Cách tỉnh lỵ Kampong Thom khoảng 60km, sau mấy lớp barrier, khuôn viên Công ty TNHH Cao su Mekong hiện ra, nằm gọn trong những lô cao su vuông vức, xanh ngát một màu, nơi cách đây hơn 10 năm là rừng Bâng Pê.
Thành lập vào đầu năm 2011, Cao su Mekong có địa bàn trải rộng trên 2 tỉnh của Campuchia là Kampong Thom và Preah Vihear, được xem là đơn vị trẻ tuổi nhất trong số 16 đơn vị của VRG đang đóng chân trên 7 địa phương của Campuchia.
Giữ chân lao động
Hơn 10 năm, từ những ngày chỉ là nơi hoang vu, vắng vẻ, không có đường đi, giờ đây hàng ngàn ha trong khu vực công ty quản lý đã phủ bóng cao su. Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Cao su Mekong chia sẻ: "Những ngày đầu của công ty rất gian nan, đường đi lối lại không có, anh em phải đi bằng máy cày, rồi đi bộ để đo đạc, phân lô cao su".
Đến nay, cơ sở hạ tầng được đầu tư kỹ lưỡng, điện, nước, đường đi, nhà ở cho công nhân được trang bị đầy đủ. Cũng nhờ sự đầu tư bài bản, đúng hướng đó mà sau hơn 10 năm thành lập, Cao su Mekong đã thu hút và giữ chân được hơn 1.100 công nhân người Campuchia, trong đó đa phần là người dân tộc Kuy.
Lãnh đạo công ty ví von, đây có thể xem là thành công lớn nhất của Cao su Mekong khi đã thay đổi được tập quán người bản địa. Từ những người sống phụ thuộc vào thiên nhiên, du canh, du cư, họ đã học được cách làm cao su, quần tụ lại, xây dựng cộng đồng ngày càng đông đúc, sung túc và ổn định.
10 năm trước, cao su là cây rất mới ở rừng Bâng Pê này. Ngoài việc đầu tư hạ tầng, Cao su Mekong cũng có hàng loạt chính sách để thu hút và giữ chân lao động.
"Khi tuyển mới, trong những ngày đào tạo cạo mủ, công nhân vẫn được nhận 18.000 riel/ngày và tặng dao cạo. Sau khi thành thạo, trong 12 ngày (3 dao đầu), công ty trả cho lao động 25.500 riel/ngày", ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc công ty thông tin.
Nếu đáp ứng được công việc, công nhân khi vào làm sẽ có công nhật, công chuyên cần, tiền mủ khô, mủ dây rồi thêm cả xăng xe, nhu yếu phẩm. Thậm chí, ngày lễ, ngày Tết, ngoài được nghỉ họ còn được nhận thêm phụ cấp 16.000 riel/ngày.
Hiện nay, hơn 1.100 lao động trực tiếp của Cao su Mekong thì 100% là người Campuchia, thu nhập trung bình khoảng 1,2 triệu riel (khoảng 7,2 triệu đồng) mỗi tháng. Đây là mức thu nhập được đánh giá là cao so với mặt bằng chung lao động ở đất nước Chùa Tháp này.
Ngoài thu nhập, công nhân còn được hỗ trợ nơi ở, cung cấp đồ bảo hộ lao động, trường học cho con cái có xe đưa đón mỗi ngày và các loại bảo hiểm như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm tai nạn lao động.
Chưa kể, để chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân người Campuchia, trong đó đa phần là người Kuy theo Phật giáo, công ty cũng xây thêm chùa, ngoài các hạ tầng cơ bản như điện, đường, trường, trạm.
Nhờ đó, đến nay lực lượng lao động của công ty đã đi vào ổn định, diện tích 5.714ha trồng cao su của công ty được phân giao 100%. Theo đó, trung bình mỗi công nhân phụ trách 6,5ha, năng suất vào khoảng 626 cây/công nhân/phiên cạo với sản lượng vào khoảng 10,3 tấn mủ/người/năm.
"Để tiếp tục nâng cao năng suất, công ty đang nghiên cứu thí điểm hình thức giao khoán, nhằm hỗ trợ các gia đình công nhân tận dụng được sức lao động, tăng thu nhập", ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ thêm.
Trước khi kéo được điện lưới, công ty sử dụng máy phát chạy dầu để phát điện sử dụng. Điện này ngoài phục vụ trụ sở, cán bộ còn cấp cho cả công nhân và chia theo theo giờ, thường từ 18-21h và 4-7h sáng để phục vụ sinh hoạt, nấu ăn cho anh chị em.
Những thanh niên Campuchia ở Cao su Mekong
Giữa rừng cao su rợp bóng, nhiệt độ giảm đến 1 - 2 độ C so với bên ngoài, bỗng có tiếng xe máy giòn tan xua tan không gian yên tĩnh đó. Chiếc Dream Thái mới cáu cạnh lướt nhanh trên con đường nội khu rồi dừng lại ở một lán nghỉ công nhân.
Trên xe là cô gái còn trẻ măng, khuôn mặt rất tươi sáng dù không tránh khỏi những dấu ấn của lao động. Đó là Seng Mea Kara, tay cao giỏi nhất của Công ty TNHH Cao su Mekong năm 2004, cô sinh năm 2003.
Qua lời phiên dịch của cán bộ công ty, Mea Kara nói chiếc xe này là phần thưởng cho người đứng đầu cuộc thi tay nghề của công ty mới tổ chức cách đây vài tháng. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, chiếc xe có công tơ mét mới ngoài 500km này được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, có giá 2.400 USD.
Khi được hỏi vì sao lựa chọn gắn bó cây cao su, Mea Kara nói: “Làm ở đây mỗi tháng em thu nhập được hơn 1,2 triệu riel, chưa kể tiền thưởng. Chỗ ở được công ty cấp cho, điện nước cũng có sẵn lại ở cùng cộng đồng nên em không muốn đi đâu nữa”.
21 tuổi, mẹ của một bé gái 2 tuổi là lao động có tay nghề cao nhất của công ty với lương, thưởng xứng đáng, có lẽ Mea Kara sẽ còn gắn bó lâu hơn nữa với cây cao su, không còn những ngày tháng du canh, du cư như những thế hệ trước của cô nữa.
Hơn Mea Kara 8 tuổi, Chhoun Choeun là ông bố 3 con, cũng là một tay cạo có kỹ năng tốt của Cao su Mekong. Do 2 vợ chồng cùng làm công nhân nên 3 con của Choeun ở cùng bố mẹ trong nhà ở công nhân do công ty bố trí và học trong trường của công ty luôn.
Choeun nói, 2 vợ chồng anh mỗi tháng thu nhập được từ 2,4 - 2,5 triệu riel, thoải mái cho sinh hoạt của cả gia đình và có thêm phần tích lũy. Đây là thu nhập mơ ước của nhiều người bản địa trước đây, khi họ chỉ gắn với nương rẫy, làm mùa nào biết mùa đó, đất cằn cỗi lại phải dọn đi nơi khác.
Lý do mà chàng trai sinh năm 1995 này không lựa chọn Phnom Penh hay đi Thái Lan lao động là do được hỗ trợ nhà ở và nước sạch, mỗi tháng chỉ phải đóng thêm tiền điện.
Bên cạnh đó, với đặc điểm của nghề làm cao su, nếu chăm chỉ thì 8 - 9h sáng là công nhân tay nghề cao đã có thể hoàn thành phần việc của mình, chỉ những những ngày đi lấy mủ mới phải làm thêm 1 - 2 tiếng.
Thời gian còn lại trong ngày, họ hoàn toàn có thể tăng gia nông nghiệp như chăn nuôi hay trồng lúa, trồng điều để cải thiện thu nhập. Đó cũng là lý do mà những thanh niên trẻ như Choeun hay Mea Kara lựa chọn gắn bó với cây sao su.
Cao su Mekong hiện có 5.714ha cao su, trong đó ở tỉnh Kampong Thom là gần 4.150ha và tỉnh Preah Vihear là gần 1.570ha, 100% diện tích đã đưa vào khai thác từ năm 2022 với năng suất ổn định.
Về nhà ở, với tổng số diện tích gần 10.000m2, công ty xây dựng 114 căn hộ kiên cố cho công nhân và 13 nhà ở cho cán bộ. Trong đó, ở khu nhà của công nhân đã hình thành nên các cộng đồng gắn bó, đông đúc và có đầy đủ các loại dịch vụ liên quan đến đời sống của bà con như tạp hóa, tiệm sửa xe, khu vui chơi thể thao...