| Hotline: 0983.970.780

Những mô hình làm sạch môi trường nuôi biển: [Bài 1] Túi lưới góp phần giảm rác thải

Thứ Hai 18/12/2023 , 10:56 (GMT+7)

Khoảng 80 - 90% túi đựng thức ăn cho tôm được người nuôi ở Bình Ba, xã Cam Bình (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) chuyển sang dùng rọng (túi lưới), góp phần giảm rác sinh hoạt.

Túi lưới đựng thức ăn sử dụng được nhiều lần

Sáng sớm, tại cầu cảng đảo Bình Ba hoạt động cung cấp thức ăn cho tôm hùm diễn ra sôi động cả trên bờ lẫn dưới biển. Theo người nuôi nơi đây, mỗi ngày có gần chục chiếc tàu cá chở thức ăn đủ loại nào là cá liệt, cá nục, mực, ốc bươu, ốc vặn, con bắp, con tím… cho tôm hùm ăn. Tàu nhỏ thì chở từ 15 - 20 tấn thức ăn, còn tàu lớn từ 40 - 50 tấn, với giá bán trung bình từ 5 - 10 ngàn đồng/kg, cho đến 28 - 30 ngàn đồng/kg (tùy loại).

Mỗi người nuôi trồng thủy sản đều có bạn hàng cung cấp thức ăn cho mình và sẽ nhận thức ăn cho đến khoảng 8 giờ sáng cùng ngày là kết thúc.

Đang loay hoay chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm, anh Lê Dũng ở thôn Bình Ba Đông cho biết, tùy thời điểm tôm thả nuôi sẽ cho ăn mồi khác nhau. Thông thường, tôm hùm mới thả giống được cho ăn mồi sang như mực có giá 60 - 70 ngàn đồng/kg hoặc con ruốc… Còn khi tôm nuôi khoảng 5 tháng trở lên sẽ cho ăn đủ thứ tùy theo điều kiện, sở thích của người nuôi.

Tàu chở thức ăn cho tôm hùm nuôi ở đảo Bình Ba cũng hạn chế sử dụng túi ni lông. Ảnh: KS.

Tàu chở thức ăn cho tôm hùm nuôi ở đảo Bình Ba cũng hạn chế sử dụng túi ni lông. Ảnh: KS.

Như tại hộ anh Dũng, mỗi lồng nuôi từ 400 - 500 con tôm hùm xanh, khẩu phần cho ăn gồm ốc và cá, chi phí khoảng 170 - 200 ngàn đồng/ngày, với tất cả 50 lồng vị chi sẽ khoảng 10 triệu đồng/ngày trở lại.

Theo ghi nhận của chúng tôi, để giúp công việc cho tôm hùm ăn diễn ra thuận lợi và suôn sẻ, các chủ mồi đã phân ra sẵn từng túi thức ăn cho mỗi lồng nuôi theo yêu cầu của người nuôi. Mặt khác, đa số những túi đựng này là bằng lưới, một số thức ăn đặc thù như cá, mực thì mới đựng túi ni lông.

Đưa chúng tôi ra bè nuôi tôm hùm của mình, anh Nguyễn Văn Phương, ở thôn Bình Ba Tây cho biết, thời gian qua, để bảo vệ môi trường vùng nuôi, địa phương thường xuyên tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chính từ bài học mà người nuôi từng trả giá vì môi trường ô nhiễm mà giờ đây người dân đã chuyển biến rõ rệt.

Theo anh Nguyễn Văn Phương, hiện tất cả lồng bè trên địa bàn đã kéo ra xa khu dân cư nhằm tránh ô nhiễm nước sinh hoạt gần bờ. Để hạn chế sử dụng túi ni lông, người nuôi chuyển sang dùng túi lưới mùng may, góp phần bảo vệ môi trường.

Chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm nuôi vào sáng sớm trên đảo Bình Ba. Ảnh: KS.

Chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm nuôi vào sáng sớm trên đảo Bình Ba. Ảnh: KS.

Đối với những thức ăn đựng túi ni lông cũng được người nuôi bỏ trong túi lưới thả xuống lồng nuôi, sau khi cho tôm ăn xong sẽ gom lại chứ không vứt xuống biển bừa bãi như trước đây. Cũng như các hộ nuôi khác, hàng ngày anh Phương hoàn toàn sử dụng túi lưới đựng thức ăn cho tôm và tái sử dụng nhiều lần.

Không vứt rác sinh hoạt xuống biển

Rời bè anh Phương, chúng tôi sang bè anh Nguyễn Luân cũng ở thôn Bình Ba Đông, anh là người rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi. Tất cả rác, thức ăn dư thừa và chai nhựa trong quá trình sinh hoạt trên bè được anh thu gom để đưa vào bờ xử lý.

“Việc bảo vệ môi trường vùng nuôi để cho bản thân và người nuôi có sinh kế lâu dài. Nếu ai cũng xả rác xuống biển thì lâu ngày môi trường vùng nuôi ô nhiễm, tôm cá mình nuôi sẽ thiệt hại đầu tiên”, anh Luân nói.

Tương tự, tại bè tôm của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn (thôn Bình Ba Đông) cũng góp phần bảo vệ môi trường vùng nuôi khi dùng các túi lưới để đựng thức ăn, sau đó vệ sinh rồi dùng lại tiếp.

Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, rác và thức ăn dư thừa cũng được anh gom và đưa vào bờ xử lý. Anh nhận thấy ý thức của bà con trên đảo hiện nay về giữ gìn môi trường đã chuyển biến tích cực nên rác túi ni lông đã hạn chế rất nhiều.

Người nuôi thu gom thức ăn thừa vào bờ xử lý. Ảnh: KS.

Người nuôi thu gom thức ăn thừa vào bờ xử lý. Ảnh: KS.

Theo người nuôi nơi đây, trong bối cảnh chất lượng nguồn nước nuôi ngày càng suy giảm, điều cần làm trước mắt là người nuôi phải tự ý thức trong việc bảo vệ môi trường chung. Thực tế lâu nay cho thấy, mỗi buổi sáng, người nuôi nào cũng lặn xuống biển để làm vệ sinh cho từng lồng nuôi của mình. Do đó, chất thải, thức ăn thừa cũng cần người nuôi thu gom, tránh tạo thành lớp đáy bùn hôi thối làm cho các sinh vật đáy biển mất oxy và chết, sinh ra khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi và gây thiệt hại cho người nuôi.

Ông Võ Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, thời gian qua, địa phương rất quan tâm vấn đề môi trường biển. Giai đoạn 2014 - 2015, UBND xã phát động thành lập 16 tổ tự quản về công tác vệ sinh môi trường trên đảo Bình Ba, đồng thời huy động nguồn kinh phí xã hội hóa làm 2 bè để gom rác sinh hoạt của người nuôi tôm hùm.

Sau này, địa phương học hỏi mô hình các bè nuôi ở vùng Cam Ranh sử dụng túi lưới đựng thức ăn cho tôm, từ đó giao các ban ngành đoàn thể tập trung tuyên truyền cho bà con sử dụng túi lưới. Đồng thời, hàng tuần đều phát trên loa truyền thanh tuyên truyền bà con sử dụng túi lưới, thu gom rác sinh hoạt, thức ăn dư thừa vào bờ xử lý theo quy định.

Xã Cam Bình đang nỗ lực tuyên truyền người nuôi bảo vệ môi trường biển để sinh kế lâu dài. Ảnh: KS.

Xã Cam Bình đang nỗ lực tuyên truyền người nuôi bảo vệ môi trường biển để sinh kế lâu dài. Ảnh: KS.

Đặc biệt những người buôn bán thức ăn cho tôm thấy việc sử dụng túi lưới rất lợi ích, đã hưởng ứng bỏ tiền ra thuê thợ may túi lưới rồi phát cho các hộ nuôi tôm.

Theo ông Võ Ngọc Linh, trải qua hơn 6 năm, đến nay khoảng 80 - 90%  bà con dùng túi lưới để đựng thức ăn cho tôm, chỉ một số thức ăn đặc thù mới dùng túi ni lông. Những túi ni lông sau khi sử dụng xong sẽ cho vào túi lưới mang vào bờ để xử lý theo quy định.

Nhờ việc chuyển sang túi lưới nên những năm gần đây môi trường vùng biển được cải thiện rất nhiều, rác thải từ túi ni lông giảm đáng kể. Vùng nuôi tôm ít xuất hiện bệnh sữa, đỏ thân và đen mang.

Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội nông dân xã Cam Bình cho biết, hiện nay môi trường nước ở đảo Bình Ba đã sạch hơn trước đây rất nhiều do người dân đã ý thức được việc bảo vệ môi trường vùng nuôi. Từ đó, việc nuôi tôm hùm của bà con trên địa bàn xã có năng suất ổn định, rất khả quan.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.