| Hotline: 0983.970.780

Những người minh triết nhất của buôn làng Tây Nguyên

Thứ Hai 20/05/2019 , 09:05 (GMT+7)

Nhà văn Nguyên Ngọc đã đưa ra khái niệm già làng. Và, không thể có khái niệm nào đầy đủ và chuẩn xác hơn thế, về già làng.

Đó là "Trong các làng Tây Nguyên, già làng là người được kính trọng nhất. Bởi đó là người hiền minh nhất của làng: Người hiểu biết tường tận rừng núi, sông suối, đất đai, cây cỏ, nắng mưa, hiểu biết sâu sắc lịch sử cha ông và luật tục của cộng đồng, người từng trải nhất, người hội tụ kinh nghiệm lâu đời và nguyện vọng sâu xa nhất của công đồng. Người già làng hình thành các quyết định của mình liên quan đến vận mệnh của làng bằng cái trí tuệ sâu sắc do ông thường xuyên "la cà" thâm nhập bình đẳng, thân tình, gắn bó trong đời sống của cộng đồng mà có được; và quyết định đó, ông lại "la cà" thâm nhập bàn bạc với dân làng để nó trở thành hành động chung. Một thứ dân chủ ở cơ sở sơ khai, trong sáng và hiệu quả...".

Già làng- dĩ nhiên là người già; dĩ nhiên là đàn ông. Nhưng thời gian gần đây, có nhiều già làng tôi gặp, tuổi chỉ ngoài bốn mươi. Và, không ít già làng là... phụ nữ.

Có một vị già làng mà tôi vô cùng ấn tượng: Nữ già làng K'sor H'Lâm (làng Krông, xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai). Thời trẻ, bà đã có hai năm được ra miền Bắc học tập, sau đó trở về quê, đánh giặc, mang đến hàm Thượng úy quân đội. Hết giặc, bà trở về làm... dân. Tuy nhiên không chịu nhìn thấy cảnh dân làng mình mông muội lạc hậu, mãi quẩn quanh với cái đói nên bà... làm già làng- tất nhiên là được dân làng bầu.

14-01-46_nu_gi_lng_ksor_lm
Nữ già làng K'sor H'Lâm

Làm già làng, bà luôn "la cà"- chữ của nhà văn Nguyên Ngọc- với dân làng, hướng dẫn nhân dân làm ăn, biết áp dụng kiến thức mới trong lao động sản xuất, biết cách ứng xử với nhau, biết cách vệ sinh nhà cửa, buôn làng... Có lần, vì tuyên truyền với cộng đồng làng trong việc áp dụng lối sống mới, không phù hợp với một số tập tục lạc hậu của cộng đồng mà bà suýt bị cộng đồng đuổi ra khỏi làng. Tuy nhiên sau nghĩ lại, thấy bà nói đúng nên dân làng nghe lời, càng quý trọng bà hơn.

"Sống trong khu vực biên giới nên tình hình an ninh chính trị rất phực tạp. Chính vì vậy, nắm được đường lối của Đảng và Nhà nước, già đã phối hợp với các cán bộ biên phòng, với chính quyền địa phương để đến từng nhà dân, nắm bắt tinh thần, khó khăn sau đó tuyên truyền cho bà con về xây dựng kinh tế, không tin theo lời kẻ xấu vượt biên trái phép, xóa bỏ hủ tuc...".

Một nữ già làng được cộng đồng làng suy tôn đến... mê tín như thế thì ở Tây Nguyên, từ trước đến nay, chỉ có mình bà K'sor H'Lâm.

Một nữ già làng khác mà tôi được gặp, đó là bà Ro Da Nai Linh- già làng ở tổ dân phố M'lom (thị trấn Thạnh Mỹ- huyện Đơn Dương, Lâm Đồng). Bà Nai Linh năm nay 62 tuổi, được dân làng bầu làm già làng từ năm 2008. Trong hàng trăm ngôi làng ở huyện Đơn Dương thì bà là nữ già làng duy nhất. Già làng nai Linh thuộc việc làng cứ như việc của nhà mình vậy.

14-01-46_nu_gi_lng_ro_d_ni_linh
Nữ già làng Ro Da Nai Linh

Bà cho biết: Trước kia, làng M'lom có nhiều hộ nghèo, thậm chí còn có hộ thiếu đói nữa. Từ khi những chương trình của Nhà nước đầu tư vào địa phương như chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới... buôn làng bắt đầu thay da đổi thịt. Vừa là già làng, vừa là Trưởng ban công tác dân vận, bà Nai Linh thường xuyên "la cà", nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân làng, từ đó vận động bà con siêng năng lao động sản xuất, biết áp dụng những cái mới trong sản xuất, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày...

Bây giờ, làng M'lom có 306 hộ với 1.456 nhân khẩu, chỉ còn có 3 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo. "Bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, biết cách bón phân, tưới tiết kiệm. Con em trong làng đến tuổi đều được đi học, đau ốm thì đến khám và điều trị ở bệnh viện chứ không tìm đến thầy cúng thầy bói nữa..."- già làng Ro Da nai Linh nói.

Tại Hội nghị tôn vinh những già làng tiêu biểu các tỉnh Tây Nguyên, vừa được tổ chức ở thành phố Pleiku (Gia Lai), tôi gặp một vị già làng đến từ tỉnh Lâm Đồng: Già K'Bông (làng Ryêng, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà).

14-01-46_gi_lng_kbong
Già làng K'Bông

Ông già bảy mươi đầu bạc như cước, nhưng cơ thể thì tráng kiện như con voi trong rừng già. Già làng K'Bông cho biết: Làng Ryêng hiện có 147 hộ với 422 nhân khẩu. Bản thân ông làm già làng từ lâu lắm rồi- "Tôi cũng không nhớ là mình được dân làng bầu làm già làng từ năm nào nữa.

Tuy lớn tuổi nhưng còn sức khỏe nên mình cứ cống hiến thôi. Khi nào dân làng bảo nghỉ thì mình nghỉ"- cái "triết lý làm quan" vô cùng đơn giản của người Tây Nguyên, nhưng hiệu quả công việc thì không hề nhỏ tý nào. Từ khi làm già làng, ông luôn cùng những người già trong làng di đến từng nhà để thăm hỏi, nắm bắt tình hình để từ đó, vận động bà con trong nhiều lĩnh vực.

Làng Ryêng giờ nhà nào cũng trồng cà phê. Bà con luôn áp dụng những biện pháp thâm canh tiên tiến. "Cà phê năm được năm mất, đó là chuyện bình thường. Bà con làng Ryêng chúng tôi từ lâu đã gắn bó với cây cà phê, ai cũng biết áp dụng phương pháp thâm canh cà phê tiên tiến, tưới nước, bón phân tiết kiệm. Bà con còn chịu khó học hỏi cách làm ăn của người kinh nên không ít nhà giờ đã giàu lắm"- già K'Bông nói. Làng Ryêng không còn hộ nghèo, hộ đói, số học khá và giàu trong làng là rất nhiều.

Cũng tại hội nghị tôn vinh những già làng tiêu biểu các tỉnh Tây Nguyên, tôi gặp ông già BahNar Đinh Yem- già làng của làng Đăk Djang (xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai).

14-01-46_gi_lng_dinh_yem
Già làng Đinh Yem

"Mình không nhớ là mình bao nhiêu tuổi, chỉ biết là mình đã sống qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Làng Bok Núp cách làng mình không xa nên từ nhỏ, mình đã được gặp Bok Nup. Bok Núp là già làng của tất cả các buôn làng Tây Nguyên này đấy. Được dân làng bầu làm già làng, mình noi gương Bok Núp để không phụ lòng dân làng"- già Đinh Yem nói.

Kbang đã là cái nôi cách mạng lâu đời. Từ xưa bà con đã đi theo Bok Núp cầm cung, cầm nỏ đánh giặc. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân luôn chủ động phối hợp với chính quyền và già làng để phát triển kinh tế. Theo đó, đời sống của dân làng ngày càng đổi thay theo hướng tích cực: Làng không còn hộ đói, trẻ con được đến trường, người lớn thì chăm chỉ làm ăn mà không vào rừng chặt gỗ nữa, đau ốm đã có bệnh viện...

"Dân làng mình vui lắm, ai cũng tin tưởng vào Nhà nước, vào chính quyền địa phương"- già Yem vui vẻ nhận xét.

...

Còn rất nhiều, rất nhiều những già làng khác nữa mà tôi đã từng gặp. Đó là những thủ lĩnh- những người minh triết nhất của các buôn làng Tây Nguyên.

Với họ- buôn làng là máu thịt.

Với buôn làng- họ là linh hồn.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.