| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa sẽ có chính sách hỗ trợ chuyển đổi lồng HDPE

Thứ Sáu 15/12/2023 , 11:00 (GMT+7)

Hiệu quả lồng HDPE thể hiện vượt trội so với lồng gỗ truyền thống, nhưng người nuôi trăn trở vì chi phí đầu tư lồng này quá lớn nên cần có chính sách hỗ trợ.

Tỉnh Khánh Hòa đang thúc đẩy phát triển nuôi biển với công nghệ hiện đại, sử dụng lồng nuôi HDPE để thích ứng với thiên tai. Ảnh: Kim Sơ.

Tỉnh Khánh Hòa đang thúc đẩy phát triển nuôi biển với công nghệ hiện đại, sử dụng lồng nuôi HDPE để thích ứng với thiên tai. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Nguyễn Xuân Hòa ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho biết, trước đa lợi ích của lồng HDPE mang lại, bà con nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn huyện đã tuyên truyền với nhau để chuyển đổi từ lồng bè gỗ truyền thống sang lồng HDPE. Tuy nhiên do địa phương chưa bàn giao mặt nước nên bà con không yên tâm đầu tư.

Còn ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong cho biết, HTX có 10 hộ sử dụng lồng HDPE nuôi biển rất hiệu quả. Hiện bà con trên vịnh Vân Phong muốn chuyển đổi hết sang lồng HDPE để chống chịu tốt với sóng gió, đảm bảo nuôi trồng thuận lợi. Tuy nhiên, điều bà con đang trăn trở là các lồng nuôi HDPE có chi phí cao, cùng với đó, việc chưa được chính quyền địa phương giao mặt nước khiến việc chuyển đổi của bà con gặp nhiều khó khăn.

Được biết, mỗi lồng tròn HDPE đường kính 10m hiện có giá khoảng 180 triệu đồng, còn lồng vuông khoảng 30 - 35 triệu đồng. Do đó, bà con mong muốn có chính sách hỗ trợ để chuyển dần từ lồng gỗ truyền thống sang lồng HDPE nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng với thiên tai.

Ông Phạm Ngọc Luyện, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, gió bão thường xuyên xảy ra, Phòng Kinh tế huyện đã đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ngành có liên quan tiếp tục tạo điều kiện để nhân rộng các mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE.

Lồng nuôi HDPE rất chắc chắn, chịu sóng gió tốt hơn nhiều so với lồng gỗ truyền thống. Ảnh: Kim Sơ.

Lồng nuôi HDPE rất chắc chắn, chịu sóng gió tốt hơn nhiều so với lồng gỗ truyền thống. Ảnh: Kim Sơ.

Đồng thời sớm xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngư dân từng bước chuyển đổi nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới và có liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản.

Bên cạnh đó, theo định hướng điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, vùng mặt nước nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn huyện Vạn Ninh sẽ thu hẹp rất nhiều và định hướng nuôi trồng theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Do đó, Phòng Kinh tế huyện đã kiến nghị với UBND tỉnh Khánh Hòa quan tâm xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân nuôi trồng thủy sản lồng bè bị ảnh hưởng bởi các dự án triển khai trong thời gian tới.

Ngoài dự án khuyến nông hỗ trợ người nuôi tiếp cận lồng nuôi HDPE, theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, hiện Sở đã phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) thực hiện hỗ trợ 10 hộ dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển ở vịnh Cam Ranh. Đến nay, đã có 6 hộ dân được hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng HDPE.

Những hộ này sử dụng các thiết bị nuôi biển có hệ thống tự động, một cụm lồng nuôi có camera giám sát, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên thiết bị điện tử. Trong quá trình nuôi thí điểm, hệ thống lồng nuôi tiếp tục được điều chỉnh kết cấu để phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc thù của ngư dân địa phương.

Dự kiến, tôm hùm trong mô hình khi thu hoạch sẽ đạt năng suất tối thiểu 5kg/m3, tôm thương phẩm kích cỡ 0,6 - 0,7kg/con, tỷ lệ sống đạt ≥70% sau thời gian 8 tháng nuôi. Hiệu quả kinh tế tăng 15% so với nuôi theo lồng gỗ truyền thống.

Người nuôi biển mong muốn sớm có chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang lồng HDPE. Ảnh: Kim Sơ.

Người nuôi biển mong muốn sớm có chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang lồng HDPE. Ảnh: Kim Sơ.

Cũng theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, về cơ bản, kỹ thuật nuôi các đối tượng và công nghệ chế tạo vật liệu mới lồng HDPE sử dụng nuôi biển đã có trên thị trường. Tuy nhiên, hiện còn thiếu những mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế và cơ chế chính sách để khuyến khích hộ dân đầu tư chuyển đổi để tiến tới nuôi công nghiệp ở các vùng biển hở và xa bờ trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết: Để triển khai hiệu quả chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và hỗ trợ người dân hạn chế rủi ro khi nuôi trồng thuỷ sản, Sở đã xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi truyền thống sang lồng vật liệu HDPE trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đề xuất phương án hỗ trợ một lần 30% chi phí mua mới lồng nuôi HDPE với lộ trình thực hiện chuyển đổi 100% trong giai đoạn 5 năm. Tuy nhiên, nguồn kinh phí dự kiến thực hiện hỗ trợ vượt quá nguồn ngân sách của tỉnh. Do đó, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đang nghiên cứu xây dựng phương án khác về hỗ trợ % lãi suất cho vay khi người dân đầu tư mua mới lồng nuôi HDPE thay vì hỗ trợ 1 lần sau đầu tư cho phù hợp với thực tế của địa phương.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đối với vùng ven bờ, tỉnh sẽ thực hiện giao mặt nước biển cho người dân theo Điều 44, Luật Thủy sản 2017 để người nuôi trồng thủy sản yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định đời sống. Đối với vùng biển hở, sẽ kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, có tiềm lực đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại để tăng nhanh hơn nữa sản lượng nuôi biển.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Quảng Trị sẽ hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trước 20/1

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân hoàn thành gieo cấy trước 20/1.