Xung quanh loạt bài: "Bảo vệ môi trường nuôi biển để phát triển bền vững", Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa.
Nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phát triển từ thập niên 90. Đối tượng nuôi trọng điểm gồm tôm hùm và các loại cá biển tại các vịnh như Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang và đầm Nha Phu.
Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, năm 2022, toàn tỉnh thả hơn 68.000 lồng tôm hùm, sản lượng gần 1.400 tấn và gần 8.000 lồng nuôi cá biển, sản lượng khoảng 9.800 tấn. Trong 10 tháng năm 2023, số lượng lồng thả nuôi tôm hùm tăng lên 74.330, sản lượng hơn 1.500 tấn, còn cá biển hơn 10.000 lồng, sản lượng đạt 6.500 tấn. Ngoài ra, một số đối tượng nuôi như cua biển, hàu Thái Bình Dương, tu hài, rong biển đang góp phần giúp người dân ven biển mang lại hiệu quả kinh tế và ổn định.
Có thể nói, nghề nuôi trồng thủy sản trên biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó ý thức người nuôi chưa chú trọng bảo vệ môi trường, còn tình trạng vứt rác sinh hoạt xuống biển, không thu gom thức ăn thừa, xác tôm vào bờ xử lý đúng quy định, mong ông chia sẻ thêm về vấn đề này?
Hiện nay, nguồn phát sinh lượng chất thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản chủ yếu từ thức ăn dư thừa; chất thải từ quá trình bài tiết của thủy sản nuôi (bùn thải); xác thủy sản chết; bao bì chứa thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường; vật liệu làm lồng bè bằng phao xốp, nhựa, bạt lót ao nuôi...
Đối với một số doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản sử dụng thức ăn công nghiệp và vật liệu lồng nuôi HDPE đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, đa số các hộ nuôi nhỏ lẻ chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống, nhiều người nuôi trồng thủy sản vẫn vứt rác sinh hoạt xuống biển, không thu gom túi đựng thức ăn, thức ăn thừa và xác thủy sản chết từ lồng bè vào bờ để xử lý theo quy định. Điều này dẫn đến sự tích tụ của thức ăn thừa và chất thải hữu cơ trong môi trường biển, gây suy giảm chất lượng nước, là nguyên nhân khiến ô nhiễm và khó khăn trong việc quản lý môi trường biển.
Vậy thời quan qua, ngành nông nghiệp Khánh Hòa đã có những hành động, khuyến cáo người nuôi giữ gìn, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ra sao, thưa ông?
Để bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người nuôi thu gom rác sinh hoạt, túi đựng thức ăn, thức ăn thừa và xác thủy sản chết từ lồng bè vào bờ để xử lý theo quy định.
Chúng tôi cũng đã tham mưu tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, Sở NN-PTNT đã ban hành kế hoạch số 768 ngày 19/3/2021 về quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2020 – 2030.
Theo đó, tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản; hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu, phân loại chất thải nhựa từ đầu nguồn.
Đồng thời, vận động người dân hạn chế việc sử dụng túi nilon, túi đựng thức ăn thủy sản, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn như túi giấy, túi vải, lưới sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện một số vùng nuôi trên biển, chẳng hạn ở phường Vĩnh Nguyên (TP Nha Trang) đã thực hiện việc thu gom rác tại các lồng bè nuôi thủy sản để tập kết vào bờ xử lý.
Ngoài ra, chúng tôi còn hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình nuôi hiệu quả, bảo vệ môi trường như: công nghệ nuôi Biofloc, công nghệ nuôi tuần hoàn, quy trình nuôi hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh, chuyển đổi lồng truyền thống sang lồng HDPE...
Thưa ông, bảo vệ môi trường sẽ quyết định sự bền vững trong nuôi biển, tuy nhiên như ông nói hiện nhiều người nuôi còn chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường, vậy trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp mạnh mẽ như thế nào để nghề nuôi biển phát triển bền vững?
Bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản về quản lý Nhà nước đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản và quy định liên quan về bảo vệ môi trường ao/lồng nuôi thủy sản, chúng tôi sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay bảo vệ môi trường đại dương một cách bền vững và có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, tận dụng kinh phí từ các chương trình, dự án được cấp hằng năm, chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương thường xuyên hướng dẫn các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; cơ sở nuôi trồng thuỷ sản duy trì điều kiện về công tác quản lý rác thải, chất thải tại cơ sở.
Chẳng hạn như trang bị các loại thùng rác phù hợp để phân loại rác thải sinh hoạt, rác nhựa tái chế và rác nguy hại. Hằng ngày, sau khi phân loại, các cơ sở phải vận chuyển rác ra khỏi khu vực sản xuất đến khu vực thu gom rác riêng biệt. Hoặc thuê cơ sở thu gom, xử lý chất thải có năng lực theo yêu cầu của pháp luật.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra và giám sát hoạt động của người nuôi trồng thủy sản để đảm bảo tuân thủ các quy định.
Về lâu dài, chúng tôi nhận thấy việc quy hoạch và tổ chức bảo vệ môi trường vùng nuôi là rất quan trọng trong việc đảm bảo sự bền vững và quản lý hiệu quả cho ngành nuôi trồng thủy sản. Do đó, chúng tôi đang triển khai quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt và Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa.
Từ đó, đầu tư hạ tầng vùng nuôi, thực hiện thả phao tiêu, chia lô phân luồng lạch để vừa tạo mỹ quan, vừa đảm bảo sức tải môi trường vùng nuôi, tránh ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, tổ chức sắp xếp lại số lượng lồng bè ven bờ, thực hiện giao khu vực biển để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống. Tuyên truyền hướng dẫn chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng vật liệu mới, chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn, kết hợp với mô hình du lịch biển.
Áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như: công nghệ lồng nổi HDPE, có thể di chuyển được, cùng với các công nghệ bổ trợ như: cho ăn tự động, giám sát các yếu tố môi trường tự động (đo đạc, quan trắc các yếu tố môi trường cơ bản, có liên quan trực tiếp đến vật nuôi), năng lượng mặt trời, camera giám sát hoạt động sống của vật nuôi (trong phạm vi lồng nuôi và vùng nước lân cận nhỏ hơn 10m. Đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Công nghệ nuôi đa loài tích hợp IMTA (cá, giáp xác, nhuyễn thể, rong biển), nuôi tích hợp đa ngành…
Xin cảm ơn ông!