| Hotline: 0983.970.780

'Sợi dây' cao su kết nối Việt - Cam

Những quản lý người Campuchia trong công ty cao su Việt Nam

Thứ Sáu 06/09/2024 , 12:21 (GMT+7)

Không chỉ lao động trực tiếp, khối quản lý gián tiếp của Cao su Phước Hòa Kampong Thom đang dần xuất hiện nhiều nhân sự người Campuchia đáp ứng được yêu cầu về năng lực.

Trụ sở của Công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa Kampong Thom được xây dựng theo kiến trúc của người Campuchia trong rừng cao su. Ảnh: Tùng Đinh.

Trụ sở của Công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa Kampong Thom được xây dựng theo kiến trúc của người Campuchia trong rừng cao su. Ảnh: Tùng Đinh.

Biết tiếng Việt, hiểu người Campuchia

Là thế hệ thứ 2 trong gia đình người Campuchia gắn bó với cây cao su của Công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa Kampong Thom, Moeurng Vanng mới được cất nhắc lên vị trí Phó Giám đốc Nông trường 3 của công ty cách đây hơn 2 tháng.

Cha mẹ Vanng là công nhân của công ty, sau khi học xong lớp 12, chàng trai sinh năm 1989 quyết định tiếp tục gắn bó với cây cao su chứ không ra thành phố hay lên thủ đô làm việc. Ngoài thu nhập ổn định, tiết kiệm chi phí so với đi làm xa, anh còn được ở gần cha mẹ và có thời gian tăng gia nông nghiệp sau giờ làm.

Xuất phát với vai trò là công nhân chăm sóc cao su vào năm 2009, với năng lực của mình, Vanng được nâng lên làm Tổ trưởng Tổ chăm sóc cao su của Nông trường 3 rồi sau đó là Phó Giám đốc Nông trường 3 vào ngày 1/6/2024.

Bằng vốn tiếng Việt của mình, Vanng chia sẻ: “Khi làm tổ trưởng, tôi quản lý hơn 100 công nhân, còn ở vị trí mới này, tổng số nâng lên 401 người. Tất cả đều là người Campuchia”.

Mặc dù đã rất quen với công việc chuyên môn nhưng khi làm Phó Giám đốc Nông trường, Vanng thừa nhận còn bỡ ngỡ và đang phải tiếp tục học hỏi để sắp xếp công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý.

Hiện nay, cuối tuần Vanng được bố trí đi học thêm về kỹ năng quản lý công việc. Còn vợ anh, trước cũng làm công nhân cao su nhưng nay đã nghỉ, ở nhà buôn bán nhỏ và chăm sóc 2 con. Kể từ khi lên vị trí Phó Giám đốc Nông trường, thu nhập của Vanng chuyển từ riel sang USD, bây giờ mỗi tháng anh được nhận 700 USD.

Moeurng Vanng (phải) và Buoy Sophorn là những cán bộ quản lý gián tiếp người Campuchia trong hệ thống của Cao su Phước Hòa Kampong Thom. Ảnh: Tùng Đinh.

Moeurng Vanng (phải) và Buoy Sophorn là những cán bộ quản lý gián tiếp người Campuchia trong hệ thống của Cao su Phước Hòa Kampong Thom. Ảnh: Tùng Đinh.

Hơn Vanng 8 tuổi, Buoy Sophorn hiện là Trưởng phòng Thanh tra, bảo vệ của Cao su Phước Hòa Kampong Thom, quản lý 78 nhân viên an ninh, bảo vệ của công ty. Nhiệm vụ của lực lượng này là bảo vệ tài sản như cây, mủ, cơ sở vật chất và duy trì an ninh, trật tự trong khu vực công ty quản lý.

Khác với Vanng, Sophorn rất thạo tiếng Việt, do đã có 5 năm học đại học ở Hà Nội. "Mình học Đại học Kinh tế quốc dân ở Hà Nội trong 5 năm. Ra trường năm 2009, qua giới thiệu của bạn bè, mình đến Cao su Phước Hòa Kampong Thom xin việc", Trưởng phòng người Campuchia kể lại.

Với chuyên ngành ngân hàng, Sophorn vào công ty với vai trò chuyên viên Phòng Tổ chức. Khi đó, thanh tra, bảo vệ chỉ là một ban của Phòng Tổ chức. Đến năm 2022, ban mới tách riêng thành Phòng Thanh tra, bảo vệ và Sophorn làm trưởng phòng từ thời điểm đó, hiện giờ thu nhập đạt mức 900 USD/tháng.

Ông Trần Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Phước Hòa Kampong Thom chia sẻ về hoạt động của đơn vị ở Campuchia. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trần Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Phước Hòa Kampong Thom chia sẻ về hoạt động của đơn vị ở Campuchia. Ảnh: Tùng Đinh.

Có thể thấy, đây là công việc nên dành cho người bản địa và Sophorn cũng chia sẻ, mặc dù trái chuyên ngành đào tạo nhưng lãnh đạo công ty chọn anh cho vị trí này vì sự phù hợp: "Công việc của chúng tôi phải tiếp xúc nhiều với lực lượng an ninh địa phương, trao đổi nhiều với công nhân, bảo vệ cũng như người dân bản địa".

Trưởng thành từ những vị trí trực tiếp, biết tiếng Việt và rất hiểu người Campuchia, những quản lý gián tiếp như Vanng hay Sophorn đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa lãnh đạo công ty với người lao động. Nếu với lao động mới, họ có thể hướng dẫn, đào tạo một cách bài bản, thì với lao động có thâm niên họ lại truyền tải được các chế độ, chính sách của công ty rất hiệu quả.

Đồng thời, do là người bản địa, những ý kiến tư vấn, tham mưu của họ với lãnh đạo cấp trên về văn hóa, phong tục tập quán của công nhân Campuchia cũng có giá trị rất lớn trong quản lý chung.

Thay đổi bộ mặt, kết chặt bang giao

Đều có 15 năm gắn bó với Phước Hòa Kampong Thom, Vanng hay Sophorn đều nói, ngày trước người dân ở đây gặp vô vàn khó khăn. Đường sá, điện nước không có, một số thì du canh du cư, sống phụ thuộc vào rừng, số khác thì đi Phnom Penh, đi Thái Lan kiếm sống. Bây giờ, khu vực lân cận của công ty phát triển vượt trội, đường đi thuận tiện, trải nhựa đến từng phum (làng, bản).

Với công nhân, họ được cấp nhà ở, cấp nước sạch miễn phí, điện lưới kéo về tận phòng, con cái được đi học cùng nhiều chế độ ưu đãi khác như tiền thưởng, tiền phụ cấp, nhu yếu phẩm, bữa ăn giữa ca... Quan trọng nhất là thu nhập ổn định, trung bình đạt mức 1,35 triệu riel/tháng (tương đương 8,1 triệu đồng) và tiết kiệm được nhiều chi phí sinh hoạt.

Chia sẻ sâu hơn, ông Trần Hoàng Giang, Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa Kampong Thom nói: "Ngoài nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lực lượng công nhân, sự hiện diện của công ty cũng góp phần tạo sự chuyển biến, thay đổi bộ mặt cho cộng đồng lân cận, phát triển mạnh về kinh tế, dịch vụ".

Theo ông Giang, điều đáng ghi nhận nhất là từ lúc cây cao su có mặt ở đây và chứng minh được hiệu quả, người dân Campuchia rất đồng thuận, ủng hộ giúp tình hình an ninh cực kỳ ổn định.

Người đứng đầu Cao su Phước hòa Kampong Thong tự hào nói, những gì công ty đã làm được trong 15 năm qua, đã góp phần vào việc thắt chặt quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Campuchia.

Cánh đồng cao su bạt ngàn, xanh mướt của Công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa Kampong Thom. Ảnh: Tùng Đinh.

Cánh đồng cao su bạt ngàn, xanh mướt của Công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa Kampong Thom. Ảnh: Tùng Đinh.

Quay trở lại câu chuyện cán bộ quản lý gián tiếp là người Campuchia, ông Trần Hoàng Giang nói, họ là người bản địa, hiểu rõ văn hóa, đời sống, phong tục tập quán và có ngôn ngữ để giao tiếp thuận lợi. Qua đó, có thể truyền đạt được những chủ trương, chính sách từ lãnh đạo đến công nhân một cách hiệu quả mà người Việt sẽ gặp phải những rào cản nhất định.

Hiện nay, công ty có 3 nông trường, mỗi nông trường có 4 đội sản xuất, mỗi đội có 1 đội trưởng và 2 đội phó. Và 100% đội trưởng, đội phó này là người Campuchia.

Ở cấp nông trường, hiện mỗi đơn vị có 1 Giám đốc và 1 Phó Giám đốc nhưng mới chỉ 1 Phó Giám đốc người bản địa, mục tiêu con số này sẽ phải nâng lên 3 người.

"Cao su là đối tượng còn khá mới ở Campuchia nên nhiều người chưa thể đáp ứng được năng lực để đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Nông trường. Hiện nay chúng tôi đã tổ chức cho anh em đi học tập, đào tạo thêm để sớm có thể đảm đương được công việc", Tổng Giám đốc Giang chia sẻ thêm.

Công nhân người Campuchia thu mủ trong lô cao su. Ảnh: Tùng Đinh.

Công nhân người Campuchia thu mủ trong lô cao su. Ảnh: Tùng Đinh.

Công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa Kampong Thom thành lập năm 2009, với tổng vốn đầu tư 55 triệu USD. Tổng diện tích của công ty là 8.694ha, trong đó diện tích trồng cao su là 7.664ha, bắt đầu đi vào khai thác từ năm 2016.

Về hạ tầng, sau 15 năm hình thành, phát triển, công ty đầu tư được 16,6km đường điện trung thế 22kV, hơn 150km đường giao thông, 114 công trình nhà ở cho công nhân, gần 100 giếng khoan, 2 trạm y tế và 2 trường học.

Đây là những cơ sở không chỉ phục vụ cán bộ, công nhân viên của công ty mà còn phục vụ nhu cầu sử dụng của cộng đồng lân cận trong vùng. Ngoài ra, để phục vụ đời sống tín ngưỡng, công ty cũng phối hợp với các đơn vị cao su lân cận xây dựng chùa cho bà con.

Hàng năm, công ty cũng đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của các cấp địa phương hơn 37.000 USD và đóng góp vào quỹ môi trường hơn 17.000 USD.

Xem thêm
Công nhận tương đương: Thời cơ và thách thức từ Lệnh 248 (sửa đổi)

Vấn đề công nhận tương đương tại dự thảo Lệnh 248 (sửa đổi) đặt ra những nhiệm vụ mới cho cơ quan quản lý, trước mắt là xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất