| Hotline: 0983.970.780

Những người nặng lòng với núi

Thứ Năm 12/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Sau 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả vùng đất núi Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) đã thay da đổi thịt từng ngày, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá.

Chúng tôi xin giới thiệu một số gương mặt điển hình.

1. Ông Võ Văn Quýt (Út Quýt) xuất thân từ một gia đình nghèo trên vùng Bảy Núi (An Giang) ngày đêm trăn trở không biết phải làm gì để nuôi sống gia đình. Nhưng từ khi ông chọn vùng đất Ba Xoài dưới chân núi Cấm, thuộc xã An Cư, huyện Tịnh Biên để khai hoang lập nghiệp mà gia đình ông đã dần khá lên.

Một lần ghé thăm, ông Út Quýt tâm sự với tôi: “Lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất hoang vu này, vợ chồng tôi đã quyết tâm bám đất bám rừng, suốt ngày cần cù chăm chỉ, ngày nắng cũng như mưa, cuốc tới đâu gieo mầm tới đó với hy vọng mình thương rừng, rừng sẽ không phụ mình”.

Năm 1980. Lúc đầu ông trồng khoai, trồng đậu và các loại rau màu. Nhưng gieo trồng đã khó, việc chăm sóc, giữ gìn càng khó hơn, vì lúc bấy giờ lũ khỉ và heo rừng luôn rình rập phá phách khiến ông phải ngày đêm canh giữ, mất ăn mất ngủ. Đó là chưa kể tới rắn rết, muỗi mòng, khô hạn, thiếu ăn, thiếu nước. Tất cả những khó khăn thiếu thốn đó đã làm cho bao nhiêu người chùn bước phải bỏ núi ra đi.

Đến năm 1996, được sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm huyện Tinh Biên, ông đã nhận 1.000 gốc xoài Cát Bưởi đem về trồng trên 5 ha đất đồi dọc theo triền núi. Ông nhớ lại: “Hồi đó, khi kiểm lâm mời bà con đến nhận xoài giống về trồng, ai cũng ngán ngại. Riêng mình thì lại hăng hái tham gia dự án trồng xoài với hy vọng “rừng sẽ trả ơn người”.

Đúng như ước nguyện, chỉ sau 4 năm, vườn xoài của ông đã ra hoa kết trái, lợi nhuận mỗi năm đều tăng lên. Để tăng thu nhập và đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông đã trồng thêm các loại xoài đặc sản như xoài Thái Lan, xoài cát Hòa Lộc… mỗi vụ thu hoặc hàng chục tấn.

Bằng mồ hôi, trí tuệ và công sức của mình, hơn 20 năm qua, ông đã góp phần thiết thực vào việc phủ xanh đồi núi trọc, cải tạo đất đai và bảo vệ môi sinh, môi trường. Giờ đây, bao nhiêu nhọc nhằn, gian khổ của vợ chồng ông đều được “rừng trả ơn” một cách xứng đáng.

Hiện nay, ông Quýt là một trong những nông dân tiêu biểu trên vùng Bảy Núi, bình quân mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng, một con số mà cách nay 20 năm ông nằm mơ cũng không thấy.

2. Ông Trần Văn Cáp vốn là một nông dân nghèo khổ, chuyên sống bằng nghề rừng, nghề rẫy nhưng vì đất cát khô cằn, có trồng mà không có ăn. Mãi đến năm 2007, sau khi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, ông đã quyết định lên núi khai hoang đất rừng nằm dưới chân núi Cấm, thuộc xã An Cư, huyện Tịnh Biên để trồng xoài và chọn giống xoài Đài Loan làm cây chủ lực.

Nhiều lần ông tâm sự: “Vừa đặt chân đến vùng đất sỏi đá khô cằn này, vợ chồng tôi đã vắt kiệt sức, quyết tâm bám lấy từng tấc đất, tấc rừng”.

Lúc đầu ông trồng khoai mì, đậu và một ít rau màu, nhưng hiệu quả không cao do thời tiết khắc nghiệt, nhất là mùa nắng nóng đã làm cho cây cối, hoa màu trở nên khô héo, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Đến khi trồng xoài, ông mới nhận được những tín hiệu khả quan, cành nhánh phát triển nhanh, màu lá xanh tươi. Có lẽ cây xoài thích nghi với thổ nhưỡng, thời tiết và môi trường của vùng đất núi.

Sau 3 năm miệt mài chăm sóc, vườn xoài của ông đã bắt đầu ra bông nhưng do thiếu nước, trời nắng gay gắt làm cây phát triển chậm, thậm chí èo uột khiến ông ngày đêm lo lắng phải nghĩ cách nào để tìm nguồn nước tưới trong những ngày khô hạn, nhất là đối với những cây vừa mới trồng.

Đúng là “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, nhiều nông dân trên vùng Bảy Núi đã biến vùng đất đá khô cằn thành vàng. Thật đáng khâm phục.

Ông cho biết, xoài trên vùng Bảy Núi có nhiều giống, từ xoài Thanh Ca bản địa cho đến xoài Cát Chu, xoài Cát Bưởi, xoài cát Hòa Lộc, nhưng gần đây, cây xoài Đài Loan đã bén rễ và có duyên với vùng đất núi nhờ giá cao, đầu ra ổn định. Xoài Đài Loan trái to (nặng trung bình 1 kg/trái), thịt giòn, ngọt, dùng ăn sống nên thu hút nhiều người mua.

Ông phấn khởi cho biết, năm 2014 các thương lái đã đến tận vườn thu mua với giá dao động từ 16.000 - 24.000 đ/kg, ông thu về trên 150 triệu đồng. Ông hy vọng các năm sau năng suất sẽ cao hơn vì cây càng to trái càng nhiều.

Nhìn ông, từ một nông dân nghèo, chỉ có hai bàn tay trắng mà giờ đây đã khá lên khiến tôi vô cùng cảm phục về sức bền bỉ chịu đựng và nghị lực phi thường của một người nặng lòng với núi. Ngoài lợi ích kinh tế, ông còn tích cực góp phần vào việc phủ xanh đồi núi trọc, cải tạo đất đai và bảo vệ môi sinh, môi trường. Có thể nói mỗi tất đất, mỗi vườn cây, luống rẫy nơi đây đều thấm đẫm bao mồ hôi của vợ chồng, con cái ông.

3. Người thứ ba mà tôi muốn đề cập là ông Trần Văn Danh ở ấp An Thạnh, xã An Hảo, Tịnh Biên. Ông là chủ nhân của một vườn quýt đường ngay dưới chân núi Cấm. Ông tâm sự: “Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, tôi đã phát hiện ra trên vùng đất núi rất có tiềm năng phát triển các loài cây có múi. Từ đó tôi mới tìm hiều, học hỏi về đặc tính của cây quýt đường và kỹ thuật chăm sóc như thế nào trước khi đặt chân đến vùng sỏi đá mà nhiều người cho tôi là kẻ mạo hiểm”.

Năm 2011 ông Danh đã xin phép ngành Kiểm lâm cho mở vườn đồi. Sau đó, ông ra Định Quán mua 1.500 cây quýt đường đem về xuống giống trên diện tích 13.000 m2. Không giống như cách trồng ở đồng bằng là phải lên liếp, xẻ mương, ở đây ông dựa vào địa thế, tận dụng đất cát chen giữa các vồ đá, chỗ nào có đất là đào lỗ xuống cây. Ông cho biết, khó khăn lớn nhất đối với ông là nước tưới trong mùa khô hạn.

Ba năm vất vả đã đi qua, vườn quýt ngày càng phát triển, xanh mướt, mượt mà và băt đầu cho trái chín. Nhiều cán bộ nông nghiệp đến tham quan đều có chung một nhận xét quýt đường trồng trên núi có sức sống mạnh hơn, trái to, ngọt và màu sắc cũng óng ả hơn quít ở đồng bằng. Có lẽ nhờ môi trường, khí hậu ổn định và tiết trời lành lạnh về đêm, thích hợp với loài cây có múi.

Cuối năm 2014, tuy là năm đầu tiên cho trái chín nhưng ông đã thu hoạch trên 25 tấn trái, bán tại chỗ cho thương lái với giá 13.000 đ/kg, thu về 300 triệu đồng. Số còn lại để bán dịp tết khoảng 2 tấn trái.

Xem thêm
Chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo môi trường để hạn chế bệnh dịch

Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh giúp đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Đi tìm ‘bàn tay vàng’ xứ chè

THÁI NGUYÊN Lễ hội Trà năm 2024 sẽ được huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) tổ chức vào đầu tháng 5 với nhiều nội dung, chương trình đặc sắc.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.