Gia đình bà Đặng Thị Nái, xã Tân Lập (huyện Chợ Đồn) có 5 con bò, trong đó có 4 con mới được mua từ nơi khác về nuôi. Sau vài ngày, đàn bò có biểu hiện ốm, ăn ít, giống với biểu hiện của bệnh lở mồm long móng.
Hàng xóm nhà bà Nái, hộ ông Giàng Sè Sính cũng có 6 con bò xuất hiện những triệu chứng như trên. Ngay sau đó 2 gia đình đã rắc vôi, phun khử trùng và báo lên chính quyền địa phương.
Sau khi nhận được thông tin, UBND xã Tân Lập phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Đồn thực hiện kiểm tra đàn bò. Kết quả cho thấy, biểu hiện lâm sàng 11 con bò của 2 hộ nói trên giống bệnh lở mồm long móng.
Ông Lèng Văn Hiệu, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, sau khi phát hiện đàn gia súc có biểu hiện nghi mắc bệnh lở mồm long móng, xã cũng đã yêu cầu phun khử trùng một ngày hai lần với những hộ nghi có dịch.
Xã đã thực hiện khoanh vùng tránh lây lan, tiêm phòng nhắc lại đối với đàn gia súc, yêu cầu người dân không được vận chuyển gia súc ra, vào địa phương trong thời gian này.
Bà Hoàng Thị Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Đồn cho biết, Trung tâm đã cấp thêm 200 liều vacxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng và 36 lít hóa chất cho xã Tân Lập để phòng chống dịch.
Phối hợp với xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch. Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người dân khi mua trâu, bò ở nơi khác về nuôi cần tìm hiểu nguồn gốc, tiêm phòng vacxin đầy đủ.
Tại Bắc Kạn, ngành chăn nuôi có vai trò quan trọng, trong đó nuôi gia súc mang lại nguồn thu đáng kể cho hàng nghìn hộ mỗi năm. Hiện nay, tổng đàn gia súc của tỉnh Bắc Kạn hơn 50.000 con. Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, dịch bùng phát ở nhiều nơi, chăn nuôi gia súc trở thành cứu cánh cho nhiều nông hộ ở Bắc Kạn.
Những năm gần đây, việc tiêm phòng bệnh lở mồm long móng được tỉnh Bắc Kạn triển khai bài bản nên dịch bệnh đã lắng xuống, không xuất hiện ổ dịch, tuy nhiên, mầm mống lây bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao. Tại vùng nông thôn, người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc tiêm phòng vacxin, thói quen chăn thả gia súc khó kiểm soát dịch.
Theo ông Dương Thanh Trầm, Chủ tịch UBND xã Công Bằng (huyện Pác Nặm), trước đây người dân thả trâu, bò ở xa nhà nên tiêm phòng gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tiêm đạt thấp. Nhưng vài năm gần đây, nhận thức của người dân đã thay đổi, riêng năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng bệnh lở mồm long móng đạt gần 90%.
Tại Bắc Kạn hiện cũng có chợ trâu, bò Nghiên Loan (huyện Pác Nặm), đây là chợ buôn bán trâu, bò quy mô lớn nhất, nhì miền Bắc, mỗi phiên có hàng nghìn con được các thương lái từ nhiều tỉnh mang đến giao dịch. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, dù đã kiểm soát chặt chẽ, nhưng nguy cơ mầm bệnh lây lan từ chợ vẫn thường trực.
Ông Lê Tuấn Mậu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết, trước khi trâu, bò đưa vào chợ, thương lái phải đưa gia súc qua chốt của ban quản lý chợ để lực lượng thú y kiểm tra. Trong quá trình giao dịch khi chủ hàng có nhu cầu vận chuyển trâu, bò ra khỏi tỉnh sẽ kiểm tra và cấp kiểm dịch.
Để cấp kiểm dịch, trâu bò phải được kiểm tra lâm sàng, sau đó tiến hành phun tiêu độc khử trùng rồi mới được vận chuyển ra khỏi địa bàn.
Trong bối cảnh dịch lở mồm long móng có thể quay trở lại, cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo người chăn nuôi cần tiêm phòng vacxin lở mồm long móng đầy đủ.
Người chăn nuôi phải thực hiện tốt 5 không, không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển gia súc, không giết mổ, tiêu thụ gia súc chết, không vứt gia súc chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý cho gia súc ăn.