nghệ, gốm sứ,.. và nghề có thu nhập thấp là làm nghề mây tre đan, thêu ren, nón lá.
Tuy nhiên, thu nhập của người lao động làm trong các làng nghề vẫn cao hơn nhiều so với lao động thuần nông và được cải thiện qua các năm, hiện phổ biến ở mức 5-6 triệu đồng/lao động/tháng. Có nhiều làng nghề mức thu nhập của lao động rất cao như làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) thu nhập lao động bình quân đạt 18,5 triệu đồng/người/tháng; làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức thu nhập lao động bình quân đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng...
Sự hình thành và phát triển của các làng nghề đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa khu vực nông thôn ngoại thành, đặc biệt ở các địa phương có làng nghề. Ngoài ra, sự phát triển của các làng nghề kéo theo dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, chuyên chở, kinh doanh hàng hoá, phục vụ ăn uống tại địa phương cũng phát triển và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Trong nhiều xã có làng nghề, cơ cấu lao động trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đã chiếm từ 75 - 85% trong tổng số lao động, lao động thuần nông chỉ còn từ 15 - 25%. Các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho các lao động dôi dư trong quá trình đô thị hoá, từ đó đã phân công lại lực lượng lao động ở nông thôn.
Tuy nhiên, đến nay hình thức sản xuất kinh doanh chính trong các làng nghề vẫn là hộ gia đình và rất ít hộ gia đình phát triển thành các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế, hộ gia đình có hạn chế đến khả năng phát triển sản xuất do quy mô sản xuất nhỏ và không có tư cách pháp nhân nên không đủ sức ký nhận các hợp đồng lớn, không mạnh dạn cải tiến sản phẩm, không đủ điều kiện để cải tiến công nghệ đắt tiền, không đủ tầm vạch ra chiến lược kinh doanh hoặc định hướng phát triển nghề…
Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và nhà nước đang khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân hiện nay, trong các làng nghề đang xuất hiện xu hướng chuyển đổi các hộ gia đình thành doanh nghiệp chính thức như công ty, HTX.